Chị Hạnh Dung kính mến,

Em năm nay 34 tuổi, lấy chồng được gần 10 năm. Vợ chồng em có 2 con gái, đứa 9 tuổi, đứa 6 tuổi. Nhà chồng em là người miền Trung, anh là con trai thứ. Trên anh có các anh chị đã lập gia đình và dưới anh có cô em gái út.

Trong nhà anh, từ mẹ chồng, đến chị chồng, rồi chị dâu đều đảm đang, chiều chồng. Không chỉ giỏi giang gánh vác kinh tế gia đình, các chị còn quán xuyến cả việc nhà đâu ra đó. Ba chồng em là trí thức, từ ngày về hưu, ông chỉ quen đọc sách, uống trà, chơi cờ, còn tất cả chuyện trong ngoài đều một tay mẹ chồng lo.

Quan niệm của nhà chồng em là đàn ông không cần mó tay vào việc nhà, đàn ông mà lo chuyện cơm nước, quét tước nó… hèn người đi. Chồng em cũng ảnh hưởng tư tưởng đó. Ngày mới cưới, em làm dâu trong nhà chồng nên cũng theo nền nếp đó. Việc nhà lúc ấy không quá nặng nề vì có mẹ chồng và em chồng cùng làm.

Thế nhưng từ ngày vợ chồng em ra riêng thì cái tật không bao giờ rớ vào việc nhà của chồng khiến em rất bực. Nhà có 4 người nhưng chỉ một mình em dọn dẹp. 2 con còn nhỏ nên cứ bày đồ chơi, sách vở, áo quần khắp nơi. Anh thấy vậy cũng không phụ giúp, hễ đi làm về là tắm rửa, coi ti vi, ôm điện thoại, thi thoảng anh cũng chơi với con nhưng tuyệt nhiên không làm việc nhà.

Em vừa phải đi làm, vừa lo cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nên rất đuối. Nói anh giúp thì anh trả lời đó không phải việc của đàn ông, em cần thì thuê người giúp việc, anh sẽ đưa thêm tiền hằng tháng.

Em chán quá, chuyện này mà nói với bên chồng thì chắc chắn không ai đứng về phía em. Nhưng chẳng lẽ em phải làm ô sin cho người chồng vô trách nhiệm này suốt đời?

Mỹ Hạnh (Long An)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Mỹ Hạnh thân mến,

Đọc thư em, Hạnh Dung hiểu và chia sẻ nỗi bức xúc của em. Thời nay nam nữ bình đẳng, vợ chồng cùng đi làm lo kinh tế, cùng nuôi dạy con cái và chia sẻ việc nhà. Ở đây, chồng em chưa nhận ra và chưa quen với việc này thì em phải tìm cách để anh thay đổi suy nghĩ.

Trước hết, em khoan phán xét chồng vô trách nhiệm. Bằng chứng là anh đi làm đem tiền về cho vợ, về nhà có chơi với con và còn hứa sẽ đưa thêm tiền nếu em muốn thuê ô sin. Có thể do từ nhỏ anh ấy đã quen với hình ảnh mẹ và chị làm hết việc nhà nên mặc định đó là chuyện hiển nhiên. Trong thời gian mới về làm vợ anh, chính em cũng chấp nhận việc đó mà không có ý kiến nên chồng em cho rằng em thuận tình.

Đàn ông thường thích sự nhỏ nhẹ, dịu dàng, chứ không ai muốn bị áp đặt. Muốn thay đổi thói quen, suy nghĩ đã định hình mấy chục năm của một người không dễ. Thay vì cằn nhằn hay “ra lệnh” cho chồng phải làm việc này, việc kia, em thử tìm cách khác.

Chẳng hạn như chờ đến ngày sinh nhật, kỷ niệm ngày yêu nhau, kỷ niệm ngày cưới, ngày 8/3, 20/10… rồi thủ thỉ với chồng rằng em muốn anh tặng quà cho vợ bằng cách phụ vợ quét nhà, phơi đồ, lau nhà…

Nếu chồng đồng ý thì em hãy cùng chồng làm, huy động thêm các con vào làm với ba để tạo không khí gia đình vui vẻ. Khi anh làm tốt hoặc thậm chí chưa tốt, hãy cho anh biết em rất hạnh phúc khi được chia sẻ việc nhà. Anh ấy sẽ dần nhận ra là làm việc nhà cùng vợ con cũng vui, khi đó em sẽ tăng dần tần suất nhờ chồng phụ giúp.

Con của em cũng đã lớn nên vợ chồng em có thể rèn con làm những việc nhỏ vừa sức trong nhà. Hãy nói với chồng rằng ba mẹ là tấm gương cho con cái, ba mẹ có siêng năng, nền nếp, gọn gàng thì con mới học theo.

Một điều nữa, em hãy nhớ mục đích của em là để chồng biết quan tâm chia sẻ việc nhà, chứ không đòi hỏi, ép buộc. Trong những ngày mệt mỏi, công việc cơ quan nhiều, em có thể thu xếp thuê người giúp việc theo giờ, dành thời gian để vợ chồng nghỉ ngơi, dạy con học, chơi với con, miễn sao cân đối được thu chi trong gia đình.

Chúc em thu vén tốt việc nhà, em nhé!

Theo phu nữ TPHCM