Nói ra thì Loan cảm thấy ái ngại. Nhưng sự thật là cô không thể miễn cưỡng ngồi cùng bàn, ăn cùng chồng một bữa cơm gia đình đúng nghĩa. 

leftcenterrightdel
 Lâu rồi, cả nhà không có bữa cơm gia đình đúng nghĩa (ảnh minh họa)

Là nhân viên văn phòng nên Loan rất chú trọng đến hình thức, cách ứng xử cả nơi công cộng lẫn trong gia đình. Nhưng chồng cô thì khác, xuất thân từ gia đình không khá giả, anh phải ra đời sớm. Nghề xây dựng cùng với môi trường làm việc hỗn độn, xô bồ khiến anh bỏ qua hết những phép tắc cơ bản. Từ cách nói chuyện bỗ bã, cách ăn mặc lôi thôi xuề xòa, đến cách anh thể hiện trên bàn ăn cũng không hề đẹp đẽ văn minh như cô mong cầu.

Những năm đầu mới về sống chung, có lẽ men tình còn mặn nồng nên Loan không quá khó chịu. Sống với nhau lâu, chồng Loan không giữ kẽ, mọi thói quen tốt xấu lần lượt "trưng" ra hết, không ngại ngùng. Ngủ - anh ngáy lớn đến mức Loan phải ôm gối qua phòng con “tị nạn”. Tắm - anh cao lớn nên mỗi lần gội đầu là bọt xà bông văng đầy tường nhà tắm. Sự vô ý vô tứ cũng khiến anh cũng không thể nào giữ toilet được thơm tho…

Nhưng những việc đó không làm Loan dị ứng bằng việc mỗi lần anh ăn cơm. Anh phát ra tiếng nhai thức ăn lớn đến mức cô không thể tiếp tục ngồi cùng. Nhiều lần cô tế nhị nhắc khéo anh nên ý tứ một chút, lập tức chồng phản ứng gay gắt: “Nhai mà không ra tiếng thì nhai kiểu gì?”.

Cô chán nản, có ai bắt anh phải… ngừng nhai đâu! Nhưng nếu anh giữ ý tứ thì đỡ khổ cho cô và mấy đứa con biết bao! Cô đưa anh xem mấy clip hướng dẫn cách ăn uống lịch sự, trong đó có cả cách nhai không hở miệng để hạn chế âm thanh phát ra lúc nhai. Như chạm tự ái, anh gạt phắt đi: “Vẽ chuyện”.

Sau nhiều lần thất bại, Loan thôi ý định giúp chồng sửa thói quen xấu. Cô ngậm ngùi nhận ra rằng, thói quen từ nhỏ ấy đã là một bản năng, muốn thay đổi đâu dễ. Quan trọng nhất, chồng Loan không hề có ý định hợp tác, anh còn phê phán Loan ưa cảnh vẻ, làm quá mọi chuyện.

Từ chán nản, Loan dần dần mất hứng thú, không còn thấy ngon miệng, việc cùng chồng ăn chung bữa cơm nhà khiến Loan có cảm giác chịu đựng. Hôm nào anh đi nhậu về trễ, cô không trông chờ, ngược lại còn trút được gánh nặng vì không phải vừa ăn vừa chịu trận chồng.

Cô và con tranh thủ ăn đúng giờ, chỉ phần thức ăn cho anh. Khi nào anh về thì tự hâm lại, ăn một mình. Nếu anh về đúng bữa, Loan viện cớ không đói hoặc làm việc chưa xong, nhắc mấy cha con cứ ăn cơm trước. Rồi cô lặng lẽ ăn cơm sau, một mình.

Có vài buổi tiệc nhà họ hàng, cô để ý vài người khéo léo viện cớ gặp người quen khác đề rời bàn ăn, không ngồi cùng vợ chồng cô. Không nói, nhưng Loan ngầm hiểu lý do cũng từ nết ăn có phần thô thiển của chồng. Dần dà, Loan ngại đến các buổi tiệc tùng. Khi thì cô “khoán trắng” cho chồng đi một mình, khi thì cô miễn cưỡng đi cùng, nhưng đến nơi, viện lý do cánh đàn ông phải ngồi chung mâm cho dễ cụng ly, Loan nhanh chóng rút qua bàn phụ nữ để đỡ ngại.

leftcenterrightdel
 Làm sao để một người ứng xử văn minh hơn trên bàn ăn? (Ảnh minh họa)

Loan hay trò chuyện với 2 đứa con, cố gắng dạy chúng cách ứng xử đúng mực khi ngồi vào bàn ăn để tránh lặp lại thói quen xấu như cha chúng. Loan thèm một bữa cơm gia đình đầy đủ vợ chồng con cái, vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ, ấm cúng như bao gia đình khác, nhưng cố gắng đến mấy Loan cũng không thể thích nghi nổi với tiếng nhai đầy khiêu khích từ người ngồi đối diện.

Làm sao để có thể vui vẻ ngồi cùng mâm với chồng? Loan không thể gạt bỏ được cảm giác khó chịu như thể bị ép phải ngồi xem cho hết một clip ăn uống mukbang (clip quay cảnh ăn uống nhồm nhoàm trên YouTube, TikTok) mà từ đầu đến cuối phải “nhìn miệng” và rót cho đầy lỗ tai những tiếng nhai kì quặc. Rõ ràng các clip mukbang có rất nhiều người xem, vậy thì lỗi ở cô và cách rèn con từ nhỏ của cha mẹ cô chăng?

Bữa cơm được xem là dịp gắn kết gia đình. Nhưng chỉ vì nết ăn quá khác biệt, vợ chồng Loan ngày càng xa nhau. Có cặp vợ chồng nào cũng trong cảnh khó nói như vợ chồng Loan không?

Theo phụ nữ TPHCM