Đi làm không áp lực tiền bạc, chị Phương Thanh, nhân viên văn phòng tại một công ty trong lĩnh vực xuất bản ở quận 3, TPHCM đã rất nhiều lần nghĩ đến nghỉ việc. Lương chỉ hơn 7 triệu đồng, nhiều người hay đùa, tiền lương không đủ cho chị đổ xăng đi lại.
Tất cả các khoản chi tiêu trong gia đình chị Thanh từ lớn đến nhỏ đều từ tiền chồng. Chồng chị là Phó Giám đốc một công ty công nghệ, thu nhập hàng tháng không dưới 300 triệu đồng. Chưa kể vợ chồng chị còn có các khoản thu nhập thụ động từ đầu tư, tiền cho thuê nhà... Mỗi năm, trừ các khoản chi tiêu, anh chị vẫn để dành được tiền tỷ.
Rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè của chị ước "có chồng như Thanh" để nghỉ việc ở nhà cho sướng. Chính chị Thanh cũng băn khoăn có nên nghỉ việc để tập trung chăm sóc nhà cửa, con cái. Công việc của chị tuy không quá áp lực nhưng đã làm văn phòng thì đều "ngốn" hết thời gian trong ngày, ảnh hưởng đến việc chăm sóc nhà cửa con cái...
Chị Thanh thừa nhận đi làm không áp lực tài chính rất nhàn cái đầu, được làm công việc mình yêu thích. Tuy nhiên, "bình đỡ" này cũng làm chị mất đi khả năng vượt khó, mỗi khi rối bời giữa công việc và con cái chị lại có suy nghĩ nghỉ cho rồi.
Tương tự chị Thanh, chia sẻ "có nên ở nhà chồng nuôi" của một bà mẹ 30 tuổi, hai con trên một diễn đàn công sở mới đây thu hút rất nhiều ý kiến. Người vợ kể lương làm 8 triệu đồng/tháng mà môi trường công sở toxic (độc hại). Chồng chị kinh doanh, thu nhập cao, gia đình có nhà cho thuê nên không áp lực về kinh tế.
Chồng chị động viên vợ nghỉ việc ở nhà chăm con cũng như có thể phụ chồng công việc kinh doanh cho đỡ mệt mỏi. Tuy nhiên, người vợ đang lo lắng ở nhà lâu sẽ sinh ra ù lì, không phát triện được bản thân cũng như phụ thuộc kinh tế vào chồng.
Phụ nữ ở nhà phải chấp nhận rủi ro
Lựa chọn ở nhà khi chồng có điều kiện kinh tế, họ có thể có nhiều thời gian cho bản thân, gia đình, con cái, buông được nhiều gánh nặng. Nhưng đi cùng đó cũng là nhiều rủi ro phải đối mặt.
Anh Nam Hoa Dứa, làm việc tại Hà Nội bày tỏ, vợ ở nhà chăm con là "ước mơ của mọi thằng đàn ông lười", bản thân anh cũng không ngoại lệ.
Ở phương diện cá nhân, các ông chồng, nhất là những ông chồng kiếm ra tiền sẽ mong vợ ở nhà chăm con vì tâm lý muốn thoái thác trách nhiệm với con cái để tập trung kiếm tiền. Nhưng theo anh, đàn ông đã có gia đình thì đừng nghĩ mình lao vào kiếm tiền là giỏi, có tiền mới là quan trọng nhất.
Về phía người phụ nữ, anh Nam Hoa Dứa nhấn mạnh, muốn gia đình êm ấm thì người vợ phải đi làm. Người vợ không được phép lệ thuộc tài chính vào chồng vì điều này rất nguy hiểm đối với sự đối trọng trong gia đình và có thể là nguồn cơn của những cãi vã.
Anh phân tích, thực tế hiện nay phụ nữ làm việc nhà không có tiếng nói vì lệ thuộc tài chính cũng không thể kể công những công việc không tên. Vợ ở nhà, rất dễ nghe chồng buông câu: "Ở nhà cả ngày mà chưa làm gì à?".
Chưa kể, phụ nữ ở nhà còn phải chấp nhận rủi ro sau này có thể bị chồng ghẻ lạnh rồi cặp bồ. Hình ảnh những nữ chính nội trợ full-time lúc nào cũng ru rú ở nhà, bị chồng phụ bạc trong mấy bộ phim Hàn không chỉ là ở trên phim.
Đề tài "phụ nữ có nên ở nhà" được nhiều chị em quan tâm. Nữ lập trình viên Hà Thị Quyên, 26 tuổi nói ngay: "Ngàn lần không! Dù ít dù nhiều, phụ nữ phải kiếm được tiền".
Cô gái đưa ra ba lý do nhấn mạnh việc phụ nữ phải đi làm, phải kiếm ra tiền. Thứ nhất, điều cơ bản nhất là phụ nữ phải độc lập vì nếu không có khả năng tạo ra vật chất, chăm lo cho những nhu cầu cơ bản của bản thân sẽ không có tiếng nói, sẽ bị khinh thường.
Thứ hai, muốn độc lập thì phải có các mối quan hệ xã hội. Bản thân mỗi người phải có vòng tròn kết nối của chính mình chứ không phải phụ thuộc vào chồng. Chỉ có như vậy mới có thể tự tin cũng như có khả năng tạo ra niềm vui cho bản thân.
Thứ ba, theo Quyên, độc lập không chỉ về tài chính mà còn về cảm xúc. Phụ nữ đi làm kiếm tiền còn để giảm sự phụ thuộc cảm xúc vào chồng. Khi ở nhà chăm sóc gia đình, hầu hết thời gian người phụ nữ dành cho chồng con, mọi kỳ vọng, cảm xúc buồn/vui tập trung vào đó, rất dễ buồn, dễ tổn thương vì chồng vì con.
"Không một ai muốn chịu trách nhiệm cho cảm xúc vui buồn của người khác. Việc phụ nữ ở nhà sẽ gây áp lực cho bản thân mình và với cả chồng, con. Chúng ta có thể tìm công việc khác phù hợp hơn nhưng tuyệt đối đừng nghỉ việc ở nhà. Kiếm được tiền, ít nhiều gì phụ nữ cũng sẽ tự tin, có giá trị hơn", Quyên bày tỏ.
Theo số liệu của cơ quan thống kê Hàn Quốc, năm 2021, tại đất nước này, cứ 6 phụ nữ, sẽ có hơn 1 người phải rời bỏ công việc sau khi kết hôn do phải dành thời gian nuôi con và chăm sóc gia đình.
Bức tranh này không chỉ ở Hàn Quốc mà tồn tại ở nhiều quốc gia. Điều này phản ánh thực tế, phụ nữ luôn phải chịu áp lực giữa công việc và gia đình, không dễ để cân bằng, thậm chí họ phải lựa chọn.
Việc nhà vẫn là gánh nặng với phụ nữ và họ cũng đối mặt với bài toán phải độc lập tài chính. Đây là áp lực kép mà chị em phải gồng gánh...
Theo dantri.com.vn