Sáng đầu tuần, tôi mở tủ lấy quần áo để chuẩn bị đi đám hỏi của đứa cháu nhưng tìm mãi không thấy bộ đồ nào tươm tất. Quần thì bạc màu, áo không sờn cổ thì bị dính bẩn không tẩy được. Thấy vợ đi vào phòng, tôi nói: “Em mua cho anh bộ quần áo mới, đồ cũ hết rồi”.
Vợ thở dài rồi cau có: “Tiền ăn còn chưa đủ lấy đâu mà may với vá. Anh đi đâu mà cần quần áo mới, bốc hàng mang đồ cũ được rồi”.
Tôi chưa kịp phản ứng gì thì vợ đã đi ra rồi đóng cửa phòng thật mạnh. Đã gần 2 năm nay, thái độ vợ đều như thế mỗi lần nhắc đến chuyện tiền bạc.
|
Gia đình tôi đã từng rất êm ấm (ảnh minh họa) |
Vợ chồng tôi lấy nhau gần 11 năm và đã có 2 con gái. Trước đó, tôi có thời gian đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Hàng tháng tôi đều đặn gửi tiền về để vợ nuôi con và lo cho cha mẹ già. Sau khi về nước, tôi dùng phần lớn số tiền tích cóp vất vả ở xứ người để mua căn nhà gia đình đang ở.
Bản thân tôi là người không thích nhậu nhẹt, hết giờ làm là về nhà phụ vợ chăm con, quán xuyến nhà cửa. Do không có bằng cấp nên sau khi về nước, tôi tìm việc rất khó và làm tự do nhiều việc khác nhau. Dù không kiếm được nhiều tiền như trước nhưng tôi vẫn đảm bảo chi phí sinh hoạt cho gia đình, vợ chỉ phụ thêm. Mặc dù vợ làm giáo viên, có mức lương ổn định hàng tháng và thu nhập từ dạy thêm.
Lúc đó, cuộc sống gia đình tôi vui vẻ hạnh phúc còn chút tiền tiết kiệm nên không phải lo lắng nhiều. Nhưng cha tôi đột ngột bị bệnh nan y, tôi dốc hết tiền bạc chạy chữa nhưng vẫn không cứu được. Cha mất, tôi gần như trắng tay và gánh thêm một khoản nợ gần 100 triệu đồng.
Để nhanh chóng có tiền trả nợ, khi cơn sốt đất ập tới, tôi đã liều vay 700 triệu đồng để mua đất đầu tư nhưng giai đoạn sau đó thị trường bất động sản đóng băng nên tới tận giờ vẫn không bán được. Tôi cố gắng làm lụng nhưng công việc liên tục gặp khó khăn vì công ty không có đơn hàng. Ngoài làm ở kho hàng, tôi còn tranh thủ đi làm shipper hay làm bất cứ công việc gì khi được thuê.
Vì tôi phải lo trả nợ nên toàn bộ chi phí sinh hoạt gia đình giao lại cho vợ gánh vác. Nếu tháng nào không đủ tiền trả lãi, tôi phải lấy tiền của vợ để bù vào. Từ đó, cô ấy luôn than vãn tôi không làm ra tiền còn mang nợ về. Hết kể lể với người này người kia, vợ còn đăng tâm sự lên mạng xã hội làm tôi thêm áp lực.
Bữa cơm gia đình trở nên nặng nề, khi tôi lo chi phí thì đầy đủ các món còn bây giờ vợ chỉ mua thức ăn đạm bạc. Tôi lo các con ăn không đủ chất, nhắc vợ thì luôn nhận được câu trả lời: “Tiền đâu mà mua, không có tiền mà đòi ăn sang” khiến tôi khổ tâm vô cùng. Tôi biết vợ vẫn có tiền nhưng cô ấy không chịu chi tiêu đầy đủ cho gia đình.
|
Vợ chán nản, coi thường chồng vì tôi mang nợ không lo được cho gia đình (ảnh minh họa) |
Thái độ của vợ làm tôi buồn lòng, không còn động lực để cố gắng, nhiều lúc tôi muốn bán cắt lỗ miếng đất để thanh toán hết nợ nần nhưng vừa tiếc vừa sợ hụt vốn. Nếu vợ chung sức chung lòng thì tôi tin sẽ vượt qua được thời điểm khó khăn này. Chuyện xui rủi trong làm ăn là điều không ai muốn, tôi nợ nần không phải do ăn chơi hay bài bạc nhưng vợ không hề cảm thông.
Suốt nhiều năm, tôi gánh vác gia đình thì mọi chuyện êm ấm, vợ mới lo lắng được một thời gian đã thấy chán nản, muốn vứt bỏ gánh nặng.
Hôm đám hỏi ấy, thấy vợ khó chịu nên tôi đã vét số tiền còn lại trong túi khoảng 500 ngàn đồng để mua một bộ quần áo mới để đi đám hỏi. Chuyện này làm vợ tức giận. Cô ấy nói với các con trong bữa tối: “Làm đã không ra tiền còn bày đặt chưng diện”.
Tôi muối mặt với các con nên chỉ muốn búng nổ. Cách cư xử của vợ làm tình cảm vợ chồng ngày càng lạnh lẽo. Tôi tự hỏi, phải chăng vợ chồng chỉ hạnh phúc khi đầy đủ, còn gặp khó khăn thì dễ tan tác, chia ly.
Theo phụ nữ TPHCM