Chị Trần Thanh Hoa (TP Thủ Đức, TPHCM) luôn có cảm giác bất lực vì chồng mê chạy bộ hơn gia đình. Trước đây, anh Hồng Minh - chồng chị Hoa - mắc chứng gan nhiễm mỡ. Chị vận động anh tập thể dục, mua sắm giày hiệu để chồng chạy thể dục.

Thời gian đầu, chị giục mãi chồng mới ì ạch vừa đi bộ vừa chạy vài ba cây số. Chạy một thời gian quen chân, anh Minh chuyển sang mê chạy, anh chạy quên ăn, quên làm, quên cả vợ con. Anh tham gia thật nhiều giải chạy coi như đó là thử thách vượt lên chính mình.

“Cuối tuần là thời gian gia đình bên nhau, nhưng ổng chỉ tập trung lo cho việc chạy. Trước mỗi giải chạy ổng chỉ lo tập tành. Từ lâu, nhiều cuộc vui chỉ 3 mẹ con tôi có mặt. Bạn bè không biết chuyện gì, tưởng vợ chồng ly thân hay ly hôn” - chị Hoa bức xúc.

Mỗi lần thấy ba xách ba lô, xỏ giày, con gái út 8 tuổi của anh chị lại đùa: “Ba ơi đừng đi nữa, nhà mình có còn gì đâu”. Nghe con nói, chị Hoa cười ra nước mắt, "nhà mình không còn gì" là một phần sự thật.

leftcenterrightdel
 Chồng mê chạy bộ, vợ xót tiền bib - Ảnh: Freepik

Từ ngày tập trung chạy, anh Minh không còn thời giờ nhận việc làm thêm như trước. Thu nhập bên ngoài vốn là nguồn tiền chính của gia đình nay giảm sâu, anh chỉ còn vỏn vẹn khoản lương chính chưa tới 15 triệu đồng/tháng. Anh đưa cho vợ được 6 triệu đồng, còn lại anh giữ mua bib để tham gia các giải chạy, phí sinh hoạt câu lạc bộ chạy với các "đồng run".

Có lần, anh ra miền Bắc để theo giải chạy, tiền mua vé máy bay, khách sạn lưu trú và các chi phí khác cho việc chạy tốn gần 20 triệu đồng. Chị Hoa ca thán việc chi tiêu gia đình gặp khó, anh Minh vặc lại: "Đi chạy lành mạnh chứ có bồ bịch, bài bạc đâu!".

Chị xót của, giận chồng, nhưng đành nhẫn nhịn. Cuối tuần, chị Hoa và các con luôn ngủ trước khi anh Minh đi chạy về. Chị chia sẻ rằng cũng biết chạy bộ tốt cho sức khỏe, nhưng khi anh quá nghiện mà quên đi vai trò của người cha, người chồng trong gia đình... thì lại là ích kỷ. Các con từ trách cứ, hờn giận, chuyển sang tâm lý quen dần với việc ba "mê chạy hơn mê con".

Cũng rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì chồng đam mê chạy bộ, chị Hồ Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) than chồng chị... không giống ai. Anh chỉ thích chạy bộ đêm. Tuần 3 buổi anh chạy từ 20-30km và chỉ chạy giữa đêm thanh vắng.

Khoảng 1g sáng, cả nhà đang ngủ, anh lạch cạch sửa soạn để ra đường chạy đến gần sáng mới về nhà. Nhiều lần, chị Ngọc phân tích việc chạy đêm không tốt vì sai nhịp sinh học. Nhưng chồng chị cho rằng chạy đêm anh thấy bền sức hơn do không khí trong lành, ít khói bụi và an toàn giao thông hơn, cũng không lo đen da hay cháy nắng. Anh trách chị lười vận động nên luôn tưởng tượng ra các lý do để ép chồng ở nhà.

“Chồng tôi đã "cứng chân" trong làng chạy bộ. Các giải chạy anh tham gia lên tới vài chục km. Tuy nhiên, mỗi lần đọc tin có ai phải cấp cứu ở giải chạy, tôi đều thót tim” - chị Ngọc chia sẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn (Hà Nội), bất cứ hành động nào thái quá đều không tốt. Ông Đoàn nói, trong gia đình, khi một người có một sở thích riêng nhưng dành quá nhiều thời gian, tiền bạc cho điều đó dễ dẫn tới bất hòa. Từ những lục đục nhỏ, hạt sạn nhỏ, lâu ngày tích tụ dần thành tảng đá lớn, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.

Chạy bộ vì lý do thể dục là trào lưu tốt, nhưng cần cân đối hài hòa với các hoạt động khác. Nếu vợ chồng mỗi ngày cùng chạy bộ, thể dục 5-6km sẽ giúp tăng tiết dopamine và serotonin, làm tăng hormon hạnh phúc. Từ đó, vợ chồng có tâm trạng thoải mái, tâm lý cởi mở, dễ chia sẻ.

Trường hợp các bà vợ có chồng quá mê chạy như chị Hồ Ngọc và chị Thanh Hoa, ông Đoàn cho rằng có thể cùng nhau bàn bạc, lập kế hoạch để vợ chồng cùng chạy bộ thể dục, phân chia thời gian và sức lực, tiền bạc cho việc chạy giải sao cho hợp lý. Thực tế, có khá nhiều cặp đôi tìm được tiếng nói chung khi vợ chồng cùng tham gia một môn thể thao.

Về mặt sức khỏe, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng) nhận định chạy bộ quá nhiều không tốt. Nếu bạn không phải là vận động viên, chỉ nên chạy thể dục từ 3-5km mỗi ngày nhằm duy trì hoạt động trao đổi chất cho cơ thể. Việc chạy quên ăn, quên ngủ, chạy xuyên đêm, chạy để đạt thành tích kiểu "quên bản thân"... bác sĩ Hoàng thẳng thắn phản đối. Ông cho rằng mỗi cơ thể sẽ có ngưỡng chịu đựng riêng, nếu quá ngưỡng rất nguy hiểm.

Tác hại dễ thấy của việc chạy bộ quá sức là tổn hại cơ, mất cơ, cơ bắp không được phục hồi, dễ gây chấn thương. Đặc biệt, việc vận động quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sẽ ảnh hưởng tới tim mạch, khiến nhịp tim tăng nhanh, rối loạn, không cung cấp đủ máu và oxy đến tim, dễ gây ra biến cố tim mạch, đột quỵ. Chưa kể, nhiều nhóm bạn hào hứng tham gia giải chạy, sau đó lại tham gia tiệc tùng ăn uống, nhậu nhẹt đến khuya, lợi bất cập hại.

Theo phụ nữ TPHCM