Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ chồng em đều là dân tỉnh vào thành phố học rồi ở lại lập nghiệp. Chồng em tốt nghiệp đại học kinh tế, anh là niềm tự hào của gia đình và cũng là niềm ngưỡng mộ của em.

Thời gian đầu sau khi cưới nhau, anh đi làm ở một công ty nhà nước, lương không cao, nhưng đối với ba mẹ anh, có việc làm trong nhà nước là ổn định và danh giá. Lúc tụi em có con nhỏ, nhà vẫn phải thuê, chi phí cuộc sống tăng cao, anh chuyển sang một công ty tư nhân để mong có thu nhập tốt hơn. Do không quen môi trường tư nhân nhiều áp lực nên anh khá vất vả.

Thời gian tiếp đó là dịch bệnh, công ty cắt giảm nhân sự, anh thất nghiệp. Thấy bạn bè chơi chứng khoán, anh cũng theo nhưng bị thua lỗ, khoản tiền dành dụm và một số tiền vay mượn của bạn bè đều mất trắng.

Sau vụ đó, anh bị mất tinh thần, không ngủ được, ngày nào cũng vào mạng xem và cay cú về những vụ lời lỗ của người khác. Em rất sợ chồng sẽ bị lậm vô thành tâm bệnh.

May mà anh cũng thấy gia đình thiếu thốn tiền bạc nên khoảng hơn 2 tháng nay anh đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Anh chỉ chạy từ 9g sáng đến 3g chiều, vì sợ chạy trong khung giờ đi làm lỡ gặp bạn bè. Anh nói thích công việc này, đỡ nặng đầu, được ngày nào sống qua ngày đó.

Anh không muốn ai biết chuyện này, nên bắt em giấu biệt. Điện thoại về ông bà nội, anh vẫn nói là đang đi làm công ty rất tốt, cuộc sống vẫn ổn, sắp sửa mua nhà. Anh nói nếu ba mẹ anh biết anh chạy xe ôm, ông bà sẽ suy sụp tinh thần, làng xóm dị nghị bình phẩm.

Em cũng hiểu và đang giấu cho chồng, nhưng về lâu về dài em nghĩ khó mà giấu được. Em phải làm sao để thuyết phục anh quay lại với công việc đã được đào tạo, để sống mà không phải tránh né, giấu giếm như hiện nay?

Khánh Huyền (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

 

Em Khánh Huyền thân mến, 

Qua giai đoạn khó khăn, chồng em đã trở lại làm việc; cho dù đó là công việc chưa được như mình mong muốn, em cũng nên coi đó là một chuyển biến lớn của chồng. Thất bại trong công việc không phải là hiếm, cần có thời gian để những sang chấn tâm lý của anh ấy qua đi, mình không nên vội vàng quá.

Công việc hiện tại - xe ôm công nghệ - theo chồng em nói là “đỡ nặng đầu”, có thể là cách để chồng em tìm lại được sự thoải mái, yên ổn nội tâm. Đó cũng là cách phục hồi tích cực. Chồng em chưa muốn công khai chuyện này, mình cũng nên thống nhất vậy em ạ. Có thể thời gian này sẽ ngắn thôi.

Em cố gắng kiên nhẫn và động viên chồng. Anh ấy sẽ sớm quay lại công việc cũ hoặc có thể sẽ chọn một ngã rẽ nào đó mới hơn, khác hơn cũng là bình thường. 

Điều quan trọng là đừng tự mình chồng chất thêm áp lực. Em nhẹ nhàng góp ý với chồng: mình có thể chưa nói cho ông bà nội biết hiện tình của gia đình, nhưng cũng không nên vẽ ra thêm những viễn cảnh như “sắp sửa mua nhà”, hay “đang làm công việc rất tốt”…

Những viễn cảnh kiểu này chính là một loại áp lực. Người đã lỡ nói ra rồi phải cố gắng hết sức để biến nó thành hiện thực. Khi không làm được, người ta lại càng phải nói dối nhiều hơn, lâu hơn để che giấu sự thật. Lời nói càng xa với sự thật, càng phải đổ nhiều công sức để che giấu.

Mặt khác, vợ chồng em cũng nên chuẩn bị tinh thần cho việc nếu ai đó phát hiện, mình sẽ đối diện thế nào. Thất bại là chuyện thường tình, mình không làm điều gì sai quấy cả, mỗi người có cách riêng để vượt qua. Có thể khi quen với suy nghĩ này, chồng em sẽ sẵn sàng đối mặt với sự thật và thực sự nỗ lực để vượt qua nó.

Em chính là người “chống lưng” để anh ấy đứng dậy, chúc em mạnh mẽ, kiên nhẫn và thành công nhé.

Theo phụ nữ TPHCM