Chị Hạnh Dung thân mến,

15 năm nay, em là người quản lý tiền và tài khoản ngân hàng. Chồng em làm công việc mua bán xe máy, tất cả mọi giao dịch chuyển tiền, hay nhận tiền, đều thông qua em.

Nay chồng em muốn mở tài khoản riêng để tự giao dịch mua bán. Em không muốn như vậy, và tự thấy bị xúc phạm, bị tổn thương.

Em phải làm sao đây? Chị Hạnh Dung tư vấn cho em với.

Kim Sang

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Kim Sang thân mến,

Mỗi gia đình có một cách quản lý tiền bạc riêng. Có nhà thì tiền chồng tiền vợ bỏ chung vào một chỗ, có nhà tiền ai nấy giữ, góp chung nhau một khoản cho các chi tiêu gia đình, có nhà thì phân ra khoản nào ai chịu trách nhiệm...

Chọn cách nào để quản lý tiền bạc, chi tiêu của gia đình phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Thông thường, những việc thế này sẽ được các cặp vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận với nhau từ trước khi cưới.

Rõ ràng, minh bạch, sáng suốt là nguyên tắc tốt nhất, dù với cách chi tiêu nào. Nếu thêm vào những nguyên tắc đó cả sự thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ cho nhau của vợ chồng, thì mọi việc sẽ rất tuyệt vời.

Tuy nhiên, theo thời gian, hoàn cảnh sống, mức độ kiếm ra tiền hay việc làm ăn thay đổi sẽ khiến cho những thỏa thuận ban đầu cũng phải thay đổi cho phù hợp hơn. Khi đó, vợ chồng cần ngồi lại cùng nhau một lần nữa để bàn bạc mọi thứ.

Những lúc này, còn cần hơn nữa sự thông cảm, lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu của cả hai người với nhau.

Hạnh Dung rất thông cảm với tâm trạng tổn thương của em lúc này, khi chồng đề nghị có tài khoản riêng. Một thói quen được kiểm soát, nắm giữ mọi nguồn tài chính trong nhà suốt 15 năm, giờ đây phải thay đổi, chắc chắn sẽ khiến em vô cùng khó chịu.

Bên cạnh việc khó chịu vì thay đổi thói quen, có lẽ trong em cũng không phải không thấp thoáng những cảm giác nghi ngờ, tổn thương, vì thấy mình có lẽ không còn được tin tưởng...

Thế nhưng, Hạnh Dung nghĩ em nên lắng nghe những lý do chồng giải thích về việc anh ấy cần tài khoản riêng. Anh nói muốn có tài khoản riêng để mua bán, Hạnh Dung nghĩ đó là một lý do khá thuyết phục.

Thực tế, thời buổi này cũng ít có người đàn ông nào chấp nhận được việc để vợ toàn quyền quản lý tiền bạc, kể cả tiền làm ăn, như chồng em, suốt một khoảng thời gian dài như vậy. Có thể là trong những giao dịch cần phải nhanh chóng, quyết đoán và chịu trách nhiệm cao, thì việc lúc nào cũng phải thông qua em đã gây cho chồng không ít khó khăn.

Thậm chí, một cách tế nhị, đôi khi, những chuyện thế này có thể còn khiến người đàn ông phải lâm vào tình thế khó xử với người thân, bạn bè. Nhất là khi mọi người không cho rằng anh ấy tự nguyện, mà là bị quản lý, trói chân trói tay, không tin tưởng...

Ngoài ra, em hãy thử nhìn mọi việc theo một hướng tích cực: Càng ôm nhiều việc vào, thì mình càng mệt mỏi, bận tâm, lo lắng. Giờ đây chồng tự nắm giữ tiền bạc làm ăn, mình chỉ lo chi tiêu trong gia đình, nghĩa là mình bớt đi được những vấn đề phải suy nghĩ.

Dù gì đi chăng nữa, phải chấp nhận rằng cuộc sống sẽ có những thay đổi. Nếu chúng hợp lý, và nhất là không phát xuất từ sự rạn nứt tình cảm, thì hãy vui vẻ thỏa hiệp với chúng. Trong một tinh thần nhẹ nhàng và thoải mái, mình sẽ có cách quản lý cuộc sống mới tốt hơn.

Theo phụ nữ TPHCM