Chị Hạnh Dung kính mến,

Em 38 tuổi, có chồng và 2 con. Cuộc sống của em chỉ tạm ổn khi đứa con thứ hai vào mẫu giáo, em cũng bớt đầu bù tóc rối, và trở lại với phong độ công việc như thời thanh xuân. 

Thế nhưng, điều này dường như trở thành lý do khiến vợ chồng em lục đục. Chồng trách em vô tâm, không biết chăm con, không tập trung vào con cái. Đỉnh điểm là buổi tối gần đây, khi con em sốt cao, anh nhìn em trừng trừng và hỏi: “Em có biết làm mẹ không vậy?”. Em không trả lời thì anh nói tiếp: “Hay là không muốn làm mẹ nữa, muốn làm vũ nữ, tiếp thị bia, làm xướng ca vô loài?”.

Tới lúc đó em mới biết sự khó chịu của anh đã đến mức hằn học. Vậy nên khi nghe anh nhắc đến mấy chữ “vũ nữ”, “tiếp thị bia", “xướng ca vô loài", em thực sự tức giận. Em biết anh đang nhắc đến việc em hát và mời bia đồng nghiệp trong bữa tiệc công ty hồi cuối năm ngoái.

Em nói rằng anh đang xúc phạm em. Anh xin lỗi vì nói năng quá trớn, nhưng theo anh thấy, em đã không cân bằng được chuyện gia đình và chuyện xã hội. Anh kể ra những lần em về trễ, những lần phải đem các con đi gửi nhà bà nội, rằng trước đây em cũng thăng tiến nhưng không bỏ bê nhà cửa, gần đây hơn thì các con cũng không phải về nhà nội thường xuyên đến vậy.

Nhưng mà, “trước đây" là khi em chưa có con và “gần đây hơn" là khi em chưa đi làm trở lại. Bản thân em thấy mình đã cố hết sức và các con vẫn đang sống trong sự chăm sóc của mẹ. Dù em thỉnh thoảng có về trễ nhưng tất cả đều là các tình huống chẳng đặng đừng của công việc và con em vẫn ăn cơm mẹ nấu, mọi việc trên lớp đều kể với mẹ, mọi kỳ nghỉ cuối tuần hay mọi dịp quan trọng của con đều có mặt mẹ.

Chúng em đã im lặng suốt từ cuộc nói chuyện trên và có lẽ chỉ khi em nghỉ việc hoặc từ chức, quay về làm người phụ nữ “kêu đâu có đó" thì anh mới nhượng bộ. Em không biết phải làm sao cho đúng? 

Tuyết Nguyễn (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Tuyết mến,

Chăm lo cho gia đình khác với việc “quay về làm người phụ nữ kêu đâu có đó". Trong xã hội hiện nay, phụ nữ hay đàn ông đều có những khát vọng trong công việc, khát vọng và áp lực công việc của em cũng cần được tôn trọng như của chồng. Vì vậy, khi có nhu cầu chăm lo nhiều hơn cho gia đình, cả vợ và chồng đều phải cùng tính toán, cùng cân đối thời gian, chứ không thể chỉ một mình người vợ phải lựa chọn “nghỉ việc hay làm tiếp".

Những giận dỗi của chồng em xuất phát từ việc anh không hài lòng về một chuyện, một vấn đề, hay một sự kiện nào đó. Em cần trò chuyện để xác định lý do trực tiếp khiến chồng khó chịu.

Nếu anh nói là do em “bỏ bê nhà cửa" thì cần xác định biểu hiện bỏ bê là gì, trong những lần nào. Khi đã xác định lại sự việc cụ thể, hãy nói cho chồng hiểu trong lần đó, hoàn cảnh của em ra sao và em đã sắp xếp thế nào cho con cái, nhà cửa.

Sau khi đã hóa giải hết những vấn đề trong quá khứ, hãy cùng nhau nói về tương lai. Nếu chồng thực sự thấy gia đình đang bị bỏ bê, thì cả em và chồng hãy cùng bàn bạc, cân đối thời gian để chăm lo nhiều hơn cho các con.

Hãy đặt câu hỏi cho anh ấy, xem trong quỹ thời gian hiện tại, có những khoảng thời gian nào anh có thể dành cho gia đình. Cả hai hãy tự lên lịch sinh hoạt của bản thân, rồi cùng cân đối với nhau để chia sớt khoảng thời gian dành cho con cái.

Điều quan trọng nhất, cả em và chồng đều cần phải nhận thức rằng khát vọng sự nghiệp là chính đáng với cả hai. Anh cần tôn trọng khát vọng và công việc của em.

Trước khi đề nghị sự tôn trọng, em có thể chia sẻ những điều em đang theo đuổi, những niềm vui, sự hạnh phúc mà em có được trong công việc; chúng không chỉ có ý nghĩa với bản thân em mà cũng mang đến nhiều giá trị cho gia đình, con cái.

Hãy chia sẻ với chồng để anh đồng cảm, thấu hiểu và trân trọng. Khi thực sự trân trọng khát vọng của nhau, cả hai sẽ không còn đẩy nhau vào những tình thế phải chọn lựa “gia đình hay sự nghiệp".

Theo phụ nữ TPHCM