leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Tuổi thơ của tôi không mấy thuận lợi như những đứa trẻ khác. Mẹ tôi là mẹ đơn thân, tôi là đứa trẻ lớn lên không có bố. Khi học lớp 9 thì mẹ qua đời vì tai nạn lao động.

Lúc đó, ông bà ngoại đã qua đời, các bác của mẹ đều bận lo cho gia đình, chẳng ai quan tâm đến đứa con rơi như tôi. Tưởng như cuộc đời tôi sẽ rơi vào bế tắc, nào ngờ bác hàng xóm bên cạnh tên Thảo đã đứng ra cưu mang tôi.

Bác ấy sống độc thân, từ ngày mẹ tôi mất, bác coi tôi như con gái. Bác đón tôi về nuôi dưỡng và cho đi học lên đến đại học. Trong suốt thời gian dài được bác Thảo giúp đỡ, tôi luôn ghi nhớ công ơn của bác ấy. Tôi tự nhủ sau này bác ấy về già sẽ chăm sóc như là mẹ.

Hiện tại, tôi đã có gia đình và nhà riêng, cuộc sống của tôi khá ổn. Tuần trước, nghe tin sức khỏe của bác Thảo yếu, phải vào viện điều trị. Tôi rất muốn về thăm nhưng do công việc bận chưa thể đi được.

Ngày hôm qua, tôi bàn với chồng đón bác Thảo về nhà nuôi dưỡng và chăm sóc cho thuận tiện. Bởi bác ấy sống một mình, không có người thân bên cạnh khiến tôi rất lo lắng.

Nhưng chồng tôi gắt lên nói: "Bác ấy chỉ là người hàng xóm, không phải máu mủ ruột thịt, việc gì phải nuôi dưỡng. Nếu em cảm thấy mắc nợ người ta thì trả cho bác ấy 100 triệu là xong".

Tôi bảo bác ấy không thiếu tiền, chỉ thiếu tình thân. Lúc trước bác ấy coi tôi như con, còn tôi coi bác như người mẹ thứ 2. Khi tôi gặp khó khăn, bác Thảo luôn ở bên cạnh giúp đỡ, bây giờ bác về già sống một mình, tôi không thể thờ ơ được.

Tôi cầu xin chồng ủng hộ tâm nguyện của vợ, nếu không cả đời này tôi cũng không thể sống thanh thản. Nhìn thấy nước mắt tôi chảy ra, chồng bực bội nói đến bố mẹ sinh ra nuôi dưỡng mà anh chưa báo hiếu được. Mắc mớ gì anh phải đi phụng dưỡng người xa lạ.

Với anh, bác ấy là người lạ nhưng với tôi bác lại là ân nhân. Tôi rất muốn đưa bác Thảo về chăm sóc những năm cuối đời nhưng không biết phải thuyết phục chồng thế nào nữa?

Dung Nguyễn