Chị Hạnh Dung thân mến,

Gia đình tôi kinh tế cũng ổn định, vừa trả góp xong căn hộ cao cấp, và thu nhập cũng vừa đủ chi tiêu hàng tháng. Thế nhưng bây giờ chồng tôi lại đòi mua xe hơi cho bằng bạn bè. Anh ấy tính toán các khoản chi tiêu và nói có thể mua trả góp, anh nói vợ chồng qua tuổi trung niên rồi mà toàn cọc cạch chở nhau xe máy, bạn bè nó khinh.

Thế rồi anh ấy len lén dồn tiền đi học lái xe từ hồi nào tôi không rõ. Đến khi có bằng lái rồi, thì càng nôn nóng muốn mua xe. Tôi biết cũng vì nhóm bạn thân đều có xe, nên anh sốt ruột và cảm thấy bị mất mặt.

Nhưng mới xong tiền nhà, tôi thì muốn để dành cho được khoản tiền vài ba trăm triệu trước khi về hưu, để khi tuổi già có đau ốm bệnh tật gì cũng không phải lo lắng. Anh ấy lại bảo đến tuổi này mà cái ước mơ từ thời trai trẻ không được thực hiện, thì còn sống làm gì?

Hôm qua anh nói rằng từ nay anh không đưa tiền lương cho tôi nữa. Chi tiêu bao nhiêu cho gia đình thì góp chung, còn dư anh ấy sẽ tự trả tiền, tự mua xe hơi. Anh ấy nói ai cũng có mong muốn của mình mà không hiểu, không giúp nhau thực hiện thì tốt nhất là chia ra cho một người được sống theo ý mình.

Tôi sợ theo kiểu này thì có lúc sẽ ly hôn, vì kinh tế gia đình xưa nay tôi quản lý. Nay chia ra biết sẽ ảnh hưởng tâm lý và đời sống kinh tế như thế nào? Chiều anh ấy thì tôi cũng không an tâm, vì tôi thấy việc mua xe không cần thiết. Mua rồi lại phải tốn bao nhiêu chi phí để "nuôi xe" nữa.

Xin chị cho tôi lời khuyên nên như thế nào?

Thu Nga

 

Chị Thu Nga thân mến,

Hình như xe hơi luôn là ước mơ của nhiều người đàn ông thì phải, chị ạ. Ngoài việc là một phương tiện đi lại thuận tiện, nhất là với người lớn tuổi, thì xe hơi còn là sự thể hiện một cuộc sống chất lượng và cao cấp khiến nhiều người phải ngưỡng mộ.

Trong vấn đề của anh chị về việc mua xe hơi hay để tiền tiết kiệm, cũng đành phải nói rằng anh có cái lý của anh, chị có cái lý của chị. Nói như anh, đã tầm này tuổi, là qua tuổi trung niên rồi, mà ước mơ từ thời trai trẻ của mình không được thực hiện, thì buồn lắm, là một điều không sai, đứng từ góc nhìn của anh.

Còn chị, là người phụ nữ quán xuyến việc kinh tế tài chính gia đình, sau một thời gian vất vả về việc trả góp mua nhà, nay mới buông được nợ nần, chị cũng muốn có khoản tích lũy nào đó cho an tâm tuổi về hưu, cũng không hề sai.

Cả hai người đều có cái lý của mình, và đều vì cuộc sống chung của gia đình, thì hãy nên tìm cách cân bằng giữa những điều đó, thì sẽ tốt hơn là suy nghĩ bi quan, tiêu cực.

Đề xuất của anh với chị là cú sốc, vì chị quen được nắm quyền kiểm soát chi tiêu gia đình, nhưng là người đứng ngoài, Hạnh Dung thấy cũng không có gì đáng sợ như chị nghĩ, nó chẳng phải là biểu hiện của việc chia tay nào cả đâu.

Thậm chí, theo Hạnh Dung, đây là suy nghĩ của anh: tự chịu trách nhiệm và tự thực hiện ước mơ của mình cho bản thân và gia đình. Để chị tự quyết và tự tích góp riêng cho mong muốn của chị, không bị ép bởi ước mơ của anh.

Nếu nghĩ và tin như thế được, chị hãy lấy lại cho mình tâm lý thoải mái để có thể cùng anh bàn bạc thêm một lần nữa mọi phương án, lựa chọn xem nên thực hiện kế hoạch nào trước, kế hoạch nào sau, hay là mỗi người tự thực hiện, nhưng sẽ có những hỗ trợ nhau, khi một trong hai người gặp khó khăn.

Vẫn là công thức cũ: hiểu, thông cảm và chia sẻ với nhau mọi điều thì sẽ dễ dàng hơn. Mua được cái nhà là việc lớn của đời người, giờ là chỉ còn những việc nhỏ hơn rất nhiều lần, sao không cùng nhau thực hiện để có thể có được thành quả chung, mà cùng nhau vui hưởng tuổi già, phải không chị?

Theo phụ nữ TPHCM