Chị là giáo viên, anh là kỹ sư cơ khí. Họ là một cặp đôi đẹp ở giảng đường đại học những năm 1990. Cuộc tình ấy đình đám bởi mỗi lần anh ghé ký túc xá trường chị đều cầm theo một đóa hoa hồng đỏ. Cứ vậy bền bỉ suốt 4 năm trời. Sau khi ra trường hai năm thì họ cưới nhau và cùng về khu tập thể giáo viên nơi chị công tác sống.

leftcenterrightdel
 Chị chọn ly hôn, bởi chị đã chịu quá nhiều nỗi oan không đáng (Ảnh minh họa)

Chị nói đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất của chị, nhưng cũng chính thời gian đó, những mầm mống bất bình thường đã bắt đầu xuất hiện mà chị hoàn toàn không chú ý tới.

Bởi như đã nói, nhìn bên ngoài cuộc sống của họ khá ấm êm, hạnh phúc khi anh chị lần lượt sinh hai đứa con, đủ nếp, tẻ. Nhờ cha mẹ hai bên giúp đỡ, họ vừa có ngôi nhà nhỏ ở quận 12, vừa có mảnh đất với dãy phòng trọ ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Hai con học hành giỏi giang, ngoan ngoãn…

Vì cái vỏ bọc bên ngoài ấy, chị bỏ hết những bất thường manh nha từ khi mới cưới nhau. Khi có người quen, bạn bè gì đến nhà chơi hoặc gặp đâu đó ngoài đường, người ta vui miệng khen câu gì, anh cũng giành phần, kiểu như: “Nhà cửa như vầy, nhờ tui không đó, cổ đi làm giáo viên, lương không đủ mua áo dài để mặc”. “Con trai thông minh lanh lợi hả, là nhờ gen nhà nội đó, nhà ngoại có ai học hết cấp 3 đâu”, “Nhà trang trí đẹp hén, do tôi phụ bản vẽ đó, chứ cổ coi vậy mà quê mùa lắm, lên màu cái nhà chắc vô ở rồi không dám khoe ai…”.

Cứ như vậy, anh giành hết công sức xây dựng tổ ấm về phía mình từng chút, từng chút một.

Ban đầu chị nghe anh nói cứ tưởng anh đùa hay mắng yêu vợ. Nhưng dần dần chị phát hiện đó là những lời rất… thật lòng. Nó thật như khi phát hiện con gái 14 tuổi đã có bạn trai, hẹn hò đi chơi đến nửa đêm mới về, anh vừa đánh con, vừa mắng: “Mày giống con gái mẹ mày vừa thôi chứ! Mới mấy tuổi đầu đã lo bồ bịch không lo học hành”.

Chị nghe rồi chết lặng, anh là mối tình đầu của chị, chị gặp và yêu anh ở giảng đường đại học, sao anh lại đổ cái lỗi ở đâu vào người chị như vậy.

Lần đó, giống như những lần trước, chờ cơn giận của chồng qua đi, chị hỏi sao anh nói gì kỳ vậy. Anh xuề xòa: “Mới tí tuổi đầu đã bồ bịch, anh nóng quá, sợ nó hư, phải dạy nó. Lỡ rồi, giải thích lại nó cũng không hiểu đâu, thôi bỏ qua đi!”. Chị ấm ức, tủi hờn vì bị ép bỏ qua cái tội mà chị không làm.

Điều lạ là anh đổ tội cho vợ như một thói quen, từ chuyện nhỏ nhặt như chuyện về nhà chồng trễ trong ngày đám giỗ, không đi thăm ba chồng để kịp nhìn mặt ông lần cuối khi ông cấp cứu vì tai nạn giao thông… Trong khi người làm cả nhà đợi chờ, làm trễ giờ về đám giỗ chính là anh - người lấy xe nhà chở nhóm bạn thân hồi đại học ra Vũng Tàu chơi, hẹn tối thứ Bảy về chở 3 mẹ con xuống nhà nội ở Long An ăn đám giỗ mà mãi gần 9g sáng Chủ nhật mới về tới nhà ở quận 12, TPHCM.

Còn khi ba chồng bị tai nạn, chị đang đi học nâng cao nghiệp vụ sư phạm ở Quảng Ninh, anh ở nhà nhận tin báo, nhưng mê nhậu cùng bạn bè đến nỗi không chịu chạy vào với ba. Vậy mà khi má chồng trách, hai cái lỗi tày trời đó, anh nhẹ nhàng trút hết qua cho chị.  

Giữa tháng 9 vừa rồi, trên đường đi dạy kèm về, mắc mưa, con trai bị lọt ổ gà, té xe, không may, còn bị người chạy cùng chiều phía sau tông vào. Chiếc xe tay ga mới mua vài tháng đã nát, cái chân trái của con trai cũng gãy xương.

Ngay lúc con trai anh chị, chàng sinh viên năm thứ 3 Đại học Thể dục thể thao trên bờ tuyệt vọng và đau đớn bởi những ca mổ ghép, nối xương, còn chị chạy đôn chạy đáo vừa lo viện phí, vừa chăm sức khỏe, tinh thần của con trai, vừa canh cô con gái nhỏ chuẩn bị thi vào lớp 10 ở nhà… thì anh mang chiếc xe tay ga ấy đi bắt đền.

Người đụng xe vốn cũng là công chức bình thường, vợ mới sinh con nhỏ, nên anh ta chạy vạy, cũng chỉ góp cho con trai anh chị hơn 30 triệu đồng hỗ trợ viện phí. Chị thấy con còn tính mạng nên cũng đồng tình, thông cảm với người ta.

Anh đi làm về ngang, ghé vào bệnh viện, biết chuyện chị làm đơn bãi nại để người đàn ông ấy được lấy xe ra khỏi nơi tạm giữ của cơ quan công an, anh gầm lên chửi chị ngu ngốc.

Ngay tại phòng bệnh, không cần để ý tâm trạng vợ con, anh mắng chị: “Tại cô chiều con, cho nó xe đời mới và tốc độ cao nên nó mới té ngã…”.

Đến mức này thì chị không chịu nổi nữa: “Ừ, tôi ngu, lỗi nào cũng tại tôi. Ly hôn đi!”.

Nghe vợ nói ly hôn, anh điếng người. Rồi cả tháng sau đó, khi chị kiên quyết ly hôn với tờ đơn “thuận tình” ký sẵn để trong nhà thì anh lại quýnh quáng lên, chạy níu người này, người kia nhờ khuyên nhủ chị.

Tuy nhiên, sau khi nghe anh “trải lòng” xong, rồi gặp chị, họ đều khuyên chị hãy chia tay anh. Bởi thật ra trong lúc nhờ tư vấn, giúp níu kéo, cứu vãn hôn nhân, trước những người thân quen, uy tín ấy, anh lại giành công và đổ hết tội lỗi gây sóng gió gia đình về phía vợ.

Những người thân quen ấy dù phần lớn là họ hàng, ruột thịt bên anh, nhưng lại đều khuyên chị rất thật lòng: hãy sống cho chính chị. Bởi họ hiểu rõ, trong cuộc hôn nhân này, chị đã chịu quá nhiều nỗi oan không đáng!

Theo phụ nữ TPHCM