Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi có chuyện này rất khó nói mà không biết làm sao. Chồng tôi là người rất tình cảm, thương yêu con cháu. Trong nhà chồng tôi, ông anh Hai mất từ rất sớm, chồng tôi phụ chị dâu nuôi cháu cũng được chục năm. Có lẽ vì thế mà chồng tôi đặc biệt thương cháu gái.

Từ lúc cháu còn nhỏ, anh đã hay ôm ẵm, hôn cháu vào má. Nhưng lúc đó thì không thấy sao. Chính cháu cũng quấn quýt với anh, gặp anh là lao vào ôm. 

Rồi cháu lên thành phố học nghề 3 năm. Nay mới trở về thì đã thành một thiếu nữ. Thế nhưng mỗi lần gặp cháu, anh vẫn cứ chìa má, bắt cháu hôn, rồi ôm đầu, ôm cổ, nựng nịu cháu.

Tôi thấy cháu có vẻ ngượng ngùng, nhưng cũng không dám từ chối. Nhiều khi anh làm những cử chỉ như vậy trước đông người, tôi thấy không tiện cho cháu và cả cho anh. Bản thân tôi cũng thấy rất khó chịu.

Tôi thật sự không biết anh chỉ rất thương cháu mồ côi cha từ nhỏ, và muốn thể hiện cho cháu biết là anh thương cháu, hay anh có ý gì khác. Vì nhiều lúc tôi thấy anh diễn quá, mà cháu thì có vẻ không còn muốn đóng chung vai với anh.

Tôi có nên góp ý với anh không? Vì có lần tôi xa xôi chuyện thế này, nhưng vờ nói là người khác, thì anh nói đó là kiểu "ghen tuông bệnh hoạn". Người trong nhà làm sao có chuyện như thế... Xin chị cho tôi ý kiến.

Lưu Thị Hoài

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Chị Hoài thân mến,

Trước tiên phải khẳng định một điều: suy nghĩ của anh (cho rằng người trong nhà thì không có gì đáng lo, không cần phải giữ gìn những cử chỉ thân mật giữa người thân khác giới tính) hoàn toàn không đúng.

Giáo dục con trẻ về ý thức này từ nhỏ là điều nên làm, để con trẻ bắt đầu học cách tự bảo vệ mình trước những hành động quấy rối, xâm phạm cơ thể của những người khác, dù là người thân hay người lạ.

Cần phải luôn có những cảnh giác, giáo dục, ngăn ngừa, nhắc nhở... ngay từ trong gia đình, giữa những người thân, một cách khéo léo, tế nhị nhưng cương quyết, rõ ràng và cứng rắn, là điều nên làm.

Riêng câu chuyện của chị, từ những gì chị kể, Hạnh Dung hiểu rằng chồng chị không có suy nghĩ gì phức tạp hay xấu cả. Và cháu chị cũng đã lớn, đủ sức, đủ tuổi để bảo vệ bản thân mình. Những hành động thân mật này có khi chỉ là thói quen của 2 bác cháu từ khi cháu còn nhỏ mà thôi.

Cảm nhận của chị về việc ngượng nghịu khó chịu của cháu gái có lẽ là đúng. Không chỉ là tình bác cháu, mà ngay cả khi là bố con ruột, hiện nay các bé gái vào tuổi dậy thì đã không còn thích bố nựng nịu mình, nhất là trước mắt mọi người. Nó khiến cho các bé thấy mình bị coi là trẻ con.

Vậy nên, vì cả chồng chị lẫn cháu chị, chị nên nói với anh điều này, một cách nhẹ nhàng nhất. Làm sao để anh không nghĩ rằng chị hay ai đó nghĩ xấu về cử chỉ của anh. Và việc nhắc nhở này chỉ là để mối quan hệ tốt đẹp của 2 bác cháu có những điều chỉnh phù hợp hơn, khi cháu đã trở thành một thiếu nữ.

Chị có thể nói anh rằng xoa đầu cháu, thậm chí ôm nhẹ một cái (như ở các nước tiên tiến thường có một cái ôm khi chào nhau, thậm chí đụng má một cách nhẹ nhàng), là đủ thể hiện tình cảm rồi. Hãy giải thích cho anh biết rằng cháu đã lớn và thích được chào hỏi như một người lớn hơn.

Cũng có thể, anh sẽ khó chịu đôi chút vì bị nhắc nhở. Nhưng chị cũng hãy yên tâm một điều: rồi anh sẽ phải nghĩ lại và thừa nhận điều chị nhắc nhở là đúng. 

Theo phụ nữ TPHCM