Chị Hạnh Dung ơi,
Chị cho em hỏi, chồng em thường xuyên nói chuyện điện thoại với người phụ nữ lớn tuổi hơn mình. Có chuyện gì trong gia đình, anh cũng đều kể cho họ biết. Đến khi em hỏi có liên lạc người đó không, thì chồng bảo không có.
Vậy mối quan hệ đó là như nào ạ?
Nguyễn Thị Hiếu
|
Ảnh minh họa |
Em Nguyễn Thị Hiếu thân mến,
Em nghĩ mối quan hệ đó là như thế nào, thì sự thật cũng chẳng thay đổi. Chi bằng, em hãy thay đổi chính suy nghĩ của mình, để có cách xử sự đúng hơn thôi.
Có thể chồng em chỉ đang tìm thấy ở người chị đó một sự hiểu biết, cảm thông, chia sẻ được với mình những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Anh ấy chọn chị gái, vì với tuổi tác cách biệt, điều đó tạo cảm giác an toàn cho anh ấy. Và chị ấy lại là phụ nữ, có thể hiểu được tâm lý phụ nữ mà anh ấy chưa thể nào hiểu hết.
Có lẽ chị ấy là người biết lắng nghe, kiên nhẫn lắng nghe mọi điều anh ấy nói và cho anh ấy những lời khuyên tốt nhất, giúp anh ấy điều chỉnh tâm trạng, cảm xúc, có khi cả hành vi của mình.
Điều Hạnh Dung nói là không hiếm gặp đâu em. Hạnh Dung cũng từng thấy những mối quan hệ như thế. Nó có thể vĩnh viễn là mối quan hệ chị em thân tình, hoặc biến thành những mối quan hệ "nguy hiểm" là tùy vào cách xử sự của cả ba người.
Việc anh ấy bảo không có liên lạc với người đó, có thể là một sự đề phòng, lo lắng trước cách hỏi như gán tội ngay lập tức của vợ, cũng có khi vì anh ấy đã biết trước rằng sẽ rất phiền, sẽ bị tra hỏi, sẽ bị nghi ngờ và thậm chí bị... xúc phạm. Nên, 36 chước, "chối" là chước hay nhất!
Dù rằng khi em hỏi, 10 phần người ta đã hiểu đến 7, 8 phần là em biết rồi, em đã theo dõi, và đang tức giận. Nhưng vì cuống, vì sợ, vì muốn tránh tới khi nào hết tránh được thì thôi, người ta bèn chối cho xong chuyện.
Khi thay đổi được suy nghĩ của mình, và cần chắc thêm một điều: Chồng mình thì bao giờ cũng là chồng mình, chẳng mất đi đâu, nhất là nếu mình khéo cư xử... em sẽ thấy mọi việc đơn giản và tinh thần bình tĩnh hẳn.
Hãy tự hỏi vì sao anh ấy lại phải đi trò chuyện, tâm sự với người khác mà không phải với mình? Có lẽ, giao tiếp vợ chồng có vấn đề gì chăng? Có phải mình chưa biết khơi gợi, chưa biết lắng nghe.
Điều này cũng là bình thường trong đời sống vợ chồng, nhất là khi gia đình có con nhỏ, mọi quan tâm của vợ tập trung vào con cái, vào nấu ăn, vào dọn dẹp giặt giũ... Đến mức không còn thời gian để vợ chồng tâm sự với nhau nữa.
Nó cũng thường diễn ra ở nhiều gia đình, khi mà người ta thấy đã thành vợ chồng rồi, người ta lười nghe nhau, lười nói với nhau những gì người ta suy nghĩ một cách nhẹ nhàng, hòa bình, thiện ý. Người ta chỉ muốn càm ràm, cằn nhằn, thậm chí im lặng cho người kia... tự đoán.
Hãy thẳng thắn, rõ ràng và tỉnh táo xem xét lại những vấn đề trong giao tiếp của mình và chồng, em nhé. Làm sao để có thời gian nói chuyện với nhau, làm sao để việc nói chuyện, chia sẻ, thậm chí tranh luận với nhau không khiến người nọ "đóng cửa" giao tiếp với người kia.
Riêng vấn đề với chị gái lớn tuổi, em cũng đừng làm cho chồng nghĩ rằng em đang nghi ngờ, rình rập. Nếu biết rõ rằng anh ấy hay trò chuyện với người kia, em hãy thử tìm hiểu xem vì sao anh ấy thích nói chuyện với người ấy hơn là với vợ?
Nếu có thể, hãy tìm cách khéo léo bước vào giữa hai người, làm sao cho chồng và cả chị ấy thấy rằng việc coi chị ấy là chị gái chung là điều rất tự nhiên, bình thường. Nếu em thấy chị gái đó dễ thương thì hãy thân thiết với chị ấy. Một chút tâm sự, một chút lắng nghe, một chút thể hiện tình cảm vợ chồng của mình để người ta hiểu.
Nếu em thấy dị ứng với kiểu người như chị ấy, thì hãy làm những "động tác" cảnh báo nhẹ nhàng, để chị ấy hiểu rằng không nên để gia đình người khác xào xáo vì chị. Mềm mỏng, nhẹ nhàng, văn minh, nhưng cương quyết là bản lĩnh cần thể hiện của người vợ thông minh, em nhé.
Theo phụ nữ TPHCM