Chị Hạnh Dung thân mến,

Em đi làm, chồng em ở nhà lo việc nhà cửa. Mọi chuyện trong nhà anh chu toàn hết. Em chỉ có mỗi đi làm rồi mua đồ về nấu ăn. Nhưng nhiều lúc em không biết ăn gì, hỏi anh thì anh bảo ăn gì cũng được. Nhưng khi em làm mấy món còn lại hôm qua, thì anh bảo em vô tâm, không biết lo nhà cửa.

Em làm việc gì anh cũng không vừa ý. Mỗi lần làm việc gì trong nhà, anh cũng nói thế này không được, thế kia cũng không được.Giờ em phải làm sao cho đúng?

Sonia Trâm

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Em Sonia Trâm thân mến,

Mọi chuyện ở em có gì đó hơi... ngược với nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhỉ? Thông thường thì người đi làm, có nghĩa là người làm trụ cột, người làm chủ về kinh tế sẽ hay khó chịu, cằn nhằn, chê bai, trách móc người ở nhà, bởi vì khi ra ngoài đi làm, họ chịu nhiều áp lực của công việc, các mối quan hệ xã hội. Về đến nhà là họ thấy kiệt sức, mệt mỏi và việc gì cũng không vừa mắt họ.

Chồng em ở nhà lo việc nhà, không bị những áp lực như em, nhưng cũng cáu bẳn, khó chịu, vậy thì chắc chắn phải có những áp lực khác lên tâm lý của anh ấy. Nó có thể là nỗi bí bách khi là đàn ông mà phải quanh quẩn lo chuyện nhà cửa bếp núc. Có thể là sự tù túng bó chân bó cẳng. Là nỗi so sánh với những việc làm nên sự nghiệp của người khác...

Em có bao giờ thử tìm hiểu xem anh ấy đang có những mong muốn, dự định nào đó cần em tiếp sức, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng quẩn quanh bếp núc không? Có thể bàn bạc với anh ấy xem có cách nào đổi vai: anh ấy được trở lại làm trụ cột, còn em sẽ chăm sóc gia đình, nhà cửa không?

Nếu không phải là những lý do rất lớn, theo lẽ thông thường trong hoàn cảnh này, thì em hãy tìm hiểu xem, có phải lý do thật sự xuất phát từ sự vô tâm, hời hợt của chính em hay không?

Có bao giờ em vì những mệt mỏi của mình mà xao lãng những chia sẻ, cảm xúc của chồng khi ở nhà bận trăm nghìn công việc không tên, và cảm thấy vai trò của mình không được vợ coi trọng hay không?

Em chỉ đưa ra một ví dụ về chuyện đi chợ, mua đồ ăn, nên Hạnh Dung cũng không thể cho em lời khuyên cụ thể, chỉ biết góp ý với em rằng cả hai cần trò chuyện với nhau nhiều hơn, thành thật và thẳng thắn nói ra cảm xúc của mình, để hiểu nhau hơn.

Sống trong cùng một nhà, những va chạm có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất mà cứ phải đoán xem mình cần làm gì chứ không được góp ý, yêu cầu thẳng thắn với nhau, thì cuộc sống sẽ vô cùng mệt mỏi.

Em hãy tập bắt đầu bằng câu hỏi mà em đưa ra cho chị: Anh thật sự muốn em làm gì, để giữa em và anh mọi việc có thể vui vẻ và bình an? Hãy đừng luôn nói thế nào cũng được, rồi lại trách móc, dằn vặt nhau vì sự không ưng ý.

Hãy cảnh báo chồng về những mệt mỏi từ hai phía có thể khiến khoảng cách giữa hai người ngày càng lớn lên, đến khi không thể níu nhau lại gần.

Theo phụ nữ TPHCM