Mới đây, mạng xã hội chia sẻ một đoạn video với nội dung một người phụ nữ bật khóc nức nở khi bị chồng lừa mất 10 tỷ đồng để nướng vào trò chơi may rủi trên mạng.

Theo chia sẻ, chồng cô vốn làm nghề thiết kế nội thất, thỉnh thoảng kinh doanh thêm bất động sản, tính tình rất chăm chỉ, tử tế. Anh ta rất biết cách tạo uy tín với bạn bè, người thân. Trong suốt 10 năm kết hôn rồi chung sống, không những chỉ bản thân cô gái mà toàn thể gia đình bên ngoại đặt niềm tin trọn vẹn vào chàng rể hiền lành. Thời điểm mọi chuyện bung bét, con số vay nợ đã lên tới 10 tỷ đồng.

Theo dõi đoạn video, người xem chia làm 2 xu hướng: một nửa thể hiện sự cảm thông, xót xa cho hoàn cảnh của chị vợ; phần còn lại đưa ra thắc mắc tại sao cả gia đình bao người lại để cho một cá nhân lừa nhiều và lừa dai như thế?

Cô gái kể về những tình tiết khi bị chồng lừa vay tiền
Cô gái kể về những tình tiết khi bị chồng lừa vay tiền
 

Sau đó, cô gái liền quay một video khác để trả lời cho nghi vấn của mọi người. Đó cũng là cách cô cảnh tỉnh, đánh động người xem không nên đặt niềm tin vào bất kỳ ai ngoài bản thân nhiều quá. Dù những niềm tin ấy là hoàn toàn có cơ sở.

Cô kể, gia đình cô có 4 anh em, cô là út. Ba mẹ và các anh tuy không quá giàu nhưng vì thương em gái út lấy chồng đã lâu mà chưa có con nên mọi người mới hùn hạp, cho tiền để em chữa hiếm muộn. Khi chưa kịp chạy chữa gì thì chồng cô đã lấy số tiền đó đầu tư làm ăn.

Dần dần, người chồng bày mưu tính kế, lợi dụng lòng tin để tiếp tục vay tiền của ba mẹ, anh em, họ hàng phía nhà vợ. Lúc đầu, chỉ là những khoản vay nhỏ khoảng vài chục triệu đồng, dần lên tới hàng trăm triệu rồi hàng tỷ đồng.

Để tránh mọi người nghi ngờ, người chồng đã mang về những hợp đồng kinh doanh có dấu đỏ hẳn hoi. Anh ta còn tinh vi lập nên những tài khoản lấy tên là những người bạn thân, đồng nghiệp, những đối tác làm ăn - những người mà cô hoàn toàn biết mặt, rõ tên, nắm biết gia cảnh, rồi lên kịch bản nhắn tin qua về, y như đang trao đổi công việc, chốt hợp đồng.

Theo dõi đầu đuôi sự việc, tài khoản Hồng Hà viết: “Xã hội bây giờ không biết tin ai. Ngay cả người chồng đầu ấp tay gối cũng đành đoạn lừa đảo vợ, cả nhà vợ”. Tài khoản Hoài Thu bình luận: “Liệu sự nuông chiều có tạo nên kẻ vô ơn. Ở đời, muốn dễ nhất là đi lừa người thân, anh em trong nhà. Môi trường gia đình bao giờ cũng gắn kết, tin tưởng nhau nhiều hơn ngoài xã hội”.

Còn tài khoản Ngọc Ánh thì động viên chủ nhân câu chuyện với tinh thần tích cực hơn: “Bạn có thể tiếc số tiền, nhưng đừng tiếc thằng chồng nữa. Hắn quá vô cảm mới rắp tâm lừa bạn, lừa người thân của bạn hết lần này đến lần khác như vậy. Ly hôn sớm ngày nào hay ngày ấy”.

Hai từ “vô cảm” nhắc tôi nhớ đến câu chuyện mà mình từng được nghe kể trước đây.

Thùy Trang và Mạnh Hùng lấy nhau hơn 5 năm, sau vài lần chạy chữa họ vẫn chưa có con. Lần nọ, Hùng dẫn Trang đi xem bói, thầy bói nói vợ chồng muốn có con thì bắt buộc phải ly hôn rồi sau đó tái hôn với nhau thì vận may mới đến.

Vì tin tưởng chồng, vì khao khát có con nên Trang không chút nghi ngờ, cô đồng ý ra tòa hoàn tất thủ tục ly hôn mà không yêu cầu tòa phân chia tài sản. Theo lý của Trang, chỉ rất sớm thôi, 2 người sẽ lại trở thành vợ chồng của nhau. Thế nhưng ngày đó đã không xảy ra. Mặc cho cô dằn vặt, điêu đứng, mọi nỗ lực hàn gắn đều bất thành.

Thủ tục ly hôn là thật, pháp luật là thật khiến cô chơi vơi, đuối lý. Trang đành tự trách mình nhẹ dạ, mù quáng khiến chồng có cơ hội thao túng, lừa gạt.

Hiện tại, Trang thuê luật sư giúp cô giải quyết phần tài sản, còn lòng cô vẫn tan nát vì sự tàn nhẫn, trơ tráo của chồng. Thì ra, vì muốn danh chính ngôn thuận “hất cẳng” vợ ra khỏi nhà nhanh, Hùng đã tính toán kỹ mọi chuyện từ trước. Vụ thầy bói là do anh ta mua chuộc, dàn dựng nên. Bây giờ, Hùng công khai ăn chung, ở chung với cô bồ kém 10 tuổi. Ngày ngày họ đưa nhau đi, đón nhau về.

Trước người chồng vô cảm không nên lưu luyến, đặt thêm quá nhiều câu hỏi ( Ảnh minh họa)
Trước người chồng vô cảm, không nên lưu luyến (ảnh minh họa)

 

Trong hôn nhân, tôi từng nghe nhắc đến những mẫu người chồng, người vợ vô tâm khi chính họ duy trì sự ích kỷ, không chịu đồng hành để vun vén gia đình. Khi bị đối xử vô tâm, người còn lại sẽ âm ỉ những thất vọng và mệt mỏi liên tục. Tuy nhiên, vô tâm chỉ là một thói quen, một cách sống tệ chứ không phải là một sự tính toán đầy mưu mô, cạn nghĩa, cạn tình.

Với người chồng vô tâm, khi gom đủ mệt mỏi, người vợ sẽ rời đi. Còn với người chồng vô cảm, nếu nhận ra “bộ mặt thật” chỉ sau một lần biến cố, thì người vợ chẳng nên níu kéo, chần chừ.

Những trái tim vô cảm sẽ không bao giờ biết trắc ẩn, theo ngày tháng chỉ gieo thêm nỗi đau.

Theo phụ nữ TPHCM