Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em năm nay 32 tuổi, đã 1 lần kết hôn và đổ vỡ, hiện đang nuôi con gái học lớp Ba. Em có công việc ổn định, thu nhập cũng đủ cho 2 mẹ con. Em không còn vương vấn gì với chồng cũ trừ khoản tiền chu cấp nuôi con.

Em nghĩ cũng vì khoản tiền này mà chồng cũ của em nghĩ rằng anh ta còn có quyền gì đó đối với em. Khi chuyển tiền, anh ta hay nhắn tin này nọ, em chỉ trả lời là cảm ơn.

Lúc ly hôn, em đã tự lên kế hoạch cho mình, trong đó có việc em sẽ lập gia đình lần hai. Em không muốn sống một mình. Em đã thấy nhiều phụ nữ sống độc thân, khi về già có vẻ cô độc, thiếu tình cảm.

Em nghĩ mình đang còn cơ hội. Có 2 người chú ý đến em: 1 người đang ly thân, 1 người chưa lập gia đình lần nào. Xét về hình thức cũng như về nhiều mặt khác, em thích người thứ nhất hơn. Em và anh ấy nói chuyện rất hợp nhưng con đường để anh ấy tiến đến ly hôn và cưới em còn mờ mịt lắm. Em đã cố gắng thăm dò nhưng không thể biết được thời gian ly thân của anh ấy sẽ kéo dài đến bao giờ.

Còn đối với người thứ hai, anh ấy không vướng bận gì; nếu em chủ động đề nghị cưới, anh ấy sẽ đồng ý ngay. Người đó không có kinh nghiệm gì trong hôn nhân, suy nghĩ cũng đơn giản hơn em, không biết sau này thế nào chứ hiện tại thì em nghĩ mình có thể lèo lái được mọi chuyện trong mối quan hệ này.

Nếu cưới nhau, em cũng sẽ phải chủ động mọi thứ vì anh ấy quê ở tỉnh, hiện vẫn đang ở nhà thuê. Với kinh tế hiện tại, việc làm một đám cưới nhỏ cũng trong tầm tay em, có thiếu thì vay mượn thêm; sau này anh ấy về ở chung nhà, tiết kiệm chi phí để trả nợ.

Điều quan trọng là con gái em sẽ có đầy đủ cha mẹ, còn em thì muốn sinh thêm. Em tính toán thấy người thứ hai rõ ràng là thuận tiện hơn, vậy mà không hiểu sao vẫn thấy còn vướng víu gì đó. Theo chị, có rủi ro nào trong chuyện này không, em đã tính đủ chưa, còn cần thêm gì nữa không?

Trang Thy (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em Trang Thy thân mến, 

Thư em cho thấy em là một cô gái thẳng thắn, chủ động và mạnh mẽ. Em có kế hoạch và muốn thực hiện đúng kế hoạch của mình, đó là một điều rất tốt.

Hạnh Dung chỉ muốn nhắc em: mục tiêu của mình không chỉ là sống theo đúng kế hoạch mà là sống hạnh phúc. Chẳng thể nào lập trình tuyệt đối cho hạnh phúc. Vì vậy, em đừng quá chặt chẽ bắt mình theo từng bước của kế hoạch.

Hãy cho mình một khoảng dao động nhất định để trái tim mình, tình cảm mình cũng được tham gia vào quyết định, chọn lựa. Có lẽ đó là phần còn thiếu, khiến em cảm thấy vướng víu lúc này.

Ai cũng cần một nghị lực lớn để đứng vững sau đổ vỡ hôn nhân. Có thể em đang trong thời gian duy trì nghị lực ấy và tiếng nói của lý trí đang có phần lấn át để giữ cho em được vững vàng. Em hãy cho phép mình được chùng xuống một lúc, nghe trái tim mình mách bảo. 

Một người quan trọng trong cuộc đời em, có thể đóng góp vào quyết định của em là con gái em. Em có thể cho con gặp cả 2 “ứng viên” để quan sát phản ứng của các chàng và lắng nghe cảm xúc, suy nghĩ của con. Trẻ con không biết nói dối, không dùng lý trí để phân tích thiệt hơn. Tiếng nói của con gái có thể là tiếng nói hoàn toàn cảm tính. Con sẽ giúp cân bằng lại suy nghĩ của em. 

Nếu thực sự chưa quyết được chọn ai, em hãy cho mình thêm thời gian. Với mỗi người, em nên có sự chủ động phù hợp. Em với người thứ nhất đều có những trắc trở trong hôn nhân, hãy thẳng thắn trò chuyện với nhau. Nếu yêu em, anh ấy phải có dự định cụ thể để chấm dứt cuộc hôn nhân hiện tại và đến với em.

Với người thứ hai, nếu cưới, anh ấy sẽ đóng vai trò trụ cột của gia đình em nên cũng cần chuẩn bị tâm thế, cần chủ động quyết định. Thận trọng một chút không thừa, bởi em đã 1 lần phải làm lại.

Chúc em chọn đúng trong lần thứ hai.

Hạnh Dung

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

TRẦN LAN (QUẬN 12, TPHCM): ĐỪNG KẾT HÔN CHỈ VÌ SỢ TUỔI GIÀ CÔ ĐƠN

Tôi có đọc 1 bài viết, đại khái người ta thắc mắc bao lâu sau ly hôn thì lại yêu. Thực ra tôi nghĩ rằng chẳng có quy định nào cho việc đó. Khi viết ra những dòng này, bạn có thấy mình rạch ròi quá không? Đành rằng sau khi tan vỡ, chúng ta phải luôn bình tĩnh để không sa vào những mối quan hệ chẳng ra gì, nhưng yêu đương cưới hỏi lúc này cần thận trọng chứ đừng chỉ vì sợ tuổi già cô đơn.

Đừng quên bạn còn có con. Sự chấp nhận của đứa trẻ với một người lạ rất quan trọng. Nếu không cân nhắc kỹ, sau này bạn sẽ gặp khó khăn trong việc kết nối hoặc phải chịu cảnh sống chung với những người không ưa nhau.

Ai thương con bạn thật lòng, có thể cùng bạn nuôi dạy đứa trẻ lớn lên? Ai chỉ vì muốn có bạn mà làm màu làm mè? Thêm nữa, tài chính cũng quan trọng không kém. Chúng ta đã qua thời lều tranh tim vàng, người làm chủ gia đình gánh vác rất nhiều trọng trách.

Mong bạn suy nghĩ thật thấu đáo. Đừng quên rằng nếu ly thân thì vẫn còn danh nghĩa vợ chồng. Bạn nên cẩn thận. 

CHU HẠNH (HẢI DƯƠNG): NÊN CÂN NHẮC MỌI THỨ 

Chọn người sẽ cùng mình tiếp tục đời sống hôn nhân sau đổ vỡ còn khó hơn cả lần đầu lấy chồng. Nó khiến chúng ta chần chừ và suy nghĩ lắm. Tôi nghĩ hoài mà đến giờ vẫn chưa quyết định kết hôn lại, cứ như con chim sợ cành cong.

Khác với bạn, tôi không sợ tuổi già cô đơn mà sợ lỡ có chuyện không may thì đường tìm về bình an thật gian nan. Nhiều người cười tôi chưa đi tiếp mà đã tính đến đường về nhưng tôi nghĩ có lẽ mình chọn ở vậy nuôi con và sống đời hẹn hò chứ không thể gồng gánh nổi trọng trách làm vợ đến cuối đời.

Tôi nói thế không phải nhằm khuyên bạn tiếp tục cuộc sống độc thân mà chỉ muốn bạn suy ngẫm thật kỹ chuyện này. Bạn có thực sự muốn tiếp tục đời sống hôn nhân?

Thực ra, với cả 2 “ứng viên” bạn đưa ra, thật khó để lựa chọn. Phải làm sao ổn thỏa mọi thứ giữa bạn - con bạn - người đàn ông kia và đời sống gia đình. Nếu không, bạn lại phải loay hoay làm lại, mà cuộc làm lại nào cũng sẽ khiến bạn thêm mệt. Đừng quên, bạn còn cả quãng đời dài phía trước, không phải chỉ gói gọn trong sự lựa chọn này.