Nhắm mắt đưa chân
Có chất giọng thiên phú và niềm đam mê sâu sắc, năm 16 tuổi, chị kiên quyết theo một đoàn cải lương dù cha mẹ cực lực phản đối. 2 năm rèn giũa với nghề, chị được lên vai đào phụ. Không muốn con theo nghiệp cầm ca, gia đình bắt chị về, gả cho một người đàn ông mà mãi đến ngày rước dâu chị mới rõ mặt.
|
|
Chị không dám thoát ra cuộc hôn nhân tệ hại ấy (ảnh minh họa) |
Mẹ chị nói đó là người cha mẹ đã cân nhắc rất kỹ trước khi chọn. Gia đình họ học thức, gia giáo, giàu có. Chồng chị là con út, tốt nghiệp đại học, ổn định công việc trong công ty nhà nước.
Đứa con gái bước chân ra từ ruộng đồng, chưa tốt nghiệp cấp III, lại gặp được người đàn ông bảnh bao tốt đẹp. Cha mẹ đã quyết không cho theo đoàn hát, trở lại quê nhà chỉ có thể dãi nắng dầm mưa cày cấy ngoài đồng, tương lai sẽ gặp ai, sẽ ra sao? Suy tính cân nhắc, cuối cùng chị liều nhắm mắt đưa chân.
Gia đình anh giàu có thật, nhưng đó là tài sản của ông bà cha mẹ. Về với nhau mới biết, anh ham chơi, rượu chè be bét. Gia đình chỉ mong anh “quay đầu”, bớt lêu lổng khi có một người phụ nữ cạnh bên. Vợ chồng được cho mảnh đất nông nghiệp, xây nhà riêng. Cô đào phấn son trở thành người phụ nữ ngày ngày cần mẫn vác cuốc ra đồng, làm việc không thua bất cứ người đàn ông nào. Anh chồng công tử bột trượt dài trong men rượu rồi mất việc. Vứt tấm bằng đại học, anh sống tạm bợ với mức lương ít ỏi cho một chân bảo vệ bán chính thức ở công ty nhỏ gần nhà.
3 đứa con liên tiếp ra đời. Cô đào bây giờ là một phụ nữ mặt nám tay chai, người lao động chính trong gia đình. Quen an nhàn, anh không kham nổi việc đồng áng. Mỗi lần người chồng say xỉn bước vào nhà là y như rằng có một cuộc cãi vã ầm ĩ, đồ vật rơi vỡ loảng xoảng sau đó. Hàng xóm nghe riết quen tai. Ban đầu mọi người còn chạy sang can thiệp xoa dịu, sau đành lắc đầu bất lực. Có những đêm xóm thôn vắng vẻ,chồng còn bù khú chè chén chưa về, nhớ nghề, chị ru con bằng giọng hát lảnh lót than thở cho một thân phận nào đó. Ai nghe cũng chạnh lòng, bảo chị số khổ.
Sống chung “kẻ thù”
Cả xóm đều biết rõ vòng luẩn quẩn của gia đình chị thông qua những “trận chiến” ồn ào có khi dẫn đến đổ máu. Chồng vô trách nhiệm, kiếm được bao nhiêu tiền đều tiêu xài hết bên ngoài. Vợ cật lực lao động vẫn không đủ chi tiêu, nhà thiếu trước hụt sau, con cái nheo nhóc, lem luốc. Bao năm sống chung, thời gian chị phải tiếp xúc với người đàn ông say xỉn nhiều hơn những lúc hiếm hoi anh ta tỉnh táo, bình thường.
Không chịu nổi, chị cằn nhằn, mắng mỏ. Ông chồng đáp trả. 2 người xáp lá cà, đập phá đồ đạc trong nhà, la hét, đánh nhau. 3 đứa con chạy ra sân ngồi khóc.
Vài lần chị nhào sang nhà tôi lánh nạn, tránh đòn roi của chồng và nhờ gọi điện thoại cầu cứu chính quyền địa phương. Anh bị phạt, gia đình họ giảng hòa, rồi mọi việc đâu lại vào đấy.
Chị nói sức phụ nữ khó thắng đàn ông, nhưng chị không hề sợ chồng. Vì vậy, họ đánh nhau như cơm bữa. Còn nhớ có một lần nhà bên ấy đập vỡ cửa, mảnh kính rơi loảng xoảng. Chị chạy ra đường, vừa khóc vừa kêu gào vô vọng khi không còn một mảnh vải che thân. Những người phụ nữ trong xóm vây quanh che chắn, kéo chị vào nhà, lấy một bộ đồ đưa chị mặc tạm. Chị không chịu mặc, muốn “giữ nguyên hiện trạng” để đi tố cáo chồng. Mọi người phải khuyên giải hết lời chị mới bình tĩnh trở lại.
Mỗi lần tâm sự chuyện nhà, chị luôn nói đời chị chỉ có một kẻ thù duy nhất, đó chính là ông chồng oan nghiệt. Nhưng tại sao họ không chia tay? Chẳng ai biết được.
Những chuyện ồn ào đầy mùi rượu và nước mắt của gia đình họ cứ lặp đi lặp lại hơn 20 năm. Thời thơ ấu của 3 đứa con chất chồng tổn thương. Đứa con trai lớn lên tính tình giống cha, lười lao động, bê tha rượu chè. Thỉnh thoảng con say, về nhà quậy phá gây gổ với mẹ. Có lúc cha con cùng say, mâu thuẫn, đánh nhau. 2 đứa con gái bênh vực mẹ. Trận chiến vợ chồng sau nhiều năm đã phát triển thành trận chiến 5 người.
Chị cứ tưởng chỉ cần chịu đựng đến ngày con khôn lớn, nhưng “Có ai đau khổ như tôi không, chẳng đội trời chung với chồng, giờ đến thằng con trai cũng giống như kẻ thù” - chị khóc.
Để có thể tiếp tục sống chung mái nhà, chị xây một bức tường vô hình, không quan tâm, không trò chuyện với chồng và con trai. Dù hạn chế sự tiếp xúc nhưng thỉnh thoảng họ vẫn không tránh khỏi xung đột.
Không bao giờ là muộn
“Kẻ thù nhỏ” lấy vợ nhưng rồi nhanh chóng ly hôn, giao chị nuôi dưỡng đứa cháu nội mà không hề chu cấp cho con. 2 con gái của chị đã yên ổn bên nhà chồng. Bây giờ có tuổi, trái gió trở trời là đau ốm liên miên, chị không còn đủ sức ra đồng làm việc nữa. Bán mảnh đất, chia đều cho các thành viên trong gia đình, chị đề nghị chồng cất cái nhà riêng trên phần đất còn lại của mảnh thổ cư.
Anh không đồng ý vì “Ai nấu cho tôi ăn?”. Chị nghiêm giọng: “Tôi và ông ly thân mấy năm nay rồi, giờ đến lúc không liên quan nhau nữa. Từ đây về sau ông muốn làm gì thì làm, tôi không ý kiến. Ông cũng không được xen vào cuộc sống của tôi. Ông ra ở riêng đi, tự lo cho mình. Nếu ông không giữ đúng cam kết, tôi sẽ nộp đơn ly hôn”.
Ông chồng dùng dằng mãi mới thuận theo sự sắp xếp của chị. Hàng xóm thắc mắc thì chị bảo già rồi, tài sản có thể tự chia, ra tòa hay không cũng vậy thôi. Chịu đựng gần cả đời cuộc hôn nhân đau khổ, chị không còn cảm giác ghét bỏ hay thù hằn anh ta nữa. Tất cả chỉ là lạnh băng, xa lạ. Chị muốn được yên ổn một mình.
|
Niềm vui duy nhất của chị bây giờ là đứa cháu nội (ảnh minh họa) |
Niềm an ủi lớn của chị bây giờ là đứa cháu nội. Cha lập gia đình khác, thằng bé sống với bà nội từ bé nên cháu trưởng thành sớm, học giỏi, ngoan hiền, hiếu thảo. Có lần nhìn bà bị ông đánh khi say, cháu nói sau này sẽ không bao giờ uống rượu.
Một bức tường cao được dựng lên xẻ dọc mảnh vườn, tách biệt hoàn toàn cuộc sống của anh và chị. Từ đó, hàng xóm không còn nghe tiếng cãi cọ, ẩu đả, đồ đạc bị đập vỡ. Bản tính khó dời, trong những cơn say, anh lè nhè quậy một mình. Có dịp trải lòng, chị lại tiếc rẻ rồi tự an ủi: “Sao hồi trước tôi không quyết định sớm hơn? Nhưng thôi, chẳng bao giờ là muộn”.
Theo phụ nữ TPHCM