Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi là kiểu người phụ nữ cầu toàn cho bản thân và gia đình. Mỗi ngày tôi đều hướng tới những điều tích cực nhất cho gia đình. Chồng tôi luôn nói với mọi người, hậu phương của anh rất vững chắc, nên anh có phần ỷ lại. 

Anh là người chăm chỉ, chịu khó, biết chia sẻ việc nhà với tôi. Mọi người nhìn vào ai cũng nghĩ tôi rất hạnh phúc. Thế nhưng, chồng tôi là người sống nội tâm và tình cảm. Khi quen tôi, anh cũng đã có hai, ba mối tình. Chúng tôi xây dựng trên hai bàn tay trắng (vì hai bên nội ngoại đều nghèo), nên chọn đăng ký kết hôn, họp mặt gia đình hai bên và về sống cùng nhau.

Những tưởng bên nhau từ nghèo khó, chúng tôi sẽ biết trân quý và tôn trọng nhau hơn. Nhưng không, anh uống rượu vào là mang cha mẹ ông bà tôi ra chửi không còn gì. Anh về quê gặp bạn bè cũng nói xấu tôi. Anh cũng không ghé thăm mẹ tôi (tôi chỉ còn mẹ).

Thực ra, tôi không khắt khe, nhưng tôi thấy chồng không tôn trọng tôi và gia đình tôi. Cả tuổi thanh xuân, tôi dồn hết cho chồng mình, để anh bằng bạn bằng bè. Trong lúc chồng tôi được về quê liên tục vì có mẹ già đau ốm, thì bản thân tôi phải ở lại gồng gánh kinh tế gia đình.

Một lần về quê gặp bạn gái cũ (đã có chồng), anh xin số điện thoại để liên lạc, bị tôi phát hiện ra và lên tiếng, thì anh đánh đập tôi. Sau đó, anh lại về quê, và lần này thì mời cả bố của cô bạn gái cũ đi ăn sáng và ăn tối. Nhưng tuyệt nhiên vẫn không đi thăm mẹ tôi, và cũng không gọi điện báo.

Tôi rất muốn ly hôn chồng. Mong chị Hạnh Dung và mọi người cho tôi ý kiến sáng suốt nhất: liệu tôi có quá đáng không? Tôi xin nói thêm là vừa rồi chồng tôi uống rượu vào có nói không yêu tôi, và lấy tôi chỉ vì nể bố tôi (hồi ông còn sống).

Mai Lam

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Mai Lam thân mến,

Chị khẳng định hai lần về chính mình, rằng mình là người cầu toàn, luôn muốn mọi điều tốt nhất cho gia đình, và mình không phải người khắt khe. Thế nhưng chị có nghĩ rằng chính vì chị quá cầu toàn, chỉ muốn những điều tuyệt đối, mà chị thành ra có những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe với người xung quanh, cụ thể là chồng chị.

Nói riêng về vấn đề trước mắt đang khiến chị nghĩ tới ly hôn, thì thật sự Hạnh Dung không thấy nó lớn đến mức có thể bỏ đi một gia đình. Chuyện gặp lại bạn cũ và xin số điện thoại cũng là bình thường. Kể cả chuyện anh ấy đi ăn với bố của bạn gái cũ cũng chẳng có gì quá đáng. Đó có thể chỉ là hành động xã giao thông thường của những người từng có thời gian thân thiết.

Những việc khác như chồng chị không về thăm mẹ, thậm chí không biết chào mẹ, Hạnh Dung nghĩ chỉ là người không khéo léo và không biết cách cư xử thấu đáo mà thôi. Chuyện đó, vợ chồng chị có thể nói với nhau để rút kinh nghiệm.

Riêng chuyện chồng chị thường say rượu là chửi gia đình chị, nói xấu chị, hay mới đây là nói không yêu chị... Hạnh Dung nghĩ cũng có thể là do rượu làm mờ lý trí. Tuy nhiên, đó cũng là những việc không thể để lặp đi lặp lại, vợ chồng cần phải nói chuyện với nhau để rút kinh nghiệm. 

Riêng về phần chị, Hạnh Dung nghĩ chị nên xem lại những suy nghĩ của mình về chuyện chị dường như có phần quá so đo, đề cao công sức của mình với gia đình, với chồng; và từ những gì chị đóng góp, làm nên, chị quay trở lại yêu cầu chồng phải như thế này, thế kia với mình.

Ông bà xưa nay đã nói "Của chồng, công vợ" để giúp các cặp đôi đừng so bì, cân đong những đóng góp của mình, cũng đừng cho rằng mình làm việc này việc kia vì người đó, mà hãy nghĩ rằng đó là sự nghiệp chung của cả hai, ai có khả năng bao nhiêu thì nỗ lực bấy nhiêu.

Nếu không được như vậy thì chị sẽ khó chịu, và Hạnh Dung không dám chắc rằng chị hoàn toàn đúng. Bởi người đàn ông khi cảm thấy mình thua sút và phải nương nhờ vợ, theo như cách vợ nghĩ và làm, sẽ có thể có những ấm ức mà khi chúng bùng phát, thì hoàn toàn không thể giữ được bình tĩnh.

Hãy cố gắng điều chỉnh mọi việc, điều chỉnh cả bản thân mình trong mọi suy nghĩ, hành động, lẫn điều chỉnh chồng, để anh biết giữ gìn sự tôn trọng với vợ và gia đình vợ. Phá bỏ thì có vẻ dễ lắm, nhưng xây dựng, giữ gìn những gì vẫn còn giá trị của nó mới là điều khó làm và nên làm, chị ạ.

Theo phụ nữ TPHCM