Trên chuyến xe buýt từ thủ đô Lima của Peru đến TP Cusco, tôi ngồi cạnh một phụ nữ Mỹ gốc Puerto Rico, 38 tuổi, độc thân và đang trong kỳ nghỉ hè 2 tuần mà cô đã lên kế hoạch từ 8 tháng trước.

Có lẽ vì cùng là phụ nữ độc thân, du lịch một mình nên chúng tôi nhanh chóng kết thân và trở thành bạn đồng hành.

leftcenterrightdel
 Sau chuyến đi chữa lành, tác giả nhận ra mọi đổ vỡ, tổn thương rồi sẽ qua và niềm vui đang chờ ở phía trước - Ảnh do nhân vật cung cấp

Đề tài yêu thích của chúng tôi khi trò chuyện là về đàn ông, tất nhiên rồi. Hầu hết phụ nữ ở tuổi này đều có một vài câu chuyện liên quan đến những người đàn ông trong quá khứ của mình.

Cô bạn người Mỹ đã ly hôn được vài năm. Cô bảo mình bị mắc kẹt trong cuộc hôn nhân ấy suốt 1 thập niên. Lúc đầu, rõ ràng họ cưới nhau vì tình yêu. “Chắc chắn là chúng tôi đã yêu nhau, chắc chắn là tình yêu đã ở đó, không thể là gì khác” - cô khẳng định. Nhưng thời gian trôi, họ đã thay đổi theo những hướng khác nhau, khác với con người họ từng biết và yêu tha thiết nhiều năm trước, đến nỗi càng lúc cô càng thấy tù túng và muốn thay đổi.

Trong 3 năm cuối của cuộc hôn nhân, cô đã van nài chồng hãy để cô ra đi. Để đổi lấy sự tự do mong muốn, cô sẵn sàng để lại tất cả gồm căn nhà, chiếc xe hơi và toàn bộ tài sản.

Chồng cô - một người đàn ông Cuba - vẫn không hiểu tại sao mọi chuyện lại diễn ra như vậy, tại sao 2 người từng yêu nhau sâu sắc lại có thể trở nên xa lạ và không thể ở gần nhau đến như vậy. Tuy nhiên, điều đáng mừng là cô và chồng cũ đã có cuộc ly hôn hòa bình và văn minh, nhưng chuyện này lại khiến những người xung quanh cảm thấy… hụt hẫng.

Phần đông xã hội hay trông đợi 2 người sau ly hôn phải ghét nhau, phải nói những lời tệ bạc với nhau, thích nhìn thấy bi kịch sau khi điều gì đó đẹp đẽ vừa kết thúc.

Tôi chợt nhớ lại cách mà mọi chuyện chấm dứt giữa tôi và người cũ - bất ngờ, buồn bã và thất vọng. Đó rõ ràng không phải là kiểu chấm dứt mà tôi muốn. Nó khiến tôi thấy đau lòng nhiều ngày sau đó. Nhưng dù sao, chúng tôi cũng đã chọn cách không thảo luận hay đào sâu vào cuộc kết thúc đó để tránh những ý nghĩ xấu về nhau.

Tôi vẫn luôn tin rằng, những người từng thương nhau sẽ luôn có một thứ “siêu năng lực” nào đó để có thể đối xử dịu dàng với nhau, dù cho chuyện gì đã xảy ra, dù cho người ngoài và chính bản thân họ thường không hiểu nổi.

Cô bạn tôi cho rằng mình đang hạnh phúc hơn bao giờ hết với cuộc sống tự do, độc lập và không phải phụ thuộc vào đàn ông như hiện tại. “Tuy nhiên, bây giờ tôi cũng thấy nhớ điều gì đó, ví dụ như diện thật đẹp để cùng ai đó đi ăn tối ở nhà hàng hay đơn giản chỉ là có ai đó để tôi trò chuyện trong lúc chờ món tiếp theo được dọn lên” - cô bảo. “Có lẽ chúng mình sẽ hẹn hò trở lại sau chuyến đi này” - chúng tôi đồng ý với nhau.

Tôi thấy thích cô bạn này, một kiểu phụ nữ vui nhộn kỳ lạ. Tôi hy vọng sẽ được gặp lại cô vào một ngày nào đó, có thể là ở Washington D.C, khi tôi trở lại Mỹ hoặc là ở một ngôi làng nhỏ vùng Địa Trung Hải như chúng tôi đã hẹn sẽ cùng nhau nếm bánh mì chấm dầu ô liu ở đó.

Khách sạn tôi ở có lối dẫn ra một làng chài nhỏ, sóng biển rì rào vỗ từng đợt và những chiếc tàu cá neo lại gần bãi cạn. Bỗng một âm điệu quen thuộc vang lên từ quán bar nhỏ gần đó, bài hát Sympathique của ban nhạc Pink Martini - một ca khúc tiếng Pháp mang âm hưởng jazz và pop kết hợp mà đoạn điệp khúc có thể tạm dịch là: “Tôi chẳng muốn làm việc/ Tôi cũng chẳng muốn ăn trưa/ Tôi chỉ muốn quên đi”. Đây là khúc nhạc tôi từng nhảy cùng người yêu cũ nhiều năm về trước.

Tiếng nhạc dìu dặt, giọng hát thật trầm của cô ca sĩ cứ như trôi đi trong một buổi sáng dịu dàng, mang hương vị của những buổi hoàng hôn chúng tôi từng chia sẻ cùng nhau và dáng hình của một điều gì đó đã không còn nữa.

Tôi vẫn tin rằng, đến một lúc nào đó, người ta sẽ nhanh chóng nhận ra mọi thăng trầm của cuộc đời không còn quan trọng. Tình yêu lấp đầy trong ta như một tinh chất quý giá, hay nói đúng hơn - tinh chất này không ở trong ta, nó chính là ta. Tôi nhắn cho cô bạn: “Chuyện cũ đã qua rồi, và chúng ta sẽ ổn thôi”.

Theo phụ nữ TPHCM