Trong một lần mâu thuẫn, mẹ Loan buông lời cay đắng: “Chúng mày sống bạc quá. Lúc mẹ còn khỏe mạnh thì nhờ mẹ trông cháu, giờ mẹ đau ốm ngửa tay xin tiền không đưa”. Lời nói của mẹ như nhát dao xuyên vào tim Loan. Suốt bao năm dốc hết sức lo cho gia đình, cô không nghĩ lại nhận được kết quả như thế.

Những lời nói của mẹ làm trái tim Loan đau nhói. (hình minh họa)
Những lời nói của mẹ làm trái tim Loan đau nhói. (hình minh họa)

Giá như Loan có tiền thì cô chẳng tiếc gì với mẹ, đằng này trong túi chỉ còn vài chục ngàn đủ mua cháo cho con, lấy đâu ra cả triệu đồng đưa cho mẹ mua quần áo.

Nhà chồng ở xa nên từ ngày cưới vợ chồng Loan sống cùng nhà ngoại để tiện đi làm. Cha mẹ cô đều đi làm có lương, em trai ở chung nhà nhưng mọi chi phí sinh hoạt đều do Loan lo liệu. Cha cô làm thợ xây, tiền công ngày nào hết ngày đó vì ông ham nhậu nhẹt. Mẹ cô đi giúp việc nhà một tháng được 4 triệu đồng nhưng bà thích sắm quần áo nên chẳng dư đồng nào.

Khi Loan sinh con đầu lòng, cô nhờ mẹ trông cháu và gửi bà số tiền tương đương lương bà đi làm giúp việc. Mỗi tháng lương của Loan được 15 triệu đồng, cộng thêm 5 triệu tiền chồng đưa chỉ vừa đủ trang trải chi phí ăn uống, tiền điện nước trong nhà.

Vì sống chung cùng nhà ngoại, chồng Loan tìm cách thủ thân, anh không đưa hết lương cho vợ mà giữ một phần để chi tiêu. Quan điểm của chồng là đàn ông phải có tiền trong người để còn ngoại giao, chứ đưa hết rồi đụng việc gì cũng xin tiền vợ rất khó chịu.

Có tháng kẹt tiền, Loan mở lời nhờ em trai trả tiền điện nước thì em nói: “Nhà này đâu mỗi em dùng mà bắt em trả”. Loan nói với cha phụ thêm tiền ăn thì ông xẵng giọng: “Ở ngoài đường chưa ai đòi nợ tao, sao về nhà mày lại đòi”. Cứ như thế, Loan phải lo liệu hết thảy. Nhà hết gạo, cô không mua thì cả nhà ăn mì gói, hết bột giặt thì áo quần chất đống không thèm giặt. Nhà cửa bừa bộn, Loan không dọn dẹp thì chẳng ai đụng tay vào.

Chồng cô ngán cảnh sống chung nên xem nhà ngoại như nhà trọ, cứ đi về chỉ ăn và ngủ. Thỉnh thoảng, Loan biết chồng gom tiền riêng gửi về sửa nhà hoặc mua sắm cho bên nội, cô cũng không dám lên tiếng. Chỉ vì cô đề cập đến là chồng chặn ngay: “Em lo cho nhà em thì anh cũng lo cho nhà anh”.

Nửa năm trước, mẹ Loan bị bệnh nặng phải phẫu thuật. Trong người không có một đồng nào, Loan dốc hết tiền tiết kiệm vẫn không đủ, phải đi vay lãi 80 triệu đồng để lo cho bà.

Từ ngày bị bệnh, mẹ không trông cháu được nên Loan cho con đi mẫu giáo đồng thời dùng khoản tiền đưa mẹ hàng tháng để đóng tiền học cho con. Mẹ Loan tỏ ra rất khó chịu, mỗi lần bà nói con gái đưa tiền mà Loan từ chối là bà dằn hắt đủ điều. Loan muốn tiết kiệm chi tiêu để lo thực phẩm bồi dưỡng thêm cho mẹ lại sức thì bà chỉ muốn có tiền mua quần áo mới. Khi còn đi làm, có tháng mẹ mua 5-7 bộ, Loan góp ý thì mẹ nói sống được bao lâu nữa mà ngăn cản điều bà thích.

Trước đây, Loan tằn tiện cũng vừa đủ cho tiền sinh hoạt, nhưng từ khi phát sinh khoản nợ chữa bệnh cho mẹ, có khi trong túi cô chỉ còn vỏn vẹn mấy chục ngàn đồng để đợi đến ngày lĩnh lương. Áp lực tiền bạc nhiều lúc khiến cô không chịu nổi.

Sống chung cùng nhà ngoại, Loan phải gánh hết toàn bộ chi phí cho cả gia đình. (hình minh họa)
Sống chung cùng nhà ngoại, Loan phải gánh hết toàn bộ chi phí cho cả gia đình. (hình minh họa)

Khi Loan đăng tâm sự lên một nhóm kín của chị em, hầu hết ý kiến khuyên Loan ra thuê nhà ở trọ ngay chứ đừng sống chung với nhà ngoại nữa. Loan từng nghĩ đến điều này nhưng không đủ dũng cảm để thực hiện, bởi cô sợ phải thay đổi.

Từ nhỏ đến lớn Loan sống cùng cha mẹ ở ngôi nhà thân thuộc này và xem việc lo lắng cho gia đình là nghĩa vụ. Nhưng lời khuyên của những người xa lạ trên mạng làm Loan tỉnh ra: không phải ngôi nhà nào cũng là tổ ấm. Có lẽ Loan phải quyết định chuyển ra ở trọ để vun vén cho gia đình nhỏ của mình. Tuy nhiên cô vẫn băn khoăn, khi chuyển ra ngoài ở, cô có giải thoát được mình khỏi những trách nhiệm?

Theo phụ nữ TPHCM