Một lần tôi ngồi cà phê cùng người chú là đồng nghiệp cũ, nay chú đã ngoài 70. Chú nói với tôi: “Mỗi người đều có khoảng trống ở trong lòng. Khoảng trống đó kể cả vợ chồng, con cháu cũng chẳng thể nào lấp đầy được”.
Chú kể, chú lấy vợ, sinh con ở tuổi 30. Khi 2 đứa con ra đời, cuộc hôn nhân chẳng thể nào tiếp tục được. Chú đã bằng mọi cách để giữ 2 đứa con ở bên cạnh.
Từ bao giờ, chú luôn sợ nỗi cô đơn. Có thể từ sau khi bố mẹ chú qua đời, đứng trước huyệt mộ của bố, rồi tới mẹ, giữa khoảnh khắc sau cùng ấy, khoảng trống ở trong lòng mênh mông như bầu trời.
|
Hơi ấm tình thân chính là sức mạnh tinh thần ai cũng mong có được từ con cái (ảnh minh họa) |
Mỗi kiếp người phải đối diện với quá nhiều thứ tưởng là vượt khả năng chịu đựng, nhưng đến khi đối diện với nỗi đau mất người thân yêu nhất mới nhận ra những nỗi đau khác chẳng là gì.
Chú chăm chỉ làm việc nuôi 2 con trưởng thành. Cô con gái lớn đi lấy chồng xa nhà, chú ở với vợ chồng con trai Út. Thật may, ở tuổi về hưu, chú cũng vừa xây được căn nhà khang trang có nhiều phòng. Chú đã nghĩ đến thế hệ cháu ra đời, khi ấy, cả nhà cũng sẽ quây quần trong không gian này. Ý nghĩ ấy khiến chú thấy ấm áp trong lòng.
Nhưng sự việc chẳng như mình nghĩ. Cậu con trai Út của chú lấy vợ là đồng nghiệp. Từ ngày con trai có vợ, chú có con dâu, cha con ít thấy mặt nhau. Mỗi ngày 2 vợ chồng đi từ sáng sớm đến tối mịt, vừa làm vừa học nâng cao. Con trai chú bảo, thời bây giờ mà không học lên tiếp là bị chựng lại, thậm chí là thụt lùi ngay, vì ngành nghề nào cũng có rất nhiều người trẻ nổi trội.
Vậy nên từ ngày có con dâu, chú càng biết rõ trong con hẻm nhỏ nhà mình có hàng cơm trưa nào ngon, hợp khẩu vị nhất. Bởi mỗi trưa, chú đều ra ngoài ăn cơm. Có hôm trời nóng quá, ngồi dưới mái che lụp xụp mà mồ hôi đổ thành dòng, cơm canh lõng bõng, nuốt không trôi, lại nhờ chủ quán cho vào hộp mang về nhà ngồi ăn.
Chú nói, đàn ông như chú cũng dở, chẳng thể tự nấu ăn cho mình. Nhưng kỳ thực, đó là điểm yếu nhất của chú. Có vô bếp cũng lóng ngóng, nấu được bữa ăn cũng chẳng ra làm sao, chẳng lẽ ăn mì gói mãi?
Thỉnh thoảng con gái gọi về, cũng chỉ hỏi qua loa "ba ăn cơm chưa", "sữa ba uống sắp hết chưa để con gửi về"… Vì cuộc gọi cách xa nửa vòng trái đất, nên chú cũng thấy không cần thiết nói những chuyện vụn vặt trong nhà, nên thôi.
Câu chuyện của chú khiến tôi nhớ đến nỗi day dứt của cô bạn thân. Cô ấy lấy chồng hơn 3 năm thì cha mất. Khoảng thời gian 3 năm đầu của cuộc hôn nhân, cô ấy chẳng thể bỏ ra chút thời gian nào cho cha mẹ. Bởi vừa lo công việc, sinh con, chăm con, mọi thứ đều bỡ ngỡ.
Đến một ngày, bạn đau thắt lòng khi đứng nhìn ba đang ăn cơm hộp trong phòng điều trị ở bệnh viện. Đó cũng là lần sau cùng cô ấy còn nhìn thấy ba mình. Ông ra đi giữa mùa dịch chia cắt con người, chẳng thể tiếp xúc với nhau được. Hộp cơm trên tay ba trở thành nỗi đau dằng xé trong lòng, cô ấy tự trách mình sao không thể nấu cho ba bữa cơm nóng sốt, để người bệnh mà còn phải trệu trạo nhai cơm hộp. Nỗi day dứt ấy chẳng biết khi nào mới nguôi, dù cô ấy có rất nhiều lý do hợp lý để bào chữa cho mình, và hẳn người cha ở nơi nào đó cũng hiểu cho tấm lòng của con gái mình.
Cha mẹ mất cả phần đời vất vả kiếm tiền nuôi con, lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ, mong con sau này có cuộc sống đủ đầy. Đến khi tuổi già sức yếu, lại thui thủi một mình trong buồn tủi mà chẳng thể nào nói ra. Tôi thấy bức tranh đó sao mà buồn quá!
Là con, hãy đảm bảo cho cha mẹ già của mình ăn uống đầy đủ 3 bữa mỗi ngày, nếu ở xa thì gọi điện thăm hỏi, sắp xếp công việc để về thăm cha mẹ, bởi thời gian người ở với ta ngày càng ngắn lại…
Việc ấy, tôi nghĩ bất cứ người trưởng thành nào cũng lo liệu được.
Theo phụ nữ TPHCM