Tôi thấy chồng nhắn tin nhiều hơn bình thường mỗi khi ở nhà. Anh vốn là người không thích nhắn tin. Có lần anh nói với tôi: “Thay vì nhắn, em gọi điện có phải đỡ mất thời gian không?”. Tôi đã rất ấm ức, vì không phải lúc nào cũng tiện để gọi điện cho chồng, mà việc nhắn tin giữa vợ chồng nó có những thú vị riêng.

Hình minh hoạ
Ngoài tin nhắn trong nhóm làm việc, có một đồng nghiệp nữ hay nhắn riêng cho anh... (ảnh minh hoạ)

 

Tôi nửa đùa nửa thật dò anh: “Dạo này anh lạ lắm nha, chịu khó nhắn tin nhiều hơn bình thường đấy”.

Anh trả lời: “Anh bắt đầu cồng việc mới, nhóm làm việc lại nhiều người chưa quen nên phải trao đổi”. Thái độ của anh không có gì khác lạ nên tôi thôi không dò nữa. Tôi cũng hiểu công việc của anh rất bận.

Một lần cầm điện thoại của anh, tôi phát hiện ngoài tin nhắn trong nhóm làm việc, có một đồng nghiệp nữ hay nhắn riêng. Khi thì hỏi kinh nghiệm, khi thì trao đổi công việc. Lẫn vào giữa đó là những lời than thở về cuộc sống. Chồng tôi đáp lại bằng những câu chừng mực.

Những mẩu đối thoại chưa có gì mờ ám, nhưng nó bắt đầu khiến tôi khó chịu.

Vài hôm sau, tôi vào Zalo của chồng và thấy anh đã xoá toàn bộ tin nhắn với cô đồng nghiệp đó. Lòng tôi dấy lên chút nghi ngờ. Anh vốn là người không chăm chỉ sắp xếp hay xoá tin nhắn không cần thiết, nếu không có gì, thì sao lại phải xoá?

Các buổi tối, chồng tôi vẫn dành khá nhiều thời gian cho điện thoại. Những câu hỏi “vì sao” cứ xoay tôi không thôi khi chồng tôi có lần xem tin nhắn rồi đi ra ngoài. Anh nói đi uống nước cùng bạn, nhưng tôi có cảm giác không yên tâm.

Tôi cài Zalo của anh vào máy tính để theo dõi. Hoá ra, vẫn cô đồng nghiệp đó, vẫn những lời tâm sự nhiều hơn ngoài công việc. Cô ấy than vãn về chồng, về cuộc sống gia đình. Đôi khi còn hỏi xéo xắt: "Vợ anh có như vậy không? Nay em thấy anh mặc áo chưa ủi nha, lúc nào mang tới em ủi cho…".

Cũng có khi cô ấy chụp một bức ảnh nơi mình ngồi uống nước sang chảnh gửi cho chồng tôi kèm câu hỏi ỡm ờ: “Cà phê ở đây ngon lắm, anh muốn thử không nè?”.

Những tin nhắn ấy, chồng tôi không trả lời, hoặc anh chỉ gửi lại cái mặt cười. Không một lời nào anh nói về hôn nhân của chúng tôi hay nói xấu tôi. Nhưng những trao đổi như vậy không phải đang nhiều hơn sự cần thiết cho phép của mối quan hệ đồng nghiệp hay sao? Mà đàn ông, những cám dỗ bên ngoài đâu phải ai cũng vững lòng mãi được. 

“Nếu em nhắn tin suốt ngày với đồng nghiệp nam để tám chuyện, anh có khó chịu không?”, tôi hỏi chồng khi anh đang bấm điện thoại. Tôi nhận thấy anh khựng lại, rồi anh chìa điện thoại cho tôi xem: “Anh đang nhắn công việc mà, dự án này sắp kết thúc rồi”.

Hình minh hoạ
Hoá ra chồng tôi cũng thấy phiền khi nữ đồng nghiệp nhắn tin riêng (ảnh minh hoạ)

 

Tôi gạt tay anh: “Em đâu có đòi xem điện thoại anh. Em đang hỏi anh thôi mà!”. Chồng tôi đột nhiên thở dài: “Tất nhiên anh không muốn. Anh cũng đang bị phiền đây mà chưa biết làm sao. Nói với em thì sợ em nghĩ ngợi rồi bực mình, không đáng!”.

Anh đưa điện thoại cho tôi đúng lúc tin nhắn của cô đồng nghiệp kia vừa tới: “Em đang buồn quá, ngồi cà phê một mình gần nhà anh nè”.

Tôi nhìn chồng, anh nhìn tôi: “Anh cũng không hiểu sao con bé nhắn cho anh nhiều vậy. Thôi để anh gọi”. Tôi bất ngờ với quyết định của chồng.

Anh bấm mở loa ngoài cho tôi cùng nghe cuộc trò chuyện. Một hồi chuông chưa kịp dứt, đầu bên kia đã bắt máy. Tiếng phụ nữ nũng nịu: “Anh đang ở đâu vậy? Tới uống nước cùng em được không, em đang buồn lắm”. “Anh à, anh đang cà phê cùng vợ, em tới đây với vợ chồng anh cho vui”.

“Ủa, vợ anh đang ở cạnh anh hả?”, tiếng cô ấy hốt hoảng.  “Ừ, cô ấy bảo mời em tới để cô ấy làm quen, nói chuyện”. “Thôi, anh chị vui đi, em vừa nhớ ra là em phải đi có việc bây giờ”. Tiếng tắt máy nhanh như lúc bắt máy.

Tôi bật cười. Vậy là ít ra tôi cũng cất được một mối nặng trong lòng.

Theo phụ nữ TPHCM