Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi 55 tuổi. Các con đang trưởng thành, vợ chồng hạnh phúc, tài chính ổn thỏa. Tôi vốn sống rất tâm huyết với mọi người. Ai có chuyện gì cũng có thể tìm tôi để tâm sự. Tôi giúp đỡ họ, ngồi nghe họ giãi bày, phân giải cho họ. Thỉnh thoảng, tôi đồng hành cùng họ để giúp giải quyết một việc nào đó. Nhìn chung, tôi khá có uy tín với mọi người xung quanh.

Nhưng mới đây, đứa cháu tôi rất thương nói thật với tôi rằng “con rất sợ gặp dì", “con không có can đảm gặp dì". Trước đó, cháu gặp trục trặc trong chuyện vợ chồng và nhờ tôi tư vấn. Tôi phân tích, khuyên can và hướng dẫn cháu hành xử cho đúng. Nhưng rồi cháu không theo được, vẫn quay về với người vợ dối trá. Cháu nhiều lần phải nói dối tôi. Cuối cùng, cháu tránh gặp tôi và nói như trên. Tôi đau lòng kinh khủng.

Nhưng cũng từ việc đó, tôi nhận ra dường như tôi đã khiến nhiều người sợ mình, tránh gặp mình, vì cùng một nỗi “sợ" như vậy. Có người bạn từng tâm sự với tôi về chuyện dạy con, tôi khuyên bạn nhiều nhưng bạn không thay đổi được. Kết quả là bạn né tránh, không kể với tôi về con bạn nữa. Bạn cũng hạn chế gặp tôi.

Gần đây là cô em út kém tôi 10 tuổi. Em gặp bất hạnh hôn nhân, phải sống chung với người chồng ghen tuông, lười biếng. Tôi một mặt phải giúp đỡ em về vật chất, mặt khác phải  làm “tỉnh táo viên" để kéo em ra khỏi những luận điệu của chồng. Nhưng kết quả là chị em tôi xa nhau. Em tôi sau nhiều lần không thể làm theo hướng dẫn của chị, cũng xa lánh tôi. 

Tôi từng nghĩ sự nguội lạnh của các mối quan hệ là do mọi người yếu đuối, không thể sống đúng được nên họ xấu hổ với tôi. Nhưng sau lời nói của đứa cháu, tôi nhận ra hình như tôi cũng sai. Vì tôi sai nên kịch bản tan vỡ cứ lặp lại với những người tôi yêu quý nhất, tâm huyết nhất. Mong chị giải thích giúp để tôi rút kinh nghiệm và để lòng nhẹ nhõm.

Võ Thu (TPHCM) 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Võ Thu mến,

Hạnh Dung trân trọng sự tự vấn của chị. Ta theo đuổi mọi thứ vì động cơ tốt, nhưng động cơ tốt chưa hẳn sẽ tạo ra những việc làm tốt, kết quả tốt. Vậy nên, sự tự vấn là rất cần thiết.

Trước hết, chị cần vượt qua cảm giác “có lỗi" với mọi việc chị nêu, bởi trong từng việc, chị đã làm hết sức với một lòng tốt. Sau một thời gian, khi kinh nghiệm dày lên, ta nhận ra những sự thật khác và ta rút kinh nghiệm để từng việc mình làm hiệu quả hơn, đem lại nhiều giá trị và niềm vui hơn.

Hiện tại, chị đã đủ trải nghiệm để nhận ra đôi khi sự giúp đỡ của mình không làm họ tốt hơn; bởi hiệu quả của một sự giúp đỡ sẽ bị chi phối vì nhiều yếu tố. Trong đó, căn bản nhất có thể kể đến là: mong muốn chủ quan của người giúp, cách giúp, tâm thế của người nhận, năng lực của người nhận và cả giới hạn của từng người trong việc đó.

Lòng tốt của chị, sự sáng suốt trong một vấn đề nào đó chỉ là 2 trong số nhiều yếu tố tác động lên một mối quan hệ cho - nhận. Những yếu tố còn lại sẽ góp phần quyết định. Trong từng mối quan hệ cho - nhận, các yếu tố đã có ảnh hưởng cụ thể thế nào, chắc chị có thể soi rọi lại để hiểu hơn.

Chị đã đạt đến trạng thái không chỉ “nhắm mắt giúp người" mà đã biết tự vấn về tính hiệu quả và những tác động khác của một sự giúp đỡ. Tương lai, mỗi khi phân vân khi giúp đỡ ai đó, chị có thể xem xét từng yếu tố như Hạnh Dung vừa nêu, chị sẽ thấy sáng rõ hơn.

Cần nhớ, sự giúp đỡ hay lời khuyên là thứ chỉ nên cho khi người khác cần. Nếu họ chưa sẵn sàng thì sự giúp đỡ, sự thúc đẩy của mình sẽ khiến họ thêm áp lực. Đó chắc chắn là điều chị không mong muốn.

Vì vậy, đôi lúc mình biết người ta khổ vì đâu nhưng đành tôn trọng lộ trình của họ, để họ trải nghiệm và học lấy bài học của họ. Mình chỉ có thể lắng nghe và chia sẻ mà thôi. Đó cũng là một sự dịu dàng mà những người thân yêu có thể làm cho nhau.

Và Hạnh Dung nghĩ rằng chị có thể gặp những người thân yêu để giúp đỡ khi cần, lắng nghe, không phải để quyết liệt đưa ra lời khuyên. Chắc chắn người thân sẽ cảm nhận tấm lòng của chị và đón nhận một cách ấm áp.

Chúc chị tìm thấy sự nhẹ nhõm trong tâm hồn!

Theo phụ nữ TPHCM