Nhắc đến cô Liên, mẹ tôi than: “Thương bà Liên quá. Đi làm Ô-sin cho người ta đến nay đã nửa năm chưa về. Cô ấy làm qua 2-3 gia đình, nhưng chưa ổn định. Nhà thì bà chủ hay ghen, sợ ông chủ có cảm tình với cô ấy; nhà thì chủ keo kiệt, soi mói, coi thường người giúp việc quá thể. Còn nhà này cô ấy đang làm thử, chẳng biết có ổn không…”
Cô Liên là bạn thân của mẹ tôi. Trước kia cô ở quê làm ruộng, chăn nuôi, nhưng nửa năm nay cô xuống phố đi làm người giúp việc. Chăm chỉ, cẩn thận, cô nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của người thuê giúp việc nhà. Nhưng khổ nỗi, như mẹ tôi kể, cô chưa gặp được gia đình phù hợp để yên tâm làm việc.
"Tại sao cô không về nhà chăm mảnh vườn và sống cùng con cháu như trước?", tôi hỏi. Mẹ tôi cho biết, là vì chồng cũ của cô Liên đã về nhà.
Cô Liên kết hôn khi còn rất trẻ, mới mười chín tuổi. Nhưng cô mới làm vợ được 5 năm, sinh 2 cậu con trai, thì chồng cô bỏ đi cưới người phụ nữ khác. Bị ruồng rẫy khi còn quá trẻ, nhưng cô Liên dứt khoát không đi bước nữa, để dồn toàn bộ tâm sức nuôi 2 con trai ăn học.
Đến nay, các con cô đều đã có công việc ổn định, thu nhập cao, đã lập gia đình, sinh con đẻ cái. Cô và các con còn xây được một ngôi nhà to, đẹp, đúng mẫu nhà đẹp ở nông thôn, tiện nghi trong nhà cũng hiện đại, đủ đầy để bà cháu, cha mẹ con quây quần bên nhau. Thế mà bây giờ cô lại phải bỏ đi, vì muốn tránh phải ngày ngày giáp mặt, ăn chung mâm với người chồng cũ bội bạc.
Chồng cũ của cô, sau khi bỏ cô và con nhỏ để cưới một người vợ khác, nay vợ chồng ông ta lại ly hôn. Đứa con chung duy nhất của ông ta và vợ 2 đã chọn sống với mẹ. Cuối cùng, ở tuổi xế chiều, ông ta cô độc với nhiều loại bệnh hiểm nghèo trong người.
Tìm về quê với vợ cũ và 2 đứa con trai, ông ta mong được tha thứ để nương tựa tuổi già. Xót cha, 2 người con trai của cô Liên bày tỏ mong muốn được chăm sóc cha, vì dù sao ông ta cũng sinh thành ra họ. Họ dành cho cha một căn phòng trong ngôi nhà mà cô Liên chắt chiu cả đời vất vả xây lên. Họ sắm cho ông ta những tiện nghi hiện đại. Tới bữa cơm, 2 cậu con trai thay nhau chăm chút cho cha.
Nhìn cha con ríu rít chăm sóc nhau, cô Liên cũng vui. Cô mừng vì con hiểu đạo hiếu, không hắt hủi người đã phụ bạc mẹ con cô. Nhưng, càng ngày cô càng không thể chịu nổi người từng là chồng trong 5 năm ngắn ngủi nhưng gây buồn tủi khổ đau suốt đời cho cô. Cô hiểu vì sao mà ông ta và bà vợ kia đã phải ly hôn, và vì sao đứa con duy nhất của họ lại chọn theo mẹ. Nhưng cô cũng không thể ngăn cản 2 con trai báo hiếu.
Cuối cùng, sau khi trải lòng với mẹ tôi, cô quyết định rời khỏi nhà, xuống thành phố làm thuê để tránh mặt chồng cũ.
Tôi không rõ 2 con của cô có thấu hiểu nỗi khổ tâm khi phải lang thang đi làm thuê của mẹ hay không, nhưng mỗi khi nghĩ đến cô, tôi thực sự buồn thương. Những người phụ nữ luôn hi sinh cho con, cuối đời vẫn vì con mà bao dung với kẻ phụ bạc, liệu họ có yên ổn, hạnh phúc?
Theo phụ nữ TPHCM