|
|
Mỗi lần có giỗ, mọi người lại sum họp, ai có gì góp nấy, rất vui ( Ảnh minh họa) |
Hôm qua gọi điện, tôi nghe giọng mẹ gay gắt: "Kỳ giỗ tới đây mẹ phải làm cho ra ngô ra khoai mới được. Tham lam thì cũng vừa vừa. 2 tỉ chưa no hay sao mà phải ăn tàn phá tận như vậy". Nghe sơ, tôi liền hiểu chuyện gì.
Nhà ngoại tôi có bốn người con gái. Dì cả, dì Hai, mẹ tôi là thứ ba và dì Út. Ba chị đầu đi lấy chồng khác làng, còn dì Út ở lại ngay trên mảnh đất tổ tiên để sinh sống và thờ tự.
Dạo gần đây, quê tôi sốt đất. Dì út cắt đôi khu vườn, bán được hơn 2 tỉ đồng, bảo để làm lại nhà thờ. Nhưng thực tế, nhà thờ và lăng mộ năm ngoái có ông bác từ miền Nam trúng số độc đắc nên đã gửi tiền về xây. Dì bán đất, chỉ chi ra một phần rất nhỏ để trang hoàng, sơn sửa lại mộ, còn đâu dì gửi ngân hàng làm của riêng.
Dì Hai bảo: "Nó làm màu che mắt thiên hạ, hợp thức hóa chuyện bán đất thôi chứ xây lăng đắp mộ gì".
Chuyện chưa xong, tháng trước, dì Út lại cắt bán nốt chỗ đất trống còn lại không bàn bạc với ai. Vậy là khu vườn vốn rộng mấy công đất giờ chỉ còn vừa gọn một ngôi nhà. Dì sang tên đổi chủ, làm mọi việc trong lặng lẽ. Đến khi các chị biết thì mọi sự ở thế đã rồi. Mọi người ức, giận lắm. Nhất là người có tính phổi bò như mẹ tôi.
Tôi không hình dung nổi quả bom mâu thuẫn này sẽ phát nổ như thế nào trong ngày giỗ bà sắp tới. Chắc chắn nó sẽ gây sát thương rất lớn, tình chị em lung lạc là chuyện trong tầm tay.
Tiền là bạc. Người đời nói quả không sai. Những kỳ giỗ cách đây khoảng 10 năm về trước, khi ai cũng nghèo mà mỗi lần gặp đều ấm áp, hân hoan. Ai có gì góp nấy, tùy vào điều kiện gia đình.
Mẹ tôi lấy chồng làng thấp, sát bờ sông nên nhà hay nuôi vịt. Ngày giỗ, mẹ sẽ cột đôi vịt béo nhất, cho vào giỏ rồi sớm tinh mơ chở lên nhà dì Út. Tôi nhớ mãi tiếng bọn vịt mới sáng ra bị bắt đi nên quạc quạc om sòm, lông lá bay đầy trên con đường làng rải sỏi. Dì đầu lấy chồng vùng đồi, nhà hay trồng nếp, dì gánh về góp đủ đồ một nồi xôi to. Còn dì Ba, dì làm nghề bán bánh ít, bánh gai, bánh chưng nên mâm cúng của dì mang theo luôn xanh ngắt màu lá.
Mỗi người mỗi sản vật nhà làm, các cháu đến ngày cũng về tề tựu, góp mặt. Người vặt lông vịt, người bắc nồi nước, người vo nếp nấu xôi. Quay đi quay lại mấy món: xôi nếp, vịt luộc, miến hoặc rau củ xào lòng mề.
Thời đó thiếu thốn, bữa giỗ đơn sơ ấy trở thành bữa tiệc lớn với hầu hết mọi người. Ăn uống ngon lành, chuyện trò đầm ấm. Ai cũng kể chuyện vui, chuyện tốt. Chị em nhắc nhở động viên nhau làm ăn.
|
Dì Út bảo: "Nhà toàn đàn bà, có giỗ kị mà không linh đình, mời đầy đủ chú bác, sợ người ta khinh". ( Ảnh minh họa) |
Thế rồi theo thời gian, khi cuộc sống càng khá lên thì những kỳ giỗ chạp lại kém vui dần. Để nhanh gọn lẹ, bốn dì chia đều tiền góp rồi đặt mâm cho dịch vụ nấu nướng, giao đến tận nơi. Khách mời cũng đông dần lên. Mẹ tôi là người đơn giản, mẹ bảo sao không giữ nếp cúng chỉ người trong nhà như xưa nay, mời họ hàng chú bác thêm làm gì?
Dì Út lập tức cãi: “Hồi xưa nghèo khác, giờ khấm khá rồi phải khác. Chị không nghe người ta nói câu một miếng giữa làng bằng một tràng trong bếp à. Khi khó không mời được chú bác đã đành, giờ mình phải ráng để nhộn nhịp lên, hoành tráng lên. Nhà toàn đàn bà con gái, đừng để người ta khinh!”.
Dì Hai với mẹ tôi một phe, chêm vào: “Khinh là khinh thế nào, mình có ăn cắp ăn trộm, sống bạc nhược với ai đâu mà sợ khinh. Việc chi phái, dòng họ, thì cúng ở nhà thờ chung, đông đủ mọi người. Còn giỗ cha giỗ mẹ, sức mấy thì làm mấy, nhỏ to, thiếu đủ gì là do suy nghĩ của mình”.
“Thế thì khi họ mời chị đi giỗ, chị đừng đi, chả lẽ sống mà chỉ đi ăn khách, còn mình thì chăm chăm tinh gọn, tiết kiệm, đơn giản mà coi được à?”, dì Út vặc lại.
Những cuộc chiến như vậy cuối cùng cũng ngã ngũ. Giữa đơn giản và linh đình, thực tế luôn diễn ra theo hướng linh đình. Ở làng, tâm lý sợ thua thiệt và người khác khinh rẻ bao giờ cũng tồn tại, người muốn đơn sơ, sống chủ động theo ý mình đếm trên đầu ngón tay.
Ngày giỗ ngoại vào tháng 8 âm lịch tới đây, dì Út bán đất có nhiều tiền nên mọi người không đóng góp nữa. Nghe đâu, dì đã đặt dịch vụ đến hơn 10 mâm cỗ, thuê dàn loa máy xịn nhất xã về để "xõa" sau khi phần lễ đã lo xong.
Mẹ hỏi tôi: “Con nghĩ sao? Mẹ có nên nói hết khúc mắc về chuyện đất cát và cả chuyện giỗ chạp không? Giỗ là việc chung, phải bàn bạc để thuận trên hợp dưới. Không phải có tiền là tự ý quyết được. Giỗ chứ phải đám cưới đâu mà phải loa đài rình rang, ầm ĩ xóm làng!”.
Tôi chưa biết trả lời mẹ thế nào. Tôi chỉ mong nếu bà ngoại linh thiêng thì bà đừng ghé về kịp ngày cúng. Thấy con cháu trong ngày giỗ mẹ lại gặp gỡ để ăn thua đủ, “choảng” nhau, chắc bà buồn lắm.
Nhưng nếu mẹ tôi không nói ra, thì với tính cách "có tiền là thích" gây ấn tượng như dì Út, những kỳ giỗ ấm cúng, thiêng liêng sẽ sớm biến tướng thành những bữa tiệc xa cách, thừa mứa và linh đình.
Tôi phải nói với mẹ thế nào bây giờ?
Theo phunuonline.com.vn