Nghe chồng nói vay đâu khoảng chục triệu đồng để sang tháng làm đám ông nội mà chị rụng rời. Người ta khi ngặt nghèo mới phải vay nợ, có ai như nhà chị phải đi vay tiền làm đám giỗ không? Mà không chỉ một lần?

leftcenterrightdel
 Đám giỗ nào của nhà chị cũng mâm cao cỗ đầy (Ảnh minh họa)

Chồng chị là con trưởng, là đích tôn nên từ khi về làm dâu chị đã được mẹ chồng "bàn giao" cho cuốn sổ ghi những ngày giỗ chạp. 

Khổ nỗi, họ nhà chị đông người nhưng là đông người đến dự chứ người làm, người góp chẳng có mấy ai, họ coi việc nhà chị làm đám là chuyện đương nhiên, còn góp thì... tuỳ tâm.

Cha mẹ là cha mẹ chung nhưng chuyện làm đám mình vợ chồng chị gánh, hồi đầu năm đám giỗ bà nội, ai cũng viện cớ này lý do kia không đến giúp được. Mình chị không thể vừa chợ búa vừa nấu nướng hơn chục mâm vừa quán xuyến trong ngoài nên chị đành thuê người ngoài. 

Ăn uống xong, cũng chẳng ai ở lại phụ chị một tay rửa chén quét dọn hay trả bàn ghế. Và họ chia nhau những đĩa thức ăn còn lại, đến nồi canh hầm hay số khoai tây chiên cũng được chia sạch.

Đứng trước đám bàn ghế ngổn ngang, chị phát khóc vì bực tức, kinh tế nhà chị ai cũng biết, thuộc loại khó khăn nhất họ, nếu mỗi năm không có chục đám giỗ chạp lớn nhỏ cần phải lo thì chị cũng đâu nghèo đâu khổ thế này.

Con gái chị đáng lẽ phải vào đại học chứ không phải xin đi công nhân để nhanh chóng kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Con trai chị cũng có cái xe đạp đàng hoàng đi học chứ không phải gò lưng trên cái xe cũ, để rồi xe hỏng giữa đường, bị người ta tông phải...

Chồng quát chị im, anh nói: "Muốn thiên hạ cười vào mặt cho à? Thử hỏi xem cái làng này có ai than thở vì phải cúng giỗ đám tiệc không?". Chị cũng không nhịn nữa, nói ông cũng nhìn xem người ta thế nào.

leftcenterrightdel
 Chị rất muốn mặc kệ các đám giỗ, tuỳ ai muốn làm gì thì làm, nhưng chồng chị không chấp nhận (Ảnh minh hoạ)

Giỗ chạp thì nên xúm vào người một tay chung lo, làm gì có chuyện trút hết lên cho anh cả, đến giờ mới đến và ngồi ngay vào mâm theo kiểu "có cơm đánh bát, có hát nghe nhờ". Họ cười ông ngu ngốc nhu nhược chứ cười gì.

Chồng chị chợt ỉu xìu, luật bất thành văn từ xưa đến giờ vậy rồi, con trưởng bao giờ cũng nặng gánh trách nhiệm. Trách nhiệm phải đi đôi với quyền lợi, là anh cả, đáng lẽ chồng chị phải gọi hết cô chú em út lại bàn bạc nên làm gì, đóng góp sao.

Là trưởng họ chồng chị có quyền đó chứ không phải cứ lọ mọ đếm đầu người, giục vợ đi vay tiền để làm cỗ, làm xong còn nơm nớp lo ế rồi làng nước chê cười.

Chị vào buồng, nhét vài bộ quần áo vào túi xách, nói lát chị lên bế cháu cho con gái, con gái sắp phải đi làm lại rồi, và chị sẽ ở đó đến khi cháu ngoại cứng cáp chị mới về. Chuyện giỗ quảy tuỳ ai muốn làm gì thì làm.

Xách giỏ đi vẻ quả quyết nhưng lòng chị vẫn lo lắm, tính chồng chị biết, ông luôn muốn có những đám giỗ tươm tất cho người đi xa yên tâm, còn em út thì sẽ nói chuyện sau.

Chính vì tính thương người của ông khiến đám em có nết ỷ lại, tính toán. Tiền mượn của đám giỗ ông nội bọn trẻ, chị còn chưa trả hết, nay lại mượn nữa thì khi nào mới trả nổi.

Nói nào xa, những người cho chị mượn tiền họ cũng cười chị, nói chị chỉ biết chăm chăm nghe lời chồng, giữ lấy chút tiếng tăm chẳng mài ra mà ăn được còn làm nghèo thêm. 

Ngày giỗ, là ngày tưởng nhớ người đã khuất, nên nhớ đến bằng lòng thành chứ không phải bằng những mâm cỗ và đông người hể hả ăn uống. Biết là bổn phận nhưng cũng nên xoay trở trong điều kiện sẵn có. Nếu người đã khuất có linh thiêng, biết người còn sống vì mình mà phải vay mượn nợ nần, anh em mâu thuẫn bất hoà thì làm sao mà vui nổi.

Lên bế cháu mà chị cứ mong ngày giỗ ấy đừng tới, nói cứng với chồng là mặc kệ, nhưng chị biết mình rồi cũng phải về vì cái danh dâu trưởng.

Nhưng lần này chị quyết định thay đổi, chị sẽ bàn bạc và yêu cầu mọi người đóng góp, còn không chị sẽ làm trong khả năng cho phép, chị sợ nợ nần lắm rồi, quyết không vay mượn gì nữa. 

Theo phunuonline.com.vn