Chị Hạnh Dung thân mến,

Đến bây giờ tôi cũng không biết mình có sai lầm không khi lấy người chồng trẻ hơn 4 tuổi. Người ta bảo là đàn ông lấy phụ nữ lớn tuổi hơn phần nhiều sẽ vì 2 thứ: một là người phụ nữ đó giàu có. Hai là người đó vượt trội hơn anh ta về tư duy, phẩm chất, tài năng... khiến anh ta ngưỡng mộ.

Tiền thì chắc là không có trong tình cảm của chúng tôi. Tôi chỉ là 1 cô gái bình thường, là biên tập viên của 1 nhà xuất bản, lương không cao, chỉ tạm đủ sống. Nhan sắc tôi cũng thuộc dạng bình thường, không có gì nổi bật. Chỉ có điều tôi đọc nhiều, có nhiều kiến thức, có khả năng viết lách giỏi và tôi cũng là người biết lắng nghe, chia sẻ với mọi người.

Khi yêu nhau, tôi cảm động vì tình cảm chân thành và ngưỡng mộ mà chồng dành cho mình. Chồng luôn mua hoa, tặng quà, chăm sóc tôi rất chu đáo và kỹ lưỡng. Tuy nhiên, khi tôi thỉnh thoảng vẫn nhận xét anh ấy còn rất trẻ con, thì anh ấy luôn nói với tôi là hãy cho anh ấy thời gian để trưởng thành.

Yêu nhau 1 năm thì chúng tôi cưới. Mới cưới có 1 năm, nhưng đã nhiều lúc tôi có cảm giác mệt mỏi vì một người chồng trẻ con. Anh ấy vẫn chăm sóc và lo lắng cho tôi, nhưng tôi thấy mệt vì anh ấy không bao giờ tự quyết định được chuyện gì, lúc nào cũng chờ và nghe theo mọi ý kiến của tôi. 

Sống chung 1 năm mà sáng nào tôi cũng phải gọi, anh ấy mới dậy đi làm. Không gọi là có thể ngủ tới 11, 12 giờ trưa. Tôi đi vắng là bỏ làm cái chắc luôn. Còn trẻ mà anh ấy không chịu tập tành gì hết, cứ ỷ mình còn trẻ, mình khỏe lắm... nên hút thuốc, nhậu nhẹt với bạn bè thường xuyên, ăn uống vô tội vạ, nửa đêm đói là nấu mì gói ăn...

Chồng tôi rất thích ăn trái cây, nhưng nếu tôi mua về, để tủ lạnh mà không gọt, không bưng ra tận nơi thì anh mặc cho đến khi hư thối mà vứt đi. Khi nào thèm quá thì mang dao, mang trái cây ra tận bàn, nhờ tôi gọt. Ngồi vào bàn ăn cơm không biết tự lấy cái gì, cái gì cũng chờ tôi...

Sáng nào vào phòng thay quần áo tôi cũng phải lượm quần short, áo may ô từ dưới đất lên, vì anh ta thay đồ đi làm, đứng đâu là thả đồ đó. Hàng trăm lần tôi phải nhắc nhở chuyện khóa vòi nước cho cẩn thận, vì luôn chỉ gạt tay rồi bỏ đi, để vòi nước chảy suốt ngày, đêm...

Nhưng tất cả những điều đó chưa làm tôi khó chịu bằng việc anh ấy không có được quan điểm riêng của mình, hay chạy theo các xu hướng xã hội, từ âm nhạc, thời trang, đến các vấn đề chung về chính trị, kinh tế... Còn nếu có thì những ý kiến của anh ấy rất... trẻ con, đầy định kiến.

Nhiều lần tôi nói thẳng với anh ấy là anh ấy quá trẻ con so với tôi, và tôi chán một người chồng trẻ con lắm, thì anh ấy lại năn nỉ tôi là cho anh ấy thời gian... Nhưng tôi chẳng biết cái thời gian đó là bao lâu, khi chính tôi ngày một trưởng thành, còn anh ấy thì cứ ì ì theo đuôi tôi.

Nói ly hôn với người chồng vì những điều như thế thì nghe có vẻ không hợp lý. Vả lại, gia đình tôi rất yêu quý anh, tính anh vui vẻ, hài hước trẻ con nên làm cả nhà vui. Nhưng làm sao để dạy chồng trưởng thành cho kịp với chính bản thân mình? Nhiều người bảo tôi là nên sinh con ngay, khi có con, ai cũng phải trưởng thành. Nhưng tôi chỉ sợ lại phải nuôi dạy 2 đứa trẻ con cùng một lúc thì sẽ hết sức mệt mỏi.

Lê Hòa Như

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Hòa Như thân mến,

Điều đầu tiên Hạnh Dung muốn hỏi chị, là những tốt đẹp mà nhờ nó, chị quyết định lấy người đàn ông kém mình 4 tuổi làm chồng, nay chị còn thấy ở anh ấy không? Theo những gì chị kể, thì Hạnh Dung thấy vẫn còn đó sự chăm sóc và yêu thương của anh ấy. Chỉ có điều, giống như bao cặp đôi khác, yêu thì không sao, về sống với nhau mới thấy bao điều khác biệt, và khó chịu bắt đầu xuất hiện.

Chị không nói độ tuổi của mình, nhưng Hạnh Dung có nhận xét nho nhỏ thế này: Chẳng biết có phải là chị hơi... quá tự tin vào sự "già dặn hơn" của mình với chồng hay không, chứ việc chị nghĩ rằng chồng chị có thể trưởng thành khi... lấy vợ, rồi bây giờ lại hy vọng rằng chồng sẽ tự trưởng thành khi... có con, rồi lại nghĩ rằng mình có thể dạy chồng trưởng thành... khiến Hạnh Dung nghĩ rằng ngay cả bản thân chị cũng đang chỉ mới bắt đầu những bài học về tình yêu, hôn nhân và gia đình mà thôi.

Thật ra, những điều chị khó chịu ở chồng, Hạnh Dung thấy có ở nhiều người đàn ông (người ta thường bảo rằng luôn luôn có một đứa trẻ tồn tại trong mọi người đàn ông, ở bất cứ tuổi nào mà). Và nội việc anh ấy chịu đựng mọi chê bai của chị, luôn chấp nhận và lắng nghe những chê bai đó, hứa cố gắng để lớn lên cho chị vui lòng... Hạnh Dung nghĩ đã là một điều chứng tỏ rằng anh ấy không hoàn toàn là một đứa trẻ con như chị nghĩ. Trong anh ấy có một tình cảm dành cho chị lớn hơn cái Tôi, sự ích kỷ, sĩ diện... của một đứa trẻ con đấy chị.

Một năm của cuộc hôn nhân, đây luôn là thời điểm khó khăn nhất để 2 người xa lạ về sống chung nhà. Sẽ có nhiều khó khăn là điều tất yếu và ai cũng phải kiên nhẫn, bao dung, tha thứ và hướng về nhau. Cả hai sẽ cùng nhau học bài học về xây dựng tổ ấm, chứ không ai có thể dạy cho ai được đâu chị.

Sinh 1 đứa con khi trong suy nghĩ và tình cảm của mình còn lấn cấn về nhau, là 1 sai lầm to lớn. 1 đứa trẻ ra đời cần rất nhiều sự chuẩn bị vật chất và tinh thần từ cha mẹ. Tất nhiên, dù có phải chuẩn bị đến bao nhiêu đi chăng nữa, thì người ta cũng phải học làm cha mẹ cả đời. Nhưng những chuẩn bị đầu tiên đó là những điều tối thiểu, như em bé vào lớp Một là đã phải có quần áo, cặp sách, tập vở, bút mực vậy...

Và chính bản thân em bé không phải là trải nghiệm, là bài học, là sự kiểm tra cho bất cứ sự trưởng thành của ông bố bà mẹ nào. Mà bài học họ phải học để trưởng thành là những bài học về trách nhiệm, tình yêu thương với 1 đứa con. 

Theo phụ nữ TPHCM