Trên diễn đàn Tin tức Đài Loan (UDN), một cô gái tâm sự những khác biệt về thói quen sinh hoạt khiến cô vô cùng bất tiện khi ở với bố mẹ chồng, dù mới kết hôn. Cô cũng đặt câu hỏi có nên tiếp tục chung sống với nhà chồng không? Rất nhiều ý kiến vào khuyên cô: "Nên ra ngoài sống". Đa phần khuyên cô nên bỏ tiền mua không gian riêng tư. Một độc giả viết: "Dù bố mẹ chồng có tốt đến đâu đi nữa thì cũng vẫn có những chuyện không hiểu nhau. Tránh được thì nên tránh. Có khoảng cách một chút thì mới quan hệ mới bền được".
Bác sĩ nhi khoa Trần Mộ Dung (Đài Loan) gần đây tham gia giao lưu trên truyền hình cũng cho biết một trường hợp bệnh nhân của mình đến chữa bệnh vì nhiễm trùng đường tiết niệu. Bệnh nhân nữ than thở rằng bị như vậy vì "không dám đi vệ sinh ở nhà". Khi bác sĩ hỏi vì sao, cô cho biết sống chung với nhà chồng, bố mẹ chồng không cho bật nhiều đèn khi ở nhà, thường sử dụng đồ ăn từ những bữa trước để lại và đặc biệt là để tiết kiệm nước, ông bà yêu cầu các con phải đi tiểu hai lần mới được giật nước. Không chịu nổi vì phiền toái, mùi hôi, cô gái đành nhịn uống nước để đỡ phải đi vệ sinh nhiều. Lâu dần, cô mắc bệnh nhiễm trùng tiết niệu.
Sống chung với cha mẹ chồng là một truyền thống của nhiều quốc gia châu Á. Mô hình này vô tình đẩy hai người phụ nữ là mẹ chồng, con dâu vào một cuộc chiến không mong muốn, dưới một mái nhà. Tư tưởng hiện đại đã giúp mối quan hệ này giải tỏa nhiều căng thẳng. Tuy nhiên, việc sống chung vẫn khiến những mâu thuẫn nảy sinh.
Nhưng cụ thể, vì sao các cặp vợ chồng không nên sống chung với cha mẹ, sau khi kết hôn?
Sự riêng tư có thể bị ảnh hưởng
Tất cả các cặp vợ chồng đều có thời gian riêng tư với nhau. Nhưng với việc bố mẹ thường xuyên ở bên, bạn không thể dành thời gian chất lượng cho bạn đời. Thêm vào đó, vì nhà là của bố mẹ, bạn sẽ rất khó đề nghị họ cho vợ chồng mình thời gian riêng tư.
Sự quá quen thuộc có thể làm mất đi sự trân trọng trong ứng xử
Trước khi kết hôn, chưa sống cùng bố mẹ chồng/vợ, bạn có thể rất yêu quý họ. Ngược lại, trong mắt họ, bạn cũng là một người tốt. Tuy nhiên, nếu ở cùng, bạn rất sớm có thể sẽ trở thành một cô con dâu lười biếng, không biết nấu ăn, không chịu dọn dẹp nhà cửa. Mọi "tật xấu" của bạn lẫn cha mẹ chồng đều sẽ lộ ra khi cùng chung sống dưới một mái nhà. Do đó, sống chung có thể khiến cho người ta phát hiện ra nhược điểm của nhau và bắt đầu chỉ nhìn vào đó để đánh giá. Mối quan hệ tốt đẹp sẽ rất dễ bị tan vỡ.
Cha mẹ luôn coi con cái là bé nhỏ
Bạn và bạn đời đã trưởng thành, nhưng trong mắt phụ huynh, bạn vẫn luôn là những đứa trẻ. Việc sống chung nhà khiến cho cha mẹ cảm thấy rằng mình có quyền lực với vợ chồng con, do đó, dễ xảy ra chuyện áp đặt các quy tắc của mình lên các con.
Sống chung với cha mẹ sau khi kết hôn sẽ không đem lại cho bạn sự tự do hoàn toàn mà bạn mong muốn, khiến bạn cảm thấy ngột ngạt vì khuôn phép. Đương nhiên, trong trường hợp bạn sẵn lòng tuân thủ những khuôn phép đó thì mọi việc sẽ ổn thỏa.
Sự can thiệp của cha mẹ trong việc nuôi trẻ nhỏ
Nhiều gia đình xảy ra xích mích trầm trọng khi có sự xuất hiện của thành viên mới: một em bé. Khi hai vợ chồng sinh con và muốn nuôi dạy con theo cách của riêng mình, ông bà hoàn toàn không cưỡng lại việc đưa ra những khuyến nghị, lời khuyên, mạnh hơn là đưa ra những quan điểm của riêng họ trong việc nuôi dạy trẻ và muốn các con tuân thủ.
Vậy giải pháp cho việc này là gì?
Nhiều cha mẹ hiện đại ngày nay đã không còn khuyến khích việc con cái về chung sống với mình sau khi kết hôn. Không ít người khuyến khích con ra ngoài sống để trải nghiệm cuộc sống độc lập, chủ động riêng bên cạnh bạn đời. "Tam tứ đại đồng đường" giờ đây đã là câu chuyện nhuốm màu thế hệ cũ. Để vừa gần gũi, báo hiếu cha mẹ, lại thuận tiện cho cuộc sống cá nhân, nhiều gia đình trẻ lựa chọn mua/thuê nhà gần nhà bố mẹ mình. Nhờ thế, họ có thể dung hòa giữa riêng - chung hợp lý nhất.
Đương nhiên, "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Tùy vào điều kiện kinh tế, gia cảnh, mỗi người có một lựa chọn phù hợp cho riêng mình. Nhiều ý kiến chỉ ra rằng ở cùng gia đình chồng "ưu điểm nhiều hơn nhược điểm", vì sẽ giảm được gánh nặng tài chính, được hỗ trợ nhân lực, nhất là khi bố mẹ chồng đã nghỉ hưu. Theo các chuyên gia, nếu quyết định sống cùng bố mẹ chồng, các nàng dâu cần chú ý các điểm quan trọng trong sinh hoạt và ứng xử, đó là:
Không nên đi sớm về khuya
Cuộc sống hôn nhân hoàn toàn khác với cuộc sống tự do, khi bạn thích gì thì làm nấy. Nhất là khi sống chung với người có tuổi, việc bạn thường xuyên về muộn, ăn uống thất thường và phá vỡ nhịp sinh hoạt gia đình... có thể khiến gia đình nảy sinh những mâu thuẫn. Vì thế, ở với người lớn tuổi, bạn nên điều chỉnh lịch sinh hoạt phù hợp.
Đừng cãi nhau với chồng trước mặt bố mẹ
Chẳng cặp đôi nào là "cơm lành canh ngọt" mãi. Tuy nhiên, hai vợ chồng nên trao đổi, tranh cãi trong phòng riêng, tránh cãi chửi nhau trước mặt bố mẹ. Điều này sẽ khiến bố mẹ, dù văn minh đến mấy, sẽ nảy sinh tâm lý bênh vực con và có cái nhìn ác cảm với con dâu, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ trong gia đình.
Đừng tiêu tiền phung phí
Đương nhiên tiền bạn làm ra, bạn có quyền chi tiêu. Nhưng khi sống chung dưới một mái nhà với người lớn tuổi, bạn nên kín đáo trong chi tiêu, tránh mua sắm bừa bãi.
Nói năng, ứng xử thiếu thận trọng
Trong ứng xử với bố mẹ chồng, nếu bạn nghĩ gì nói đấy, lại không nhận được sự thông cảm của họ, bạn sẽ dễ gặp rắc rối. Khéo léo trong lời ăn tiếng nói, trong hành xử là cách giữ hòa khí trong gia đình, để cuộc sống hôn nhân và mối quan hệ với bố mẹ được ổn thỏa.
Theo vnexpress