Ngày cuối tuần, chị gom đống quần áo bẩn chồng dồn lại ở góc phòng đem đi giặt. Chị vừa mệt mỏi vì dọn dẹp vừa bực tức khi thấy trong túi áo quần của chồng nhét đầy vé số. Chị đếm được mấy trăm tờ với số ngày phát hành nối tiếp nhau, nhẩm tính ra số tiền mua không nhỏ.
|
|
Mặc cho vợ hối thúc đi kiếm việc làm, anh vẫn điềm nhiên ở nhà mua vé số chờ cơ hội. (ảnh minh họa) |
Chồng chị mất việc nửa năm nay, thỉnh thoảng ai kêu gì làm nấy, nhưng tuyệt nhiên không đưa cho vợ đồng lương nào. Số tiền kiếm được đủ để anh uống cà phê và mua vé số hàng ngày. Chị biết chồng không kiếm được nhiều tiền nhưng giá như anh phụ thêm một ít chị cũng cảm thấy được chia sẻ gánh nặng gia đình.
Trong khi chị làm ngày làm đêm, hết việc ở công ty lại nhận việc về nhà thì anh chỉ nằm dài. Tháng cuối năm, thấy các công ty dịch vụ vệ sinh nhà cửa đăng tin tuyển người làm, chị thúc giục chồng đăng ký. Nhưng anh luôn lấy lý do để trì hoãn: “Để sang năm kiếm việc lâu dài chứ mấy việc thời vụ làm được ba bữa rồi nghỉ, chán lắm”. Chị phân tích: “Thì lấy ngắn nuôi dài, trước mắt kiếm ít tiền mà lo tết đã, chứ cứ đợi biết đến bao giờ”, nhưng chồng chị vẫn không nhúc nhích.
Tình hình việc làm của chị không khá hơn chồng, nhưng chị biết cách thích ứng nhanh. Công ty chị rơi vào giai đoạn sản xuất cầm chừng, việc làm lúc có lúc không, tùy vào đơn hàng. Vì vậy chị phải lùng sục tìm việc làm thêm, chẳng nề hà việc gì, dù tiền công thấp hay vất vả.
Chị nhận dán nhãn đóng gói hàng tết cho xưởng, tiền công chỉ vài ngàn đồng một sản phẩm, tốn thời gian mà không được bao nhiêu tiền. Anh chê, nhưng chị nghĩ khác, thời điểm khó khăn này, có việc để làm đã là may mắn. Nghe người ta giới thiệu giúp việc nhà theo giờ, tiền công rất ổn, chị cũng thử làm. Nhờ vậy mà chị lo đủ tiền ăn, tiền học cho con, cáng đáng cả gia đình gần cả năm nay.
Còn anh, trước đây anh làm thủ kho cho một công ty sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, công việc nhàn nhã nhưng lương thấp. Anh cứ thế túc tắc qua ngày, đến tháng đưa đủ tiền lương cho vợ là xong. Từ ngày mất việc, anh thường la cà mấy quán cà phê rồi gia nhập hội “mơ trúng số”.
Mỗi lần nghe tin có người trúng mấy trăm tỉ, anh lại mơ mộng đến lượt mình. Chị nhiều lần nói: “Dù có trúng thì cũng chẳng thể sống cả đời, đồng tiền kiếm được bằng sức lao động chân chính mới bền vững”, nhưng anh bỏ ngoài tai tất cả.
|
|
Khi chị tính toán từng khoản chi tiêu tết cho chồng xem, anh trở nên cáu gắt khó chịu (ảnh minh họa) |
Tết sắp đến, nhiều thứ phải lo, chị thúc giục chồng tìm việc để có tiền chi tiêu nhưng anh thủng thẳng nói: “Không có tiền thì ăn tết tiết kiệm thôi, đâu tốn bao nhiêu”. Chị lấy giấy bút thử tính toán cho chồng xem, không mua sắm gì nhưng cũng phải có đồ cúng đặt bàn thờ, làm mâm cơm tất niên rồi mua cho con bộ quần áo mới, chưa kể tiền lì xì cha mẹ đôi bên.
Những con số chị ghi ra trên giấy tổng cộng cũng phải hơn chục triệu đồng, số tiền không nhỏ với thu nhập của gia đình. Chị phân tích từng khoản cho chồng, anh trở nên cáu gắt: “Năm nay coi như... xé nháp, sang năm làm lại từ đầu, em cứ nói hoài đau đầu lắm”. Chị tự ái, không nói thêm lời nào nữa.
Một buổi sáng, sau khi nghe điện thoại của em trai, anh hốt hoảng gọi vợ: “Em đưa anh ít tiền về quê, cha bị ngã phải nhập viện”. Chị gom góp hết số tiền mình có đưa cho chồng. Cầm một xấp tiền lẻ chưa tới 700 nghìn đồng từ tay vợ, anh chỉ im lặng. Sau chuyến về quê, anh tất bật đi kiếm việc, anh nhận làm bảo vệ cho một công trình xây dựng làm xuyên tết. Dù chồng không nói ra nhưng chị biết, có lẽ anh đã nhận ra, có những điều không có thời gian để chờ đợi…
Theo phụ nữ TPHCM