leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Đợt nghỉ lễ vừa rồi, em ghé nhà tôi chơi. Tôi buột miệng hỏi thăm kiểu xã giao, rằng em đã chuẩn bị đầy đủ tập vở cặp sách cho con trai nhỏ đến trường chưa. Chỉ là câu hỏi bình thường vậy thôi, tự nhiên em đâm ra luống cuống, tay chân trở nên thừa thãi, mắt cụp xuống, lí nhí: “Ba nó lo. Có bao giờ đến lượt em!”.

Một khoảng lặng như có một chiếc cầu bắt giữa 2 chị em, tôi ngồi bên này, đợi em bước qua. Đã nói ra được câu đó nghĩa là ẩn ức đủ nhiều. Đàn bà nói riêng và con người nói chung không mấy người có thể ôm mãi một khối u uất nặng nề trong lòng. Buông bỏ hay không là một chuyện, nhưng thông thường người ta sẽ kể ra khi có dịp. Với em có lẽ đã đến lúc.

Em kể thật nhiều thật lâu về 15 năm lấy chồng. Đám cưới chưa bao lâu em nghén con gái đầu lòng, công việc văn phòng cách nhà chồng hơn 10km không thể tiếp tục. Rồi em sinh con, rồi con nhỏ, rồi bé thứ hai, lại nghén, rồi 2 con, rồi mẹ chồng tai biến…

15 năm em ở nhà, không có thời gian nghỉ ngơi, không có thời gian chăm chút cho bản thân. Không biết từ lúc nào, nhà giỗ tết em cũng không được đi mua sắm gì, chồng đổi xe em cũng không được biết, sửa nhà em lại cũng không được cho hay, ăn học thậm chí sắm sửa cho con em cũng không quyết được. Vì 15 năm ấy em không làm ra tiền!

Chồng cần mua gì, sẽ đưa em số tiền vừa đủ như đưa cho người giúp việc. Sắm sửa tí quần áo hay thi thoảng đi bệnh viện, em cũng không dám hỏi, vì nếu có hỏi chồng cũng nói không có! Em đành về nhà xin mẹ ruột. Lần nào cũng nghe những lời càm ràm, cả xót thương rơm rớm nước mắt của bà.

Câu chuyện của em không mới chút nào. Nhiều lần tôi đã nghe kể từ những người đàn bà quanh mình. Sau những câu chuyện đó luôn là những khuôn mặt buồn rười rượi, những kết luận về sự mỏng manh của tình yêu nơi đàn ông, là thân đàn bà khổ thế này thế kia, là lấy chồng giống đánh canh bạc, đánh ván bài…

Ngồi trước mặt em, tôi ước gì em hiểu và học thuộc thế nào là yêu bản thân. Yêu bản thân là luôn nỗ lực vun đắp làm tăng giá trị của mình. Có chồng có con, thai nghén, con nhỏ, con bệnh, làm xa, mất việc, việc nhà… thế gian này đâu chỉ em trải qua? Biết bao người đàn bà ngoài kia vẫn đi làm, vẫn chăm con, vẫn nỗ lực, vẫn tìm thấy niềm vui, vẫn chăm chút ngoại hình mà!

Không bàn đến tình yêu tình nghĩa gì ở người đàn ông em nói từng yêu thương, tin tưởng, hứa hẹn sẽ chăm lo cho em cả đời. Mọi lời hứa trên đời này cũng chỉ là dừng lại ở chỗ nghe, còn hiện thực như thế nào phải đợi mắt thấy. Trưởng thành rồi, chẳng lẽ em còn chưa biết điều ấy? Ngần ấy năm, khi mọi thứ đều thay đổi, kể cả tình yêu, em đã làm gì giúp cho bản thân có giá trị và nhận sự tôn trọng từ người khác?

2 chữ tôn trọng tôi muốn nhấn mạnh với em, cũng như với tất cả đàn ông đàn bà sẽ và đang yêu, đang có một cuộc hôn nhân. Hơn cả tình yêu, 2 chữ đó quyết định sự sống còn của một mối quan hệ, và tình yêu hôn nhân không ngoại lệ. Liệu người ta có thể nào yêu một người nếu không tôn trọng? Người ta có thể tôn trọng một người khi bản thân người đó không có chút giá trị nào?

Giá trị ở đây không hẳn là phải giỏi giang làm ra tiền. Giá trị ở đây không hẳn là phải đẹp xinh lộng lẫy. Giá trị đây không hẳn là phải đảm đang vén khéo trong ngoài. Nó có thể là lời nói, cách sống, suy nghĩ, tâm hồn… Chỉ cần sớm mai bước chân xuống giường hãy nhủ với lòng cố hết sức để có một ngày vui vẻ trọn vẹn, tự chủ, độc lập. Chỉ cần cảm thấy ngày hôm nay hơn ngày hôm qua, nghĩa là đang vun đắp giá trị cho chính mình.

“Hãy cởi bỏ cái áo nạn nhân ra đi em!”. Đó là câu tôi nói với em khi đưa cho em miếng bánh trung thu và chén trà nóng thơm lừng, khi ngoài kia mọi người có một ngày nghỉ thật đẹp. Hãy cởi chiếc áo nạn nhân ra, đừng mặc mãi cho mình, đừng oán trách sao bản thân không được yêu thương, không được tôn trọng, không được hạnh phúc, không được may mắn.

Chỉ cần nghĩ khác, làm khác, sống khác, em sẽ có một cuộc đời khác!

Theo phụ nữ TPHCM