Ba mẹ chồng tôi năm nay đều đã ngoài 70 tuổi nhưng sống rất cô quạnh vì tất cả các con đều đã dọn ra ngoài, thuê nhà trọ để ở. Nhiều năm qua bởi không ai chịu nổi tính gia trưởng, khắt khe hay bắt lỗi của cả ông lẫn bà.
|
Cha mẹ già sống thui thủi vì quá gia trưởng (ảnh minh họa) |
Tôi và chồng tôi kết hôn đã hơn 20 năm, các con tôi đều đã lớn, đứa học đại học, đứa đang phổ thông. Dù biết rằng cuộc sống ở trọ nuôi con ăn học rất chật vật nhưng mỗi lần nghĩ lại những việc đã qua, vợ chồng tôi lại gác ý định dọn về sống cùng để phụng dưỡng cha mẹ.
Chồng tôi giữ quan điểm: “Chúng ta cũng không ở quá xa, nên có thể chạy qua chạy lại mỗi ngày. Cuối tuần thì về ăn cơm, chuyện sau này tính sau”.
Tôi vẫn nhớ, ngày dẫn tôi về ra mắt gia đình, anh đã “cảnh báo” ba mẹ rất khó, nếu ông bà có nói gì thì em cứ dạ cho qua, vì chắc chắn sau khi cưới chúng ta sẽ dọn ra thuê nhà ở riêng. Dù không sống chung nhưng tôi vẫn bị áp lực từ phía cha mẹ chồng.
Tôi thường xuyên bị ông bà nhắc nhở, góp ý dù là chuyện nhỏ nhặt trong sinh hoạt hàng ngày, đến chuyện chăm sóc con cái, thậm chí ngay cả việc sử dụng Facebook cá nhân.
Mẹ chồng tôi để ý từng li từng tí, thấy tôi đăng ảnh mà bộ đồ không đẹp, cháu nội bà không xinh, bà đều gọi điện thoại góp ý. Ngày cuối tuần về ăn bữa cơm gia đình, bà cũng nhắc đi nhắc lại những chuyện ấy.
Dù biết, những lời góp ý của mẹ không có ý chê bai, nhưng tôi vẫn thấy không được thoải mái, luôn có cảm giác bị giám sát.
Từ ngày về làm dâu đến bây giờ, cha mẹ chồng luôn chê tôi vụng về, không giỏi chuyện bếp núc. Khi tôi sinh con đầu lòng, ông bà chê bai tôi không có đủ sữa mẹ cho con bú. Đã vậy, ông bà còn cấm tuyệt đối việc cho bé uống sữa bột. Ngày nào ông bà cũng sang nhà thăm cháu, nhưng chủ yếu để trong chừng để tôi.
Đến chuyện tiền nong cũng vậy, dù biết vợ chồng tôi phải thuê trọ, nuôi con nhỏ, nhưng hàng tháng ông bà đều bắt vợ chồng tôi phải hỗ trợ tiền sinh hoạt. Đi đâu, cần gì, ông bà lại gọi điện bảo chồng tôi đưa tiền, hoặc mua mang về. Cũng có lúc tôi thấy khó chịu, nhưng nghĩ lại tôi không để bụng vì chồng tôi rất hiểu chuyện, luôn biết dung hòa, đối xử đồng đều với gia đình cha mẹ 2 bên.
Chuyện vợ chồng tôi đã thấm thía gì so với chuyện của cô em chồng tôi. Vì quá uất ức, em chồng đã qua nhà, khóc rồi kể lể cho vợ chồng tôi nghe. Cô ấy kết hôn được hơn 3 năm, có 2 đứa con nhưng vẫn bị cha mẹ chồng tạo áp lực, buộc phải ly hôn với lý do không muốn bị liên lụy khi con rể làm ăn thua lỗ, vướng cảnh nợ nần.
Cả chục năm qua trôi qua, thấy con gái sớm hôm đi về lủi thủi một mình, nhưng ông bà chưa bao giờ ngừng đay nghiến, trách móc vì cho rằng con gái không biết chọn chồng, không biết khôn…
Không chịu nổi sự chì chiết đó, em chồng đã dọn ra ngoài ở trọ. Sau này, chồng cô ấy cũng quay về, vợ chồng đoàn tụ để cùng nuôi dạy con cái, nhưng em rể tôi thi thoảng lễ tết mới ghé về nhà cha mẹ vợ chơi và chỉ chốc lát thì đi ngay.
|
Dù thế nào, các con vẫn luôn cố gắng chiều ý cha mẹ (ảnh minh họa) |
Cũng chính vì sự tính gia trưởng khắt khe của ông bà, cho đến bây giờ, dù các con đã ngoài 40 tuổi nhưng không ai có quyền góp ý bất kỳ vấn đề gì. Mỗi khi có việc trong nhà, cha chồng tôi luôn gặt phăng ý kiến của các con. Ông thường chốt vấn đề: "Tụi bây biết gì mà nói!". Vậy nên các anh chị em chồng và cả chồng tôi đều răm rắp nghe lời mà chẳng cần phân định đúng sai.
Nhiều lần vợ chồng tôi nói chuyện với nhau về ông bà. Chồng tôi luôn nhẹ nhàng giải thích: "Từ nhỏ anh đã được dạy như vậy, sống như vậy. Bây giờ thì ai cũng trưởng thành, có cuộc sống riêng và cũng không có chuyện gì to tát để phải cãi lại hay làm trái ý cha mẹ. Cha mẹ già rồi, cứ dạ thưa cho ông bà vui. Khi trở về nhà, chúng ta vẫn sống cuộc đời của chúng ta, theo cách của chúng ta mấy chục năm qua".
Lần nào nghe anh nói, tôi cũng chỉ cười cho qua, bởi tôi biết mình cũng không thay đổi được điều gì cả. Hãy cứ vui mà sống cuộc đời của mình.
Theo phụ nữ TPHCM