Ảnh minh họa
"Em ốm nghén, bụng chửa vượt mặt vẫn phải dậy sớm, thức khuya giúp mẹ chồng mở cửa hàng ăn sáng mỗi ngày. Nhưng mẹ chồng lại chỉ lo hầm gà, hầm chim bồ câu bồi bổ cho chị gái của chồng em, mà không nghĩ gì đến con dâu đang bầu bí vất vả mới cần được san sẻ công việc hay tẩm bổ", Nguyễn Thương (23 tuổi, ở tỉnh Quảng Ngãi) ấm ức tâm sự.
Thương kể, chị chồng hơn cô 7 tuổi nhưng chưa lập gia đình. Hàng ngày chị đi làm về đã sẵn cơm em dâu nấu, nên chỉ việc tắm xong là ngồi vào bàn ăn. Ăn xong dù mâm bát có hôm rất nhiều, song chưa bao giờ chị giúp em dâu dọn bát đũa mà nằm dài trên ghế bấm điện thoại, khi thì xem phim rồi đi ngủ.
Ngày nào cũng vậy, chị chỉ dậy sớm 20 phút để vệ sinh cá nhân, uống sữa rồi đi làm. Chị mang cặp lồng cơm đến công ty nhưng không bao giờ tự lo xem ăn món gì, mà cứ em dâu nấu gì ăn đó, còn ba chồng luôn sốt sắng xem món nào con dâu nấu xong thì múc sẵn vào cặp lồng, rồi đem treo vào xe cho con gái.
"Có những chuyện lỗi không phải tại em nhưng vẫn bị mẹ chồng nói, khiến em rất ấm ức. Đó là khi chị ấy tắm gội xong, cống kẹt vì tóc rụng, lần nào em cũng phải dọn tóc cho chị. Có hôm em chưa kịp quét dọn nhà tắm, bị ba mẹ chồng nói rằng con dâu lười biếng, thấy bẩn không dọn còn phần cho ai? Trong khi chính con gái họ mới là người lười biếng, ăn ở bẩn thỉu", Thương bức xúc.
Chưa hết, ăn xong món gì, chị chồng ngồi ở đâu là để nguyên tô chén, vỏ trái cây ở đó. Chị không bao giờ tự dọn, không tự giác làm việc nhà. Thương cho biết: "Có ngày em bị mệt, nói với chồng để anh ấy nhờ mẹ nhắc chị giúp em dọn bát một hôm, vậy mà mẹ chồng quát ầm lên: Vợ chồng mày ở cùng nhà mà không có tình cảm chị em được à? Cứ so đo, tính toán ngay cả với chị mình?".
"Nhiều khi em cũng thấy bất bình vì bố mẹ chồng phân biệt giữa con gái và con dâu quá mức. Lúc mới về nhà chồng, sáng 4h30 em đã phải dậy đi dọn hàng ăn sáng ở chợ gần nhà, phụ mẹ chồng tới 6h30. Sau đó em về nhà phơi đồ, lau nhà, rửa chén, nấu ăn sáng cho bố chồng, chị chồng và chồng ăn. Xong hết việc em mới được đi làm là đã 8h", Thương tủi thân, ứa nước mắt nhớ lại.
Trong khi đó, chị chồng nằm ngủ như không hề hấn gì, chẳng ai dám kêu chị dậy giúp việc nhà. Lúc Thương mang bầu hơn 3 tháng, sáng nào cô cũng vẫn phải dậy sớm dọn hàng, bưng bê nặng nhọc rồi về nấu ăn sáng, việc nhà lu bu. Hôm đó, ba chồng về quê có việc, cô nghe mẹ chồng than thở: "Chị mày là đứa tội nghiệp nhất nhà, khổ thân nó". Cô bất giác hỏi lại: "Mẹ nói sao ạ?". Mẹ chồng bảo: "2 ngày nay ba mày về quê đi đám tiệc, không ai múc cơm mang treo vào xe cho chị, nên 2 hôm nay chị mày đi làm không có cơm ăn, nó phải mua hộp miến xào mang tới công ty, mà để tới trưa thì nguội lạnh, nở hết ra thì sao nó ăn nổi?".
Càng nghe mẹ chồng lý giải, cô càng tủi thân cho mình, bụng mang dạ chửa, ốm nghén, ăn bữa được bữa không nhưng nhà chồng chưa ai hỏi xem cô ăn uống thế nào? Mỏi mệt ra sao? Nhiều ngày đi làm về mệt hoa mắt, thấy mẹ chồng hầm cháo chim, gà tần, cô tưởng mẹ bồi bổ cho con dâu đang bầu bí, hoá ra chỉ mình chị chồng được ăn. Mẹ chồng bảo: "Chị đi làm cả ngày, thi thoảng phải bồi bổ cho chị có sức khỏe, nhỡ ốm đau ra đây thì không còn ra người ngợm gì".
Sau khi Thương sinh con, chỉ được nghỉ ngơi 2 tuần. Mọi việc nhà, chăm con, phụ dọn hàng cho mẹ chồng cả sáng và chiều của cô lại nhanh chóng diễn ra như thường. Trong khi chị chồng vẫn ngủ bảnh mắt mỗi sáng, đi làm về ăn xong bỏ nguyên bát đĩa để bấm điện thoại, mà không hề giúp em dâu trông cháu hay dọn mâm bát, nhà cửa, dù em dâu vừa sinh xong, sức khoẻ còn yếu. "Có sáng con quấy khóc quá, em nhờ chị phơi quần áo giúp thì chị quát: "Mày là ba mẹ tao hay sao mà dám sai bảo?". Vậy là em tự ẵm dỗ con, vừa nấu ăn, vừa phơi đồ, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước bình thường. Từ đó về sau, em không bao giờ dám nhờ chị chồng giúp việc gì", Thương khẽ thở dài.
Năm nay chị chồng đã 30 tuổi nhưng chưa thấy chị có người yêu. Cô chỉ mong chị sớm đi lấy chồng để cô bớt ức chế khi sống ở nhà chồng. "Em không muốn nói xấu chị chồng, bởi lúc mới về nhà chồng, em cũng thân thiết với chị lắm, song càng ngày em càng thấy khó chịu khi sống chung với chị chồng. Dần dà em không còn muốn nói chuyện hay chia sẻ gì với chị nữa. Dù vậy, em chưa bao giờ hỗn hào hay nói gì nặng lời với chị, em chỉ ấm ức vậy thôi. Dù sao, em còn có chồng, con bên cạnh là niềm động viên, an ủi, xoa dịu mọi nỗi tủi hờn trong cuộc sống", cô bộc bạch.
Bảo Thiên (ghi)