"Anh thấy mẹ nhờ mua cái gì là em bảo chỗ ấy bán hết hàng. Em tệ vừa phải thôi!”. Nghe mẩu đối thoại giữa em trai và em dâu, tôi rất buồn và tức giận.

Em dâu tôi hay mệt mỏi sau giờ làm
Em dâu tôi hay mệt mỏi sau giờ làm ( Ảnh minh họa)

 

Thủy là con nhà nông lại lớn hơn em trai tôi 2 tuổi, lẽ ra em phải chu toàn, thạo việc. Đằng này, em chỉ biết đến mỗi việc cá nhân. Vị trí của em là phụ trách mảng truyền thông cho một showroom ô tô ở thị trấn. Công việc “bàn giấy” đâu có gì quá nặng nhọc mà sao ngày nào em cũng mang sự mệt mỏi, ê ẩm về nhà.

Những ngày em đi làm về muộn, mẹ tôi đã nấu sẵn cơm. Đến giờ ăn, không bữa nào Thủy xởi lởi, tự giác đi dọn cơm, sắp mâm. Ăn xong, em cũng ngồi yên trên ghế, chụp lấy điện thoại lướt nét, nhắn tin, chờ em trai tôi nhắc mới uể oải đứng dậy thu dọn, rửa bát. Căn phòng ngủ của vợ chồng em đặt ở vị trí đầu hồi, cửa sổ trổ ra một khoảng sân có tán bưởi vươn mình mát rượi. Tôi nhiều lần bắt gặp những vỏ bánh, hộp sữa mà vợ chồng em ăn đêm rồi tiện tay vứt ngay ra gốc cây, rất bừa bãi.

Ở nhà chồng, bộ dạng em dâu lúc nào cũng “thiếu sinh khí” thế mà mỗi lần nhà ngoại có việc gì, Thủy lại “nhảy số”, trở nên tháo vát bất ngờ. Em không những chi tiền sắm sửa đầy đủ mọi vật dụng cho gia đình bên đó, mỗi lần các cháu ở xa về Thủy đều quà cáp, biếu tiền chẳng chùn tay. Mấy kỳ giỗ chạp trong năm, em xin cắt phép ở cơ quan chạy chợ, nấu nướng không thiếu món gì. Đến ngày mùa, tháng gặt, em cũng thúc giục, “đọc lệnh” cho chồng thu xếp công việc về ngoại phụ giúp.

Chỉ cần người chồng đủ trưởng thành, người vợ cũng sẽ dần hoàn thiện ( Ảnh minh họa)
Chỉ cần người chồng đủ trưởng thành, người vợ cũng sẽ dần hoàn thiện (ảnh minh họa)

 

Trong một lần ghé về thăm nhà gần đây, chứng kiến sự ỷ lại, thụ động của em dâu ở nhà mình, tôi bực bội nói riêng với mẹ: “Con thấy Thủy chỉ xem nhà chồng là nhà trọ. Sáng đi, tối về, em chỉ có mặt ở đây qua loa chứ chẳng hề đổ công sức vun vén”.

Tôi cứ tưởng những tâm sự của mình sẽ khiến mẹ đồng tình mà tuôn ra những tràng dài ấm ức, trách cứ. Ai ngờ, mẹ tôi chỉ chậm rãi phân trần: “Có thể em Thủy vẫn còn nhiều thiếu sót trong cư xử. Việc đối đãi thế nào cho cân bằng, hợp lý giữa hai bên nội ngoại em vẫn chưa có kinh nghiệm. Thế nhưng, mẹ nghĩ lý do sâu xa có lẽ là do Thủy chưa đặt đủ niềm tin ở em trai con. Thủy chưa xem đây là nhà vì thằng Bảo lấy vợ rồi mà tính tình vẫn còn lông ba lông bông, rất sĩ diện. Người phụ nữ chỉ cần lấy được một người chồng đủ trưởng thành thì theo thời gian, tự thân họ sẽ điều chỉnh những thiếu sót”.

Nghĩ lại lời mẹ, tôi thấy có nhiều phần đúng. Bảo em trai tôi năm nay 27 tuổi, làm công cho một xưởng cơ khí của người bác họ ngay trong làng. Vì cơ sở nhỏ nên công việc không duy trì xuyên suốt quanh năm. Thường em sẽ bận vào mùa hè và những tháng giáp Tết, còn mùa mưa, dịp Giêng Hai, thu nhập, công việc chỉ lai rai. Những ngày rảnh rỗi, Bảo tụ tập, ngồi đàn đúm với những thanh niên chưa vợ trong làng, hút thuốc, bật nhạc sàn, hát karaoke…

Dạo gần đây, Thủy hỏi han, sắp xếp xin cho Bảo nộp hồ sơ vào một công ty đang tuyển dụng ngay gần chỗ em làm. Thủy vẽ ra viễn cảnh sáng vợ chồng chở nhau đi làm, chiều lại cắp nhau về rất bận rộn, hạnh phúc. Thế nhưng, mãi Bảo vẫn lừng khừng chưa chịu xuôi. Em bảo không muốn phụ thuộc, làm công việc mà vợ sắp đặt. Trong cuộc sống thường ngày, Bảo vẫn trẻ con. Ngay cả nói năng, trò chuyện, em ít khi ngồi lại cùng vợ chia sẻ đến nơi đến chốn về những khó khăn, bất hòa mà chỉ thường xuyên vẽ thêm phiền phức bằng những câu nói gây ức chế.

Về phần tôi, chốt lại cuộc chuyện trò, mẹ khuyên: “Bất cứ điều gì trong cuộc sống, ta nên tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Mẹ nói thêm, chừng nào tôi vẫn là tôi, tuy lấy chồng xa nhưng lòng vẫn luôn hướng về quê ngoại, thì em dâu trong khoảng thời gian làm dâu ngắn ngủi vẫn còn sai sót, lúng túng cũng là chuyện thường tình.

Tôi thấm lời, thầm mong em trai sớm thay đổi, mong tấm lòng bao dung của mẹ sẽ khiến Thủy dần cảm thấy nhà chồng cũng ấm áp, gần gũi, gắn bó như nhà mình.

Theo phụ nữ TPHCM