Cuộc hôn nhân này khiến cô quá kiệt quệ. Ban đầu cô rất hạnh phúc, đinh ninh rằng sẽ sống tốt với chồng.

"Tôi cứ nghĩ chỉ cần mình cố gắng làm thật tốt, hôn nhân sẽ ổn thỏa. Nhưng đối mặt với mẹ chồng tham lam vô lý, tôi thực sự không còn biết phải tính cách nào để giải thoát cho nhẹ nhõm ngoài cách ly hôn", người phụ nữ ấy viết.

cuoc hon nhan

Cuộc hôn nhân này khiến tôi quá kiệt quệ (Ảnh minh họa: Sohu)

Ngày mới về làm dâu, như nhiều nàng dâu khác, cô rất háo hức với cuộc sống mới và hết sức để ý đối xử tốt với mẹ chồng. Cô nghĩ dù sao cũng đã là người trong nhà, mẹ chồng lại là người sinh ra chồng cô, đối xử với bà tốt sẽ thuận lợi mọi bề.

Cô thậm chí còn có phần đối xử với mẹ chồng tốt hơn với mẹ ruột. Cô hy vọng gia đình chồng có thể nhìn thấy điều đó mà ghi nhận. Nhưng trái với mong muốn cầu thân của con dâu, mẹ chồng cô rất giữ khoảng cách, giữ "cái uy" của một bà mẹ chồng. Bà coi việc con dâu chăm sóc, lấy lòng mình là một chuyện đương nhiên nó phải làm không có gì mà cần tỏ ra cảm kích.

"Dần dần tôi cảm thấy rất mệt mỏi khi mối quan hệ này chỉ có một mình tôi cố gắng. Chủ đề mẹ chồng tôi yêu thích nhất là tiền. Mỗi khi nói đến tiền mà bản thân được lợi, bà sẽ rất vui.

Nhưng tôi không thể luôn luôn chạy theo đáp ứng những mong muốn vật chất của mẹ chồng. Tôi quà cáp tặng bà không thiếu thứ gì, bộ bàn ăn bà kê có đến cả đời người trong bếp tôi cũng đã bỏ tiền riêng ra thay, tôi cho em trai chồng tiền mua xe máy đi học... Vậy nhưng, chỉ cần mong muốn nào của mẹ chồng bị tôi từ chối, bà sẽ lập tức khó chịu, chê con dâu ích kỷ.

Gần đây bà thường xuyên trách tôi chỉ biết có bản thân mà không thu vén cho chồng. Chuyện là cách đây khoảng 2 năm, bố mẹ đẻ tôi cảm thấy các cháu ngoại đang dần lớn, trong khi các con lại không có khả năng mua nhà, nên ông bà quyết định đi mua một cái nhà, cho gia đình riêng nhỏ bé của tôi có thể dọn đến ở khi bọn trẻ lớn hơn cần có không gian riêng.

Tạm thời căn nhà vẫn đang cho thuê kiếm thêm đồng ra đồng vào cho vợ chồng tôi mỗi tháng. Tôi có thể sống xởi lởi được với nhà chồng cũng một phần nhờ vào thu nhập thụ động đó.

Vậy nhưng mới đây, khi biết tôi có nhà bố mẹ cho, mẹ chồng hay dò hỏi ngôi nhà đứng tên ai. Biết bố mẹ chưa sang tên nhà cho tôi, mẹ chồng có ý giục tôi về bàn với bố mẹ chuyện sang tên nhà.

Tôi hiểu bà sợ con trai không có phần khi tài sản đó trên danh nghĩa vẫn là của bố mẹ tôi. Nhưng tôi nói với bà, bố mẹ đã hứa cho tôi rồi thì trước sau gì cái nhà cũng là của tôi, tôi không muốn thúc giục bố mẹ phải sang tên ngay nhà.

Mẹ chồng tôi thì muốn chắc chắn, ép tôi bằng được. Nhiều lần tôi gạt đi, bà bực dọc nói: "Nếu không sang tên thì bán cái nhà ấy đi, vợ chồng con mua cái nhà khác đứng tên hai đứa cho thuận vợ thuận chồng". Bà bảo tôi ích kỷ không muốn cho chồng cùng hưởng của hồi môn.

"Bây giờ anh chị vẫn đang sống nhờ trong nhà của tôi, ăn cơm nhà tôi, tôi nói sao chị nên nghe vậy. Con gái đi lấy chồng là người của nhà chồng rồi, đừng nên có lòng riêng. Nếu là người thân thực sự, nhìn em trai chồng sắp lấy vợ chưa có nhà lẽ ra chị cũng cần xắn tay cùng lo lắng. Đằng này, tôi không đòi hỏi. Nhưng còn chồng chị, chị không nghĩ đến nó hay sao", bà đã nói chuyện căng thẳng với tôi tới mức đó.

Tôi cảm thấy mẹ chồng cực kỳ vô lý. Tại sao cứ phải nhất quyết cái nhà đứng tên cả chồng tôi mới là tôi biết nghĩ đến anh ấy!

Hồi nào tới giờ, chúng tôi vẫn sống tốt khi mẹ chồng chưa biết chuyện tôi có nhà do bố mẹ mua cho. Không lẽ căn nhà ấy không sang tên tôi thì sau này chồng tôi sẽ không có chỗ ở hay sao, trừ phi là mẹ chồng cứ tính phương án vợ chồng tôi ly dị.

Từ khi bà biết chuyện, mọi thứ cứ lộn xộn hết lên. Buồn lòng nhất là chồng tôi nghe mẹ tỉ tê, cũng quay sang nghĩ tôi có lòng riêng và đòi tôi chứng minh tình yêu với anh ấy bằng cách sang tên ngôi nhà, điền thêm tên anh ấy vào giấy tờ sở hữu.

Tôi rất hối hận vì lúc đầu đã chọn về chung sống với mẹ chồng. Ngày đó tôi cứ nghĩ về chung sống sẽ giúp mình gần gũi với gia đình chồng hơn, ở riêng xa cách, tôi khó lòng có được tình cảm yêu thương của họ. Giờ xem ra vẫn chỉ một câu là đúng: Khác máu tanh lòng.

Tôi có cố gắng thuận ý mẹ chồng mười, thì chỉ cần một điều trái ý cũng khiến công vun đắp tình cảm đổ sông đổ biển. Bây giờ tôi không chỉ cãi nhau với mẹ chồng mà còn phải cãi nhau cả với chồng. Thực sự mệt mỏi, tôi đã đệ đơn ly hôn.

Điều nực cười là sau khi tôi đệ đơn ly hôn, chính mẹ chồng lại là người thay đổi sắc mặt. Bà nắm tay tôi, mắt rơm rớm như sắp khóc, bảo bà coi tôi như con gái ruột, tại sao tôi lại muốn rời bỏ nhà chồng. Hay chồng tôi làm gì có lỗi với tôi chăng...

Ở với nhau 5 năm, tôi đã nhìn thấu mẹ chồng. Bây giờ bà đang nhập vai diễn mèo khóc chuột. Thấy miếng mỡ trong miệng sắp bay ra ngoài mới mở lời ngọt nhạt khuyên tôi ở lại. Tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi khi sống mà phải diễn thế này".

Sau khi nghe câu chuyện, các thành viên diễn đàn khuyên cô nên kiên quyết nói với mẹ chồng, cho dù cuộc hôn nhân của cô có kết cục thế nào, ngôi nhà vẫn sẽ mang tên bố mẹ cô, để xem thái độ mẹ chồng liệu có tiếp tục thay đổi.

Với một bà mẹ chồng có tâm địa tham lam, cô nên tính chuyện tách xa mẹ chồng ra, hạn chế giao tiếp thân tình.

"Chồng bạn cũng có thể bị mẹ chồng ảnh hưởng nếu hàng ngày nghe những lời mẹ tỉ tê. Nếu không thể khiến chồng tỉnh ngộ, thà là mất mái ấm này, vì họ không phải gia đình, tất cả những gì họ quan tâm là nhà của bạn chứ không phải bạn", cư dân mạng bình luận.

Theo giadinhonline.vn