Kính gửi chị Hạnh Dung,
Tôi ly hôn từ lâu, đi làm nuôi con gái. Năm nay con 19 tuổi, đang học đại học. Điều kiện gia đình không dư dả nên tôi xin cho con vô ở ký túc xá của trường, ở Thủ Đức, cuối tuần mới về nhà. Mấy lần con nói muốn ra thuê nhà ở để thoải mái hơn, nhưng tôi không đồng ý vì tiền thuê nhà mắc.
Mới đây, con nói đã tìm được nhà và có bạn ở ghép, đã dọn ra khỏi ký túc xá. Về thăm nhà có 1 buổi sáng, con kể đã tìm được việc làm thêm, lương rất khá, đủ tiền tự trang trải việc thuê nhà và sinh hoạt. Tôi muốn lên coi nhà thuê ra sao, con hẹn khi nào rảnh sẽ về chở mẹ đi. Mấy tuần sau đó con cũng chưa đưa tôi đi. Tôi hỏi qua đứa bạn học thân với con, thấy nhiều chỗ không yên lòng. Tôi phải ra tới ký túc xá tìm gặp bạn con hỏi chuyện.
Hình như con gái tôi làm “con nuôi” cho một ông “cha nuôi” nào đó. Ông này chu cấp tiền bạc, thuê nhà cho con. Gần đây con gái hay bỏ lớp, không tập trung vô học hành, cũng không đi chơi với bạn cũ. Tôi nghĩ chắc là do người đàn ông “cha nuôi” kia đưa đi chơi nên con bỏ bê chuyện học. Tôi sốc quá. Nghe bạn con nói bây giờ đang có trào lưu “bố đường”, “cha nuôi” gì đó. Tôi biết chỉ là đàn ông trả tiền mua thân xác phụ nữ thôi chứ cha con gì.
Tôi đã gọi điện kêu con về nhà để nói chuyện, nhưng nó hẹn cuối tuần mới về. Mấy bữa nay tôi suy sụp, không biết sẽ nói gì với con, làm sao để kéo con ra khỏi con đường đó? Con gái tôi xinh xắn, cao ráo, tôi mơ ước nuôi con khôn lớn, trưởng thành, có nghề nghiệp và thu nhập ổn định để khỏi phải vất vả như tôi, nào ngờ đâu… Xin chị chỉ cho tôi với.
Thu Vân (TPHCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Chị Thu Vân thân mến,
Người mẹ nào ở trong hoàn cảnh chị cũng sốc. Nỗi đau này không chỉ là chuyện đứa con gái mình nâng niu, chăm bẵm nay bị kẻ có tiền bỏ tiền ra mua, mà còn là chuyện tương lai của con mình bị hủy hoại. “Bố đường”, “cha nuôi” nay là cách gọi loại đàn ông bỏ tiền chu cấp để nuôi bồ như nuôi con. Đó là gái bao, là bồ nhí, chỉ không gọi thẳng ra mà thôi.
Một thiếu nữ chưa có nhiều kinh nghiệm sống dễ bị lừa gạt, bị mờ mắt trước những món quà, số tiền từ tay những người đàn ông sành sỏi. Vậy nên, điều đầu tiên có lẽ chị phải chấp nhận đó là đối mặt với thực tế, chấp nhận thực tế. Con mình đã lớn, con cũng phải chịu trách nhiệm về những việc con làm.
Lúc này, chị đừng vội kết tội con (vì cũng có trường hợp đó là mối quan hệ tốt, dù có lẽ rất hiếm), đừng la mắng, nhất là đừng đưa ra tối hậu thư kiểu có “cha nuôi” thì không có mẹ. Nếu chị làm vậy, mọi chuyện sẽ có thể tệ hơn.
Mục tiêu của mình bây giờ là giúp con thoát khỏi cha nuôi. Chị nên khéo léo, nhẹ nhàng nói chuyện với con, nghe con nói. Trong mối quan hệ này, các cha nuôi dùng tiền bạc, quà cáp tặng cho các cô gái trẻ để đổi lại tình cảm, quyền sở hữu và tình dục.
Từng bước từng bước một, chị chỉ cho con biết những món quà đó chỉ là chuyện đổi chác, người ta coi mình như món đồ mà thôi. Nếu vợ của “cha nuôi” biết chuyện, đánh ghen, nếu con phải bỏ học… thì hiện tại của con, tương lai của con sẽ thế nào.
Mai mốt đây, lúc con gặp người con yêu thương, những gì xảy ra ngày hôm nay sẽ thành một gánh nặng quá khứ có thể làm tan nát trái tim. Chị cần đến tận căn nhà con gái thuê, xem thử con ở ghép với ai. Nhiều nữ sinh viên bị môi giới dẫn dụ vào đường dây. Chỉ có tấm lòng, sự kiên trì của người mẹ mới có thể giúp con thoát ra khỏi cuộc sống đó.
Bản chất của mối quan hệ với “cha nuôi” là hợp đồng, chị cần giúp con chấm dứt hợp đồng trước khi quá muộn, trước khi mối quan hệ ấy biến tướng sang hình thức khác.
Nếu chị bình tĩnh, khéo léo trong việc này, khi trở ngại xuất hiện bên cạnh con gái nuôi, phía “cha nuôi” thường sẽ rút vì sợ lộ chân tướng, lộ quan hệ. Lúc đó, mình cần bên cạnh con để giúp con tiếp tục việc học, chấp nhận khó khăn, nỗ lực vì tương lai. Mong chị bình tâm để giúp con.
Theo phụ nữ TPHCM