Sân nhà văn hóa tỉnh vào lúc 5 giờ sáng là “địa bàn hoạt động” của lứa tuổi U50 – U60 vì trong sân lắp sẵn hơn 20 máy tập thể dục. Người chạy bộ, người xoay eo, gập bụng… Người này tập một lát thì đổi sang máy khác cho người kia tập. Dù chẳng phân chia, nhưng mọi người ngầm quy định, dãy máy phía trái thuộc cánh mày râu, phụ nữ phía bên phải. Dù gì cũng là phụ nữ, lúc gập bụng, xoay eo có đàn ông bên cạnh nhìn ngó cũng kỳ.
Tập khoảng một giờ, cánh phụ nữ rủ nhau đi ăn sáng, uống cà phê, rồi đi chợ. Chi phí cà phê thì hôm nay chị trả, mai tới phiên tôi, miễn sao chị em cùng vui vẻ. Ai đó có chuyện, mọi người xúm lại an ủi, sẻ chia. Tuổi này mà có hội chị em bên cạnh, muộn phiền cũng vơi bớt.
Già thì già, máu nhiều chuyện của phụ nữ vẫn còn nguyên. Đàn ông đi qua, đám phụ nữ xầm xì anh này đẹp trai, phong độ. Anh nọ không mập lắm mà cái bụng như thùng nước lèo, chắc hồi trẻ bia rượu dữ lắm…. Chị em bàn tán rồi cười giỡn với nhau, tập mới nhanh hết giờ.
Rồi bữa anh kia kéo cả đám đàn ông sang nói: "Mấy chị cho tụi tui đi cà phê ké. Cái sân có nhiêu đâu mà chia phe này phe kia, xa cách quá". Cánh phụ nữ gật đầu. Có đàn ông, các chị cũng ý tứ hơn, không dám giỡn quá đà.
Rồi anh Nam để ý thương chị Hồng. Chồng chị Hồng mất đã lâu. Bốn đứa con chị đều lập nghiệp ở xa. Anh Nam thì ly hôn vợ hơn chục năm. Lúc vừa xong thủ tục thì vợ anh bị tai biến. Anh Nam chẳng đành bỏ mặc vợ cũ nên lăn lóc chăm chị ở bệnh viện cả năm trời. Sau này, bệnh tình chị ổn định, anh về vườn cất căn nhà cấp bốn và hơn chục phòng trọ cho thuê. Vợ cũ của anh đã có con gái út chăm nom.
Anh Nam và chị Hồng xác định chỉ làm bạn với nhau chứ không kết hôn. Thỉnh thoảng người này qua nhà người kia nấu nướng, chăm nhau khi đau ốm. Sống vậy cũng đủ vui, họ không tính chuyện xa hơn…
|
"Cô là ai mà ở trong nhà ba con vậy?" - (Ảnh minh họa) |
Rồi bữa, các con anh Nam sầm sập kéo tới nhà anh giữa lúc chị Hồng đang tíu tít nấu cháo gà, anh Nam thì đang nhặt rau. Cô gái lớn chỉ mặt chị Hồng: “Cô là ai mà ở trong nhà ba con vậy? Má con không đánh ghen được thì đã có tụi con”.
Cô út chanh chua: “Cô định cướp tài sản của ba con hả? Cô đừng hòng, còn tụi con ở đây”…
Chị Hồng bẽ bàng, lặng lẽ rút lui. Anh Nam nhắc tụi nhỏ "ba mẹ đã ly hôn rồi". Nhưng nói kiểu gì đám con cũng không nghe. Hôm sau, cô út đưa mẹ tới nhà, thẳng thừng: “Từ nay ba chăm mẹ, để ba rảnh quá mắc công sinh tật”.
Tuổi gần 70, anh Nam không đủ sức cõng vợ cũ đi vệ sinh, tắm rửa. Anh chỉ có thể gắng sức lật vợ qua phải qua trái để lau rửa. Nhiều bữa anh thay quần áo cho vợ xong thì bầy con tới xem chừng. Cô út kêu: “Ba bạc đãi má, để má hôi rình”. Cô gái lớn nhìn ra cảnh ông già hổn hển lật vợ sang bên nên nói: “Ba già rồi, chăm má gì được. Út đưa má về đi. Út hưởng căn nhà lẫn tiệm mỹ phẩm của má thì phải nuôi má”. Cô út nghe nói tới tài sản liền nín thinh, không dám cãi.
Rồi anh Nam cũng đi tập thể dục trở lại. Ngang qua chỗ chị Hồng, anh nhìn chị tha thiết. Chị Hồng thấy anh gầy nhom cũng xót lòng xót dạ, nhưng chị cúi mặt, không dám chạm mắt anh…
Cánh phụ nữ thở dài, xót xa tình cảnh của hai bạn già. Mọi người bỏ dở buổi tập, bày kế giúp anh chị, khuyên anh Nam phải họp đàn con, trình bày ý nguyện. Tài sản nên chia đâu đó rõ ràng để tụi nhỏ khỏi lấn cấn…
Anh Nam còn chưa kịp bàn bạc gì với đám con thì bữa cô út chạy xe cái ào vào sân thể dục, liếc chị Hồng sắc lẹm. Ngang qua chỗ anh Nam, giọng cô gay gắt: “Ba tập nhanh rồi về, đừng có đi lung tung à”.
Cánh phụ nữ thở ra. Đời thuở nào con theo canh cha như thể má canh con gái. Thời thế đảo ngược rồi, con đặt đâu cha mẹ ngồi đó. Không đặt là không được ngồi…
Mai này anh Nam có đau ốm, không biết có đứa con nào về chăm, hay sẽ thuê người giúp việc? Hoặc cũng có thể lúc đó mới nghĩ tới chị Hồng, cho chị cơ hội? Cha mẹ cực khổ cả đời, tuổi già, họ cần được sống vui, sống theo ý thích, miễn không trái luân thường đạo lý. Con cái nên ủng hộ, vun vào. Đừng đặt cha mẹ vào thế khó, “ngồi” ở chỗ chông chênh và quạnh quẽ, tội cho tuổi già của mẹ cha.
Theo phụ nữ TPHCM