Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng tôi có 2 đứa con gái vừa ngoan vừa xinh, thông minh, nhanh nhẹn. Đứa lớn lấy chồng đã lâu, đứa em năm nay ngoài 30 tuổi vẫn chưa nghĩ tới chuyện lấy chồng.
Con rể tôi thuộc dạng thụ động, chỉ biết đi làm rồi về, chẳng tháo vát trong ngoài như người ta. Cũng may, con tôi đi làm thu nhập tốt nên kinh tế gia đình không đến nỗi. Nhiều lần thấy 2 đứa nó lục đục, con gái bức xúc chuyện chồng ù lì an phận, tôi vẫn tìm cách khuyên con giữ hòa khí trong nhà.
Vậy mà bây giờ vợ chồng nó sắp bỏ nhau. Nghe kể, con rể tôi có quan hệ ngoài luồng. Cô gái kia dù tuổi trẻ nhưng không hiền lành. Cô ta đã mang cái bầu đến tận cửa để đòi chồng. Con rể tôi thừa nhận, nhưng nó bảo bị gài bẫy. Với cái kiểu dại gái của con rể, tôi nghĩ cũng có khả năng như vậy.
Con rể cũng chỉ biết lúng búng xin lỗi rồi thôi chứ cũng chẳng có động thái gì để giải quyết rốt ráo. Con gái tôi không chấp nhận, nhất quyết đòi ly hôn và nuôi con. Cả 2 chị em nó đều không nghe tôi, nói tôi cổ lỗ sĩ rồi, phải để chúng được quyết theo ý mình, được sống cuộc sống của mình.
Tôi thật rối trí quá. Đang mong con gái út lập gia đình, nay chị nó cũng ly hôn thì sau này phải làm sao? Xin chị cho tôi lời khuyên.
Thùy Lê (Quảng Nam)
|
Ảnh minh họa |
Chị Thùy Lê thân mến,
Là một người mẹ, chị mong muốn giữ gia đình toàn vẹn cho con gái. Nhưng thử đặt mình vào vị trí của con gái, chị sẽ thấy sự toàn vẹn đó chưa chắc đã có ý nghĩa.
Chừng đó năm gắng gượng “bù trừ” cho một anh chồng thụ động, mọi thứ trong ngoài phải lo gánh vác, con gái chị chắc đã mệt mỏi rồi. Nay tự nhiên có thêm người thứ ba và 1 đứa con ngoài giá thú, trong khi chồng cũng thừa nhận và không có động thái níu kéo hay hàn gắn gì thì con chị càng thất vọng, không còn niềm tin vào cuộc hôn nhân ấy nữa.
Khó có người đàn bà nào giữ được lòng tôn trọng đối với chồng sau chừng đó thứ. Không tôn trọng nhau, sống với nhau là một cực hình.
Do vậy, nếu thương con, chị nên nghĩ cho con. Đừng cố hàn gắn một cách cưỡng ép, bắt con phải tiếp tục chịu đựng. Hôn nhân là chuyện của 2 người trong cuộc, mình có yêu thương, lo lắng đến đâu đi nữa cũng khó có thể hiểu hết và quyết định thay được.
Chị có thể gần gũi, nói chuyện thân tình với con, gợi mở cho con nói hết suy nghĩ trong lòng; phân tích thiệt hơn với con, rồi để con quyết định. Con quyết thế nào, chị cũng hãy đứng về phía con, vì hơn lúc nào hết, con đang đau khổ và cần một chỗ dựa như chị.
Lúc này, điều chị cần làm là đóng vai trò hậu phương của con, lắng nghe con, ủng hộ con, bảo bọc các cháu, để vết thương từ vụ đổ vỡ này không làm con, cháu chị quá tổn thương.
Thời bây giờ, quan niệm xã hội đã cởi mở hơn, không còn những định kiến nặng nề về việc con gái lấy chồng muộn hay là ly hôn. Nếu có, chị cũng nên là người che chắn cho con trước những miệng lưỡi thế gian, giúp con đứng vững và tiếp tục cuộc sống, công việc.
Chuyện con gái thứ hai chưa lập gia đình là một chuyện khác, chị đừng gắn chúng làm một rồi gây áp lực với con, tự tạo áp lực cho mình. Điều đó chỉ làm mọi thứ thêm rối ren, tình cảm mẹ con sứt mẻ chứ không giải quyết được gì.
Hãy để cô út cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ cùng chị gái. Từ chuyện của cô chị, cô em cũng sẽ có thêm kinh nghiệm khi yêu và chọn chồng. Phần chị, chị hãy bên các con để kịp thời nhẹ nhàng uốn nắn, định hướng khi con có suy nghĩ thiên lệch (chẳng hạn như quá nhẹ dạ cả tin hoặc quá ghét bỏ đàn ông). Chúc chị bình tâm thu xếp chuyện nhà và giúp đỡ các con.
Theo phụ nữ TPHCM