Đó là những người có con cùng trang lứa với con chị Mai, chúng phải tự kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí từ khi học cấp III. Đến khi lên đại học, những đứa trẻ ấy đã có thể phụ cha mẹ một phần học phí. Cha mẹ không mong đợi sự đóng góp của con cái, nhưng vẫn muốn con sớm tự lập.

Thời nay không thiếu việc cho mọi lứa tuổi, miễn là siêng năng, chịu khó. Từ các cửa hàng tiện lợi đến những quán cà phê, nhà hàng, quán ăn... rất nhiều điểm kinh doanh cần tuyển nhân viên phục vụ chẳng đòi hỏi bất cứ kinh nghiệm nào. Chưa kể, nếu bạn trẻ có đầu óc kinh doanh cũng dễ dàng làm chủ từ những việc ít vốn.

“Cũng xót con, nhưng kệ, cứ phải để cho tụi nó trải nghiệm với cuộc đời”, một trong những bà mẹ nói với Mai như vậy.

Riêng chị Mai vẫn giữ quan điểm phải theo sát con gái. Có lẽ một phần vì chị thương con thiếu hụt tình cha, phần khác vì xót con nên không nỡ để con sớm lo toan chuyện tiền nong.

Chị Mai ly hôn khi con tròn 3 tuổi. Chị đưa rước con từ mẫu giáo cho đến khi lên đại học, tưởng là “xong việc” rồi, ai ngờ, đến khi con gái đi làm, chị Mai vẫn đưa rước con đi làm mỗi ngày. Có những buổi con đi liên hoan cùng công ty, hay đi ăn tối với đồng nghiệp, chị vui vẻ ủng hộ con, nhưng vẫn đưa rước và tìm quán cà phê ngồi chờ vài tiếng cho đến khi con xong việc.

Đoạn đường từ nhà chị Mai đến công ty con gái làm hơn 20km, thỉnh thoảng đi thì không sao, nhưng đi mỗi ngày cũng thấm mệt, chưa kể hôm trời mưa gió, kẹt xe…

Sang năm thứ 2 con gái đi làm, chị Mai quyết định thuê nhà ở gần công ty cô con gái cho tiện đi lại.

Chị nói: “Nó có biết gì đâu, lại lười ăn uống, không ai lo cho là nhịn đói, đổ bệnh, lại khổ bản thân và cả mẹ”. Khăn gói theo con để cơm nước 3 bữa mỗi ngày, đồng nghĩa với chị Mai chẳng thể làm việc gì khác.

Có mẹ đồng hành trong mọi hoạt động, con gái mới thấy an tâm (ảnh minh họa)
Có mẹ đồng hành trong mọi hoạt động, cô con gái mới thấy an tâm (ảnh minh họa)

Bạn bè biết chuyện, nhắc chị buông con ra, để con còn có thời gian cho những mối quan hệ xã hội. Chị ngẫm nghĩ thấy cũng đúng, con gái đã đến tuổi hẹn hò, nhiều khi vì có mẹ đưa rước mà lỡ mất cơ hội gặp gỡ ở lứa tuổi đẹp. Nhưng khi chị đưa ý kiến thì con gái chị Mai tỏ ra không vui, thậm chí vừa sợ vừa ngại khi đi đâu không có mẹ. Có lần, cô gái từ chối đi tiệc sinh nhật ở công ty chỉ vì mẹ không đi cùng.

Trong chuyên môn, con gái chị Mai được nhận xét là năng động, đóng góp tích cực cho công ty, cuối năm còn được nhận phần thưởng dành cho nhân viên xuất sắc. Chị Mai rất vui và nhận thấy không có “phản ứng phụ” nào cho việc không để con tự lập, như nhiều người nói đến tai chị.

Đầu tháng rồi con chị Mai phải đi công tác nước ngoài. Cô gái về thủ thỉ với mẹ, muốn mẹ đi cùng, đương nhiên chị Mai không từ chối. Chuyến đi đó chị Mai phải bỏ tiền túi tốn kém và cũng bất tiện vì phải theo đoàn công tác của con. Người trưởng đoàn tỏ ra khó chịu vì công việc cần giải quyết kín lịch cho đến ngày về, không thảnh thơi gì cho các sinh hoạt khác.

Lần ấy, cả chị Mai và con gái đều rơi vào tình huống mắc cỡ khi ban tổ chức vặn vẹo hỏi, còn người trong gia đình nói ra nói vào. Chị dự định trở về nhà sẽ mạnh dạn buông tay, sống tách con ra, nhưng cứ nghĩ đến cảnh con bơ vơ một mình nơi phòng trọ, chị lại không đành lòng...

Theo phụ nữ TPHCM