Sau cuộc nói chuyện ở nhà cha mẹ, tôi về nhà với tâm trạng nặng trĩu. Tôi không biết sẽ nói với chồng thế nào, tôi lo anh nghĩ không tốt về cha mẹ vợ.

Vậy nhưng, khi tôi thông báo ông bà đồng ý cho vợ chồng tôi mượn tiền với điều kiện phải viết giấy xác nhận nợ, ghi rõ mức lãi suất và cam kết hàng tháng cùng thời hạn trả hết nợ... chồng tôi lại rất vui vẻ.

Anh nói: “Ông bà cho mình mượn là tốt rồi. Vả lại, như thế thì mình cũng đỡ áy náy khi cầm khoản tiền dưỡng già của ông bà”. Cách lý giải nhẹ tênh của chồng làm tôi trút được gánh nặng, lúc nghe cha mẹ thông báo tôi phải kỳ giấy nợ, phải trả lãi, tôi đã rất sốc.

Tôi bị sốc khi cha mẹ yêu cầu viết giấy vay nợ và trả lãi mới cho mượn tiền. (ảnh minh họa)
Tôi bị sốc khi cha mẹ yêu cầu viết giấy vay nợ và trả lãi mới cho mượn tiền (ảnh minh họa)

Gia đình tôi có 2 chị em gái, cha mẹ tôi đều làm nhà nước và đã nghỉ hưu, lương hưu của ông bà rất thấp. Vợ chồng tôi làm việc văn phòng cũng chỉ có mức lương cơ bản cùng một ít trợ cấp. Ngôi nhà chúng tôi đang ở được cha mẹ chồng cho hai phần ba số tiền mua.

Cách đây mấy năm, trong cơn sốt đất, chồng tôi khát khao làm giàu nên đã tham gia kinh doanh bất động sản. Do thiếu kinh nghiệm và kém may mắn, lời lãi đâu không thấy, anh còn gây ra số nợ 700 triệu đồng. Chúng tôi đã phải thế chấp nhà để trả nợ dần, nhưng ngày càng khó xoay xở.

Vợ chồng tôi dự định vay mượn người thân để trả hết nợ lấy sổ đỏ về, rồi tích lũy trả dần cho đỡ áp lực từ khoản nợ ngân hàng mỗi tháng. Vì đã nhờ vả nhà chồng nhiều nên lần này tôi định mượn tiền cha mẹ ruột để trả nợ.

Tôi biết 2 năm trước, mẹ tôi xin về hưu trước tuổi và có nhận được một khoản tiền hơn 100 triệu đồng. Cộng thêm với số tiền tiết kiệm của cha mẹ, tôi nghĩ ông bà hoàn toàn đủ khả năng giúp chúng tôi. Tôi bàn với chồng và anh cũng đồng ý phương án này. Tôi cứ nghĩ cha mẹ sẽ dễ dàng cho mượn vì từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ làm phiền ông bà chuyện tiền bạc.

Thế nhưng, khi tôi về đề cập đến vấn đề mượn tiền trả nợ, mẹ tôi tỏ ra băn khoăn và nói sẽ trả lời sau khi bàn với cha. Khoảng một tuần, cha mẹ gọi tôi về nhà và trao đổi đồng ý cho mượn tiền với điều kiện phải viết giấy vay nợ và trả lãi, tất nhiên mức lãi suất khá thấp. Lúc đầu, tôi thấy vừa bất ngờ vừa buồn trước đề nghị của cha mẹ.

Chị gái tôi mượn tiền cha mẹ mua nhà đã 5 năm nhưng không thấy trả. (ảnh minh họa)
Chị gái tôi mượn tiền cha mẹ mua nhà đã 5 năm nhưng không thấy trả. (ảnh minh họa)

Mẹ tôi giải thích, phần lớn tiền tiết kiệm đã cho chị gái tôi mượn mua nhà, nhưng gần 5 năm chưa thấy trả lại. Giờ cha mẹ chỉ còn 300 triệu đồng dưỡng già, gửi ngân hàng lấy lãi hàng tháng để bù thêm cùng lương hưu mới đủ chi tiêu, nếu đưa hết cho tôi thì ông bà sẽ bị hụt nguồn thu. Nghe mẹ nói, tôi phần nào hiểu được lý do cha mẹ đưa ra điều kiện mượn nợ. Nhưng sau đó tôi rất lo chồng tôi trách cha mẹ vợ tính toán, thật may anh đã xem chuyện mượn thì phải viết giấy và trả lãi là đương nhiên.

Hiện tại, hàng tháng chúng tôi đều đặn gửi tiền lãi cho cha mẹ cùng một phần tiền gốc theo cam kết. Tôi cũng nhắc khéo chị gái thu xếp trả tiền cho cha mẹ vì chị cứ đinh ninh rằng cha mẹ sớm muộn gì cũng chia tài sản cho 2 con nên trì hoãn việc trả nợ.

Theo phụ nữ TPHCM