Ủa, bố vợ lại cho anh leo cây à!
Chồng vừa về tới ngõ tôi đã nghe tiếng hỏi vọng. Hẳn là bố đã hẹn đến chơi nhưng giờ chưa thấy đâu. Tôi trả treo:- Bố con các anh hẹn hò gì, em có biết đâu mà hỏi!
Chồng cười khì khì, giả giọng Bắc của bố tôi:
- Ối giồi, lại ghen!
Tôi hay giả đò tỏ ra “gai mắt" với mối quan hệ bố vợ - con rể của họ. Bởi, họ gặp nhau là tưng bừng chòng ghẹo, bày trò, có khi còn rổn rảng bàn từ chuyện chính trị thế giới đến chuyện “sô-bít”. Chồng tôi tự nhận là “bị ghiền" bố vợ, bởi bố hiểu biết, hài hước, lại “tinh vi" một cách dễ thương.
|
|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
|
Hễ có bất kỳ khúc mắc nào trong công việc, đời sống, anh lại gọi bố vợ để xin lời khuyên. Còn bố tôi thì xem con rể như “đàn em", có thể vừa dạy dỗ vừa “troll" ở tất cả các lĩnh vực mà một người đàn ông quan tâm.
Nghe vậy, chắc chẳng ai ngờ chồng tôi là giám đốc một doanh nghiệp, còn bố là giảng viên cao đẳng kinh tế. Tôi mồ côi mẹ sớm, và bố ở vậy nuôi con. Từ nhỏ, tôi đã canh cánh nỗi lo ngày mình đi học xa, bố cô đơn trong căn nhà cũ.
Thương bố, tôi từng nghĩ sẽ không bao giờ lấy chồng, hoặc sẽ chỉ tính đến hạnh phúc riêng khi bố qua đời. Bố còn trên cõi đời này, tôi sẽ sống với bố.
Thế nhưng, tôi vừa lên đại học thì… tình yêu ập đến. Mối tình đầu là chồng tôi bây giờ. Anh nghe hoàn cảnh của tôi thì cũng hơi… sợ, nhưng là “sợ ông nhạc". Bởi theo anh, một người cha mà khiến con gái ngưỡng mộ và gắn bó như vậy thì “không phải dạng vừa".
Yêu nhau bốn năm, tôi mới đưa người yêu đến gặp bố, dưới danh nghĩa là… “bạn". Tôi trì hoãn việc công khai tình yêu, vì sợ bố bất ngờ rồi cảm thấy cô đơn. Nhưng từ đầu cuộc gặp, bố đã thể hiện sự “tinh vi":
- Xưa nay bạn của cái Trang không ít, nhưng bạn mà được đưa về nhà chơi, chắc là… bạn đặc biệt!
Chồng tôi khi ấy như được cởi tấm lòng, liên tục “dạ". Anh như bắt sóng được với bố, bắt đầu huyên thuyên kể về “tình bạn" với tôi, kể về ấn tượng từ ngày đầu nhìn thấy tôi ở giảng đường, rồi kể về cả những điều tôi tâm sự về bố, về nỗi sợ “sẽ bỏ bố lại một mình" của tôi.
Tôi khi ấy đang lục đục làm bếp, nghe cuộc trò chuyện của họ vừa vui tai vừa… tím ruột. Bởi, anh kể thế, ai nghe mà chẳng hiểu chúng tôi yêu nhau. Bố ngồi nghe rất vui vẻ, thỉnh thoảng còn “đế" vào những đúc kết hài hước về tôi.
Nhưng sau khi anh huyên thuyên xong, bố làm như vô tình, nói:
- Thực ra nỗi sợ “bỏ bố lại một mình" của cái Trang là một niềm tin giới hạn. Tức là anh không tin rằng anh xứng đáng có được điều anh muốn, mà phải đánh đổi gì đó. Tại sao Trang không nghĩ là Trang vừa có hạnh phúc yêu đương, vừa có thể hiếu thảo với bố. Bố yêu con, nhưng đâu cần con phải sống cùng bố, càng không muốn con phải đánh đổi hạnh phúc riêng vì bố.
Bố vừa nói vừa mở rộng vấn đề khiến câu chuyện nhẹ nhàng. Chồng tôi khi ấy tròn xoe mắt, nuốt từng lời của bố. Còn tôi thì mềm lòng đi. Bằng cách ấy, bố đã cởi bỏ “niềm tin giới hạn” trong tôi, khiến tôi trút đi những vướng víu, nặng nề suốt nhiều năm trời về lầm tưởng mang tên “trách nhiệm với bố".
Chúng tôi cưới nhau không lâu sau đó. Lúc tôi công khai tình yêu, bố không quên tỏ ra… tinh vi:
- Bố chờ anh hơi lâu rồi đấy! Anh tưởng anh đưa con gái bố về trước cổng mà cái camera nhà bố bỏ qua anh à!
Từ đó đến nay đã tám năm. Chúng tôi cùng xây dựng gia đình, sống cùng một thành phố với bố. Chồng tôi thăng tiến liên tục, tỷ lệ thuận với sự bận bịu, áp lực. Nhưng anh không bao giờ quên thăm bố mỗi cuối tuần. Anh còn ưu tiên thăm bố tôi hơn cả việc về nhà nội, bởi theo anh, ông bà nội có nhau, lại đông con cháu, còn ông ngoại chỉ một mình.
|
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory |
Hễ về ngoại, nhà tôi lại vui như tết vì hai người đàn ông bộc lộ hết sự hài hước, dễ thương và cả sự hiểu biết, tháo vát của mình để phục vụ tôi và các con.
Mới đây, bố tôi về Quảng Ninh thăm quê, rồi lại mang vào một nỗi ưu phiền rằng chú Út tôi bệnh nặng, mồ mả ông bà không ai lo. Nhà nội tôi chỉ có hai con trai. Chồng tôi nằng nặc đòi làm một chuyến “về nguồn", thứ nhất là thăm chú, thứ hai là để thăm mộ ông bà để tính đường tu sửa.
Tôi lo ngại vì anh sắp bảo vệ luận văn tiến sĩ, công việc lại bận bịu nhiều. Nhưng anh gạt đi:
- Anh sẽ sắp xếp. Em đừng lo, chỉ cần bố vợ anh vui là được!
Anh luôn như thế. Lý do, theo anh là vì bố dễ thương, bố lại hy sinh hạnh phúc cả đời để nuôi dạy vợ anh, nên bố xứng đáng với mọi nỗ lực của con rể.
Cuộc hôn nhân của tôi cũng nhiều mâu thuẫn, áp lực. Nhưng tình thương, sự vui vẻ giữa anh và bố luôn làm tôi thấy mãn nguyện và đủ sức mạnh để vượt qua tất cả.
Theo phunuonline.com.vn