Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Tôi cưới vợ 14 năm, vợ chồng có 2 con trai - gái, có nhà riêng dù chỉ là căn hộ chung cư nhưng cũng rộng rãi, tiện nghi. Tôi làm việc hết sức để đảm bảo cho vợ con một đời sống kinh tế không thiếu thốn. Các con tôi đều được học trường tốt, học thêm tiếng Anh, gia đình tôi hằng năm đều đi nghỉ mát. Gia đình 2 bên lễ tết đều được lo đầy đủ. Tôi cũng mới đổi cho vợ chiếc Vespa gần trăm triệu đồng…

Tôi yêu vợ con và muốn mang lại hạnh phúc thực sự cho cô ấy nhưng kết quả tôi nhận được thật đắng lòng. Vợ tôi “cảm nắng” một đồng nghiệp. Cô ấy gọi điện tâm sự với bạn, tôi tình cờ nghe được. Tôi đã bỏ công tìm được tay đồng nghiệp kia, thấy chẳng qua chỉ là một gã tốt mã dẻo miệng. Những loại ngang tầm như thế, cấp dưới của tôi có hàng tá.

Tôi thực sự khó hiểu. Vợ tôi muốn gì? Cô ấy ngoài 30 tuổi rồi, đâu còn trẻ trung non nớt, sao không nhận ra cái gì là bản chất, cái gì chỉ là bề ngoài?

Tôi làm việc đêm ngày để có tiền mua nhà, mua xe, lo lắng cho gia đình lớn, gia đình nhỏ thì cô ấy cho là khô khan. Kẻ dẻo mỏ kia mời đi uống nước, gắp cho cô ấy chút đồ ăn thì cô ấy cho là quan tâm, lãng mạn.

Cô ấy dễ dàng quên những việc lớn tôi đã làm cho gia đình, dễ dàng đạp lên mười mấy năm sống bên nhau, con cái, nhà cửa để rung động, thao thức vì mấy lời ngọt ngào mà thằng đàn ông nào cũng sẵn sàng uốn lưỡi nhả ra để mồi chài. Mấy lời nói đó chỉ là chút quan tâm vụn vặt bằng lời cửa miệng, còn bao nhiêu mồ hôi tôi đổ ra cho miếng cơm manh áo của cả nhà mới là thật, chẳng lẽ cô ấy không thấy?

Tôi đã nói chuyện với vợ nhưng chỉ đi vào bế tắc. Tôi đã viết hết suy nghĩ của mình gửi cho vợ. Tôi ra điều kiện trong vòng 1 tháng cô ấy phải chấm dứt chuyện kia, gặp nhau ba mặt một lời cho rõ hoặc nếu không thì ra khỏi nhà để tôi nuôi con.

Thư gửi đã gần 1 tuần, giờ tôi muốn cô ấy quyết định ngay, không chờ hết tháng. Tôi muốn cô ấy nhận ra cái sai và xin lỗi. Tôi có thể tha thứ vì vẫn muốn giữ gia đình tròn vẹn. Tôi phải nói gì với cô ấy?

Mạnh Hải (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 Anh Mạnh Hải thân mến, 

Thư anh cho thấy anh là một người đàn ông nghiêm túc, có trách nhiệm và ý thức mạnh mẽ về việc chăm lo gia đình. Những người như vậy sẽ cảm thấy “đối tác” của mình cũng phải có sự đóng góp tương ứng và chắc chắn khó chấp nhận, thậm chí cảm thấy tổn thương khi “đối tác” không đáp ứng kỳ vọng.

Nhưng thực tế là “thế gian được vợ mất chồng…”. Trong trường hợp của gia đình anh, việc đưa ra “tối hậu thư” thường không giải quyết được chuyện gì. Tệ hơn, “tối hậu thư” đó còn gây tác dụng ngược, khiến người trong cuộc ôm hận mà không nói ra, nhất định chọn cách giải quyết tiêu cực dù biết đó là chuyện dở. 

Vợ anh có thể đang “cảm nắng”. Những rung động nhất thời ấy dễ đến và cũng dễ đi. Tâm hồn phụ nữ mong manh, dễ xao động. Đó chỉ là trạng thái bình thường, biết đâu một lúc nào đó chính anh cũng sẽ rơi vào vùng rung động tương tự.

Con người, dù là nam hay nữ đều được quyền rung động nhưng có biến những rung động ấy thành tình cảm sâu sắc hay sự gần gũi thực sự tùy thuộc vào nhận thức, vị trí, tình trạng xã hội của mỗi bên.

Có thể vợ anh hiểu rõ tính cách, sự nghiêm khắc của anh nên cô ấy mới phải tâm sự với bạn. Nếu bình thường anh là người bao dung, chân thành và sẵn sàng bày tỏ cảm xúc của mình, cô ấy sẽ dễ thổ lộ với anh hơn về những điều cô ấy cảm nhận.

Nói tóm lại, vợ chồng anh đang khó trò chuyện với nhau, anh xem lại có phải vì anh dành ít thời gian cho vợ, anh nghĩ đã lo cuộc sống gia đình là đầy đủ trách nhiệm rồi, anh không quan tâm cũng không cho phép cô ấy được nghĩ khác với mình?

Việc đưa ra “tối hậu thư” chỉ cho thấy anh coi trọng nhu cầu của bản thân, anh là người ấn định “luật” và thời hạn thi hành “luật”.

Vợ chồng cần có sự chia sẻ nhưng thực sự là anh đang buộc vợ phải tự giải quyết vấn đề. Hôn nhân luôn cần sự chung sức vun đắp của cả 2, anh nên nói chuyện với vợ, lắng nghe cô ấy, cùng nhau giải quyết. Nói lần một chưa được thì lần hai, lần ba, thay đổi giọng điệu, thay đổi nơi chốn, thay đổi thời gian, thay đổi cách mở lòng. Chúc anh giữ được gia đình trọn vẹn.

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Thanh Tuyền (quận Bình Tân, TPHCM): Sao anh không dùng tình thương để nói chuyện với vợ? 

Tôi đọc thư anh, nhiều lần phì cười vì cách dùng từ của anh, cũng như cách anh nói về sự phấn đấu của mình. Chúng ta làm gì đó và bắt người khác phải chịu ơn mình là một việc rất vô lý. Tôi hình dung không khí nặng nề luôn bao trùm trong nhà anh, nổi bật trong đó là một người chồng lầm lì lúc nào cũng cho rằng mình đổ công sức vì cuộc sống của vợ con. Tôi không biết liệu mình nghĩ có đúng nhưng cách hành xử như thể ban ơn của anh (qua những gì anh nói) cũng có thể khiến cuộc sống thêm nặng nề.

Trở lại câu chuyện cảm nắng (nếu có). Thực ra đó là một câu chuyện rất bình thường, ai rồi cũng có lúc cảm thấy rung động bởi một ai đó, biết đâu anh cũng vậy thôi.

Tôi nói vậy không phải nhằm bênh vực vợ anh. Vợ chồng anh đang có vẻ thiếu sự kết nối nên ít nói chuyện, chia sẻ cùng nhau. Trước khi chờ vợ ra quyết định, anh nên ngừng lại một chút để suy xét lại lòng mình, suy xét lại những gì vợ anh cần/muốn, suy xét lại xem vợ anh có phải là con người xấu xa như thế không…

Những gì anh đang hành động đều xuất phát từ suy nghĩ của riêng anh, tự anh quyết, tự anh hành động và ép vợ phải làm theo. Chưa gì anh đã vội quy kết này kia, chưa gì đã vội không tin vợ. Sao anh không dùng tình thương để nói chuyện với vợ?

Anh Nhiên (Bình Phước): Cơn “say nắng” giống như một chiếc máy trợ thở

Trong một cuộc nói chuyện về hạnh phúc gia đình, một nhà văn từng nói rằng cơn “say nắng” giống như một chiếc máy trợ thở. Có thể trong những cơn ngạt thở nào đó của cuộc hôn nhân này, vợ anh cần một chiếc máy để thở, đến một thời điểm sẽ tự động buông máy ra. Làm vợ, đặc biệt là làm vợ một người như anh, đôi khi cũng có những cơn ngạt thở. 

Tôi thỉnh thoảng cũng thế và tôi tin nhiều người khác thỉnh thoảng cũng cần máy trợ thở. Có thể điều này hơi khó nghe nhưng không đáng để anh làm quá lên như thế. Phụ nữ chúng tôi biết mình cần gì. Hùng hổ lên chỉ khiến người nhạy cảm tổn thương. Tôi từng có những phút xao lòng. Nó nặng nề hơn anh hình dung. Thế nên việc chúng tôi tâm sự với bạn cũng là lẽ thường tình.

Sau khi nhận “tối hậu thư” của chồng, hẳn vợ anh rất khó xử, nên im lặng cũng đúng thôi. Mong anh cho cô ấy một đường lui nhẹ nhàng thay vì giành toàn quyền quyết định. Hãy mở lòng và tạo cơ hội cho vợ anh được giãi bày.

Theo phụ nữ TPHCM