Nhận được tin nhắn của con trai, chị ngồi bần thần nhẩm tính lại khoản tiền tiết kiệm của hai vợ chồng. Nếu lần này chuyển cho con thêm 200 triệu đồng nữa thì khoản tích lũy bao năm sẽ cạn kiệt. Chị đắn đo chưa hỏi ý kiến chồng vì quan điểm của anh khác vợ.
Lần trước, khi góp tiền cho con trai mua nhà mới, anh đã cằn nhằn: “Hoàn cảnh 2 gia đình khác nhau, mình không thể theo người ta mãi được, vả lại con lớn rồi để nó tự tính toán chuyện riêng”. Nhưng chị nghĩ không đành lòng, chị sợ nhà vợ coi thường con mình lại khó sống.
|
|
Anh chị sợ con trai bị nhà vợ coi thường (ảnh minh họa) |
Cách đây 2 năm, con trai chị kết hôn cùng cô người yêu người thành phố, ông bà sui rất khá giả. Trong khi họ hàng tấm tắc khen con chị biết chọn vợ, làm rể nhà giàu khác gì “chuột sa chĩnh gạo” thì chị có nỗi khổ tâm riêng.
Lúc gần cưới, chị bàn với chồng xây thêm một phòng ngủ riêng cho con, sắm đủ đồ nội thất để lúc đón dâu về nhìn cho tươm tất. Dù anh đã phân tích: "Cưới xong chúng nó ở nhà đâu mà làm cho tốn kém, nhưng chị vẫn quyết tâm làm". Ngày cưới, chị đặt tiệc đắt tiền, mua sắm quần áo xịn, thuê thợ trang điểm vì sợ lép vế với nhà gái. Kết quả sau đám cưới, nhà chị lại thêm một khoản nợ.
Con trai chị cưới xong, được nhà vợ cho một căn chung cư nhỏ làm tổ ấm. Nhưng chỉ nửa năm sau, vợ chồng con muốn đổi sang nhà rộng hơn cho thoải mái. Nhà ngoại hứa sẽ cho nửa số tiền mua nhà, phần còn lại con tự lo. Nghe thế, chị lật đật bàn với chồng, rút khoản tiết kiệm 300 triệu đồng đưa cho con trai mua nhà cho đỡ tủi.
Lần đó, anh chị đã bất đồng ý kiến bởi số tiền đó dự định để lo việc cho con gái chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Khi con dâu sinh cháu nội, chị lên chăm nuôi thấy nhà ngoại mua cho cháu đủ thứ quà, chị cũng ráng sức sắm sửa cho cháu cho bằng người ta. Thành ra tiền bạc tích lũy bao nhiêu năm từ việc chăn nuôi, làm vườn, chị đổ dồn vun vén cho gia đình con trai.
Thậm chí họ hàng dưới quê lên thăm nhà mới của con trai, chị sợ vợ chồng con tiếp đãi không chu đáo, về quê lại lời ra tiếng vào nên cũng xắn tay vào sắp xếp. Trước đó một ngày, chị tất bật đi chợ, chuẩn bị đồ ăn thức uống, thuê xe chở lên nhà con để hôm sau đãi khách.
Con trai thấy mẹ chi tiêu thoáng tay lại nghĩ cha mẹ có tiền, có chuyện gì cũng gọi điện nhờ hỗ trợ. Lần này, nhà vợ lo cho con trai chị chuyển công tác từ huyện về thành phố cho gần gia đình, tất nhiên phải tốn một khoản tiền không nhỏ. Bên nhà ngoại sẽ hỗ trợ nhưng con trai muốn mẹ cho thêm tiền để có tiếng nói với nhà vợ.
|
|
Thấy nhà ngoại mua cho cháu nhiều quà, chị cũng ráng sức sắm sửa cho bằng người ta (ảnh minh họa) |
Chị chưa biết tính toán thế nào thì chồng đột ngột lâm bệnh nặng. Vợ chồng con trai bận việc, chỉ về thăm cha một lát rồi đi. Chị đành tự xoay xở, rút tiền tiết kiệm để lo cho chồng. Hơn 2 tháng chồng nằm viện, chi phí điều trị đắt đỏ làm chị thấm thía nhiều điều.
Chị thấy mình tự tạo áp lực cho bản thân chuyện con lấy vợ nhà giàu là không đáng, việc gì phải cố gồng mình để cân bằng với nhà sui gia. Chị ráng sức vun vén cho con trai mà quên mất vợ chồng mình còn có một quãng đường dài của những năm tháng xế chiều phải lo lắng. Chị giật mình khi nhớ lại câu nói từng nghe: “Nhà của cha mẹ là nhà của con cái, còn nhà của con cái thì không còn là nhà của cha mẹ nữa”, dù ở tuổi nào cũng phải biết phòng thân.
Theo phụ nữ TPHCM