Vụ việc đã đi qua gần một tuần lễ nhưng người thân của chị N.T.N (SN 1993, trú thôn Nam Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) vẫn sống trong bàng hoàng. Chồng chị, anh L.V. N (SN 1993, quê ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) có lẽ là người chịu nhiều đau đớn, ám ảnh nhất khi bản thân đã trực tiếp chứng kiến cảnh vợ mình bất ngờ lao qua lan can cầu, gieo mình xuống dòng nước dữ để chấm dứt cuộc đời. Chỉ một phút trước đó, theo yêu cầu, anh N dừng xe để vợ mình cài lại mũ bảo hiểm bị tuột, nhưng rồi anh hoàn toàn bất lực khi chị N bất ngờ lựa chọn vĩnh viễn rời xa anh.
|
|
Trụ sở công ty GFDI tại TP Đà Nẵng bị lực lượng chức năng phong tỏa và khám xét |
Nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng trên là do công ty GFDI - nơi chị N. làm việc có dấu hiệu vỡ nợ, không đủ khả năng chi trả tài chính cho gia đình chị và nhiều khách hàng của chị, khiến bản thân bị mất tiền, danh dự, uy tín và quá tải áp lực.
Sau khi theo dõi vụ việc, điều khiến tôi xúc động nhiều nhất là hình ảnh người mẹ nạn nhân, của hai đứa con chị N. khi còn quá nhỏ (cháu đầu học lớp Hai, bé út mới chưa đầy 2 tuổi) phải vật vã mấy ngày trời bên chân cầu để chờ lực lượng chức năng tìm kiếm, đưa thi thể chị N. trở về. Tôi tự đặt ra câu hỏi: “Người phụ nữ xấu số và còn rất trẻ ấy đã thực sự phải trải qua những đấu tranh, căng thẳng tột cùng như thế nào để đi đến cách giải thoát đầy tiêu cực, bi thương?”
Thực sự, trong thời buổi có quá nhiều biến động, bất ngờ, không phải ai cũng đủ bản lĩnh, tỉnh táo để chọn cho mình một cách vượt qua kiếp nạn sáng suốt và an toàn. Và đôi khi, những người phụ nữ nhìn bên ngoài luôn nhiệt huyết, vui vẻ, hoạt náo, nhưng khi rơi vào bước ngoặt, cửa ải, lại càng dễ bộc lộ sự tuyệt vọng, chới với, cô đơn.
Bản thân những cô gái tích cực vốn dĩ từ trước đến nay luôn nêu cao tinh thần tự chủ, mỗi người sẽ xây dựng hình ảnh cá nhân thật tử tế, rạng rỡ như một tấm gương. Chỉ có những người xung quanh từng cậy nhờ, dựa dẫm vào họ chứ họ chưa bao giờ mở lời để đón nhận sự nâng đỡ từ ai. Có lẽ, chính sự khép mình, gồng mình ấy cộng hưởng với một chút lơ là, chủ quan của bạn bè, người thân đã đẩy những người phụ nữ tưởng chừng rất nhiều năng lượng vào đỉnh điểm của mệt mỏi, bế tắc. Bình an hay bi kịch chỉ còn cách nhau một nhịp thở!
Dạo gần đây, tôi nghe rất nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến thua lỗ tài chính. Có những người vợ, người mẹ một đời vất vả vun vén, gom góp nhưng chỉ sau vài phút nhẹ dạ, toàn bộ vốn liếng, của nả đột ngột “bốc hơi”. Cái bẫy mà họ mắc phải thường được trá hình dưới những hình thức quen thuộc như: Hùn vốn làm ăn, đặt cọc hàng hóa, đầu tư tài chính lãi suất cao… Khi mất của, có những người vật vã, phải vịn vào người thân, gia đình, phải “trầy vi tróc vảy” mới hồi phục. Có rất nhiều người sụp đổ, gục ngã hoàn toàn, và cũng có rất nhiều trường hợp khác chấp nhận trả giá, mạnh mẽ vươn lên làm lại cuộc đời, như câu chuyện của người phụ nữ U50 mà tôi từng gặp trong lần vào bệnh viện chăm mẹ cách đây không lâu.
|
|
Sau khi bị lừa, nhiều người rất khó vượt qua nỗi đau mất mát (ảnh minh họa) |
Dì ấy trước đây từng làm chủ vài cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, gia đình rất khá giả. Thời gian sau, khi chuyển hướng kinh doanh, vì nhẹ dạ nên dì bị một tổ chức đa cấp trên mạng dụ dỗ, lừa gạt, cướp sạch vốn liếng đầu tư. Kết quả, không những tài sản gia đình tiêu tán, dì còn thuyết phục để vay mượn và vạ lây sang bạn bè, con số dì nợ lên đến vài trăm triệu đồng.
Bây giờ, để sửa chữa sai lầm, mỗi ngày dì làm đủ việc, từ dọn nhà, chăm sóc người ốm, trông trẻ theo giờ, phụ bán quán ăn... Miễn gì có tiền, dì đều làm, đều đón nhận với tâm thế tích cực, siêng năng, vui vẻ.
Tôi sẽ nhớ mãi một câu dì từng dặn: “Cuộc đời vốn không dễ dàng, nhưng sẽ không có đường cùng, chỉ cần mỗi người đều biết cách rẽ lối”.
Theo phụ nữ TPHCM