“Cô chăm sóc ba con bao năm. Cô đâu có tệ đâu mà con cứ tránh mặt? Ông đau lưng suốt từ hồi nghỉ mất sức. Một mình cô thuốc thang, cơm nước. Nếu cô từ chối mang ông về nhà chăm, ông ấy cũng đâu thể trách”. Người đàn bà tóc điểm bạc cùng bàn ăn với tôi nói với giọng tủi hờn. Cậu thanh niên trước mặt cô nhỏ nhẹ: "Dạ con hiểu. Con cảm ơn cô đã lo cho ổng”. Rồi anh nâng ly bia cụng với người đàn ông tóc muối tiêu.
Ông tóc muối tiêu lúc này mới giãi bày: “Cô Thảo nuôi ba suốt thời gian điều trị lưng ở bệnh viện. Cô không cho ba về nhà thì không biết sẽ ra sao. Các con vô lễ với ba, chứ đừng vô lễ với cô ấy”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
2 người đàn ông ấy là cha con và cuộc gặp của họ hôm nay tạm xem là cuộc gặp hòa giải. Quán cơm buổi trưa rất đông. Người đàn ông tóc muối tiêu khá đẹp trai. Người phụ nữ tóc muối tiêu cũng đẹp, chỉn chu, gọn gàng. Chỉ cậu trai cỡ chừng 30 tuổi là trông lam lũ. Da cậu đen sắt lại như phơi nắng nhiều ngày, áo quần, giày dép, tóc tai rất đặc trưng người lao động vất vả.
Ban đầu, họ dè dặt với nhau. Nhưng cuộc gặp tay 3 đặc biệt này rất quan trọng và không dễ sắp xếp, nên họ sẽ phải nói ra điều cần nói.
Ông chú tóc muối tiêu trước đây lái xe tải tuyến Bắc - Nam, thường phải xa nhà dài ngày nên vợ con vẫn ở làng nhỏ thuộc tỉnh Hà Nam. Mỗi chuyến ông đi thường dài nửa tháng. Sau này xe cộ thuận tiện hơn, mỗi lượt ra vào chỉ khoảng 2 ngày. Chờ xếp dỡ hàng vài hôm rồi tài xế được nghỉ. Giữa 2 lượt ra vào Nam - Bắc đó, lái xe được xếp lưu trú trong nhà nghỉ của công ty. Thuở chưa có điện thoại cầm tay và các phương tiện giải trí cá nhân, cuộc sống của người xa gia đình thường tụ lại chơi bài, tới giờ ăn thì ra quán, rồi đi lang thang chơi trên phố.
Chú tóc muối tiêu gặp cô Thảo trong những ngày ở nhà nghỉ tại TPHCM. Cô Thảo làm kế toán, hằng ngày nhận sổ sách tính thuế cho các công ty tư nhân. Cô có căn nhà nhỏ cha mẹ để lại trước khi họ xuất cảnh. Buổi tối rảnh, cô phụ việc cho người nhà ở quán cơm bụi nên cô quen chú. Họ cũng không ngờ mối quan hệ sai trái ấy lại kéo dài đến thế, tới 20 năm trời.
Chú từng về quê đặt vấn đề ly hôn, nhưng vợ chú ở quê đâu cam chịu, bà gần như điên loạn khi chồng thay lòng. Bà đã bao nhiêu năm tháng vất vả để nuôi đàn con, việc chú trở mặt bạc tình bạc nghĩa, đâu thể muốn ly hôn là ly hôn. Bà vợ đuổi chú đi, nói không cần đồng tiền chú mang về nữa, dù mẹ con bà có phải đi làm thuê hay đi ăn mày.
Chú vẫn đi dọc 3 miền đất nước. Ngày nghỉ giữa các chuyến xe đầu Hà Nội, chú không về quê mà ở lại khu lưu trú cùng đồng nghiệp. Ngày nghỉ ở TPHCM thì tới với cô Thảo. Ở quê, vợ chú cực khổ nuôi đàn con. Cứ 18 tuổi là cô cho chúng lên Hà Nội làm thuê làm mướn, làm “thợ đụng”.
Cô Thảo thấy chú ly hôn mãi không được, dần dà cũng chẳng buồn nhắc chuyện giấy tờ nữa. Cô Thảo từng muốn sinh con với chú, nhưng vì chú vẫn có vợ ở quê, nên cô chỉ còn là “bạn bè” với chú, ngậm ngùi cất đi giấc mơ làm mẹ.
Uống tới chai bia thứ ba, cậu con trai có vẻ đủ dũng khí lớn tiếng: “Con xin lỗi vì hôm ấy đã đuổi ba. Con đã hận, hận lắm, hôm đó con không dám đối mặt”. Hôm đó là ngày anh cưới vợ. Chú rể vui vẻ tiếp đãi bạn bè, vậy mà nghe tin mẹ gọi ba về dự đám cưới con trai, anh nổi nóng “ông ta không có tư cách gì để có mặt”. Thấy ông ở cổng trước, anh luồn cổng sau chạy ra cánh đồng, mặc nguyên bộ quần áo chú rể. Mãi tới khi mẹ và các em gọi báo tin chú đã rời đi, anh mới lò mò trở về.
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Thì ra, ba mẹ anh đã ly hôn ngay trước đám cưới của con trai. Bà mẹ hình như hiểu được cảnh đàn ông xa nhà không tránh khỏi cám dỗ, lòng đã nguôi giận, bà báo tin cho ông về dự đám cưới con trai, để sui gia biết con có cha. Cậu trai bây giờ cũng đã có con. Có lẽ anh hiểu lòng cha mẹ, mới biết nỗi đau phải bỏ con, không được gặp con trong các sự kiện trọng đại, nó cũng khủng khiếp lắm.
Cậu trai vào TPHCM lần này, coi như đã cảm thông cho ông và cả người bạn gái của ông. Nhưng những cơn bão buồn bã, day dứt trong lòng người cha ấy, sẽ không bao giờ ngừng thổi.
Theo phụ nữ TPHCM