Chị Hạnh Dung ơi,

Em khổ quá mà không biết nói với ai, chị ơi!

Năm nay em 45 tuổi, lấy chồng từ năm 25 tuổi. Chồng em kém em 2 tuổi. Do nhà chồng em đông con nên anh ta ở rể. Những năm đầu, anh ta đánh em nhiều lắm, nhưng thương con, em ráng chịu đựng.

Những năm về sau, anh ta lại thêm cờ bạc lô đề, vay mượn đủ chỗ. Cũng vì thương con mà em đứng ra vay tiền trả nợ cho anh ta. Được vài tháng, anh ta lại chứng nào tật nấy.

Gần đây, anh ta làm ăn chung với anh rể con cậu ruột em, lại ôm tiền đánh bạc, thua hết rồi chạy về nhà ổng trốn. Vợ chồng chị em cắn đắng, thậm chí đánh nhau, chỉ vì anh ta. Em nhục nhã vô cùng!

Mặc dù ở nhà vợ, nhưng anh ta không coi ai ra gì. Có lần anh ta đánh em, cậu em qua can ngăn, anh ta đánh luôn cậu em, còn vác dao rượt đuổi mấy đứa em con cậu. Nhưng vì thương em, nên gia đình cậu em cũng bỏ qua tất cả.

Con lớn em năm nay 19 tuổi, đứa thứ hai 11 tuổi, mà mỗi năm em chỉ dám sắm cái áo, năm sau sắm cái quần, chứ không dám sắm một lượt, vì anh ta nói tiền hỏi không có, mà có tiền sắm đồ. Đồ mới con cũng không dám mặc vì sợ cha thấy.

Mẹ em 68 tuổi vẫn phải đi làm thuê cho người ta, để lo lon gạo, nước mắm. Còn em làm được bao nhiêu trả lãi cho người ta bấy nhiêu. Trong khi anh ta có tiền là xốc đĩa lô đề, vay mượn tứ phía. Em chiều không nổi, đòi ly hôn thì hắn bảo sẽ giết cả nhà em.

Em sợ quá. Nhưng sống như vậy khổ quá chị ơi. Mong chị cho em một lời khuyên.

Phạm Thị Thu

leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ

Em Thu thân mến,

Lại thêm một câu hỏi nữa về nỗi đau khổ của một người vợ khi có chồng đam mê cờ bạc. Nếu thường xuyên đọc Chat với Hạnh Dung, em sẽ thấy câu hỏi này liên tục được gửi tới chuyên mục. Có nghĩa là chuyện này không mới, không lạ trong cuộc sống. Bất cứ gia đình nào có người dính vào cờ bạc, thì hạnh phúc của họ tan hoang, và người nhà của họ kiệt quệ, đau khổ.

Có thể nào chữa khỏi bệnh nghiện cờ bạc hay không? Có thể, nhưng vô cùng khó khăn. Người nhà phải rất cương quyết, mạnh mẽ, thậm chí là nhẫn tâm. Vì căn bệnh này không phải chữa bằng thuốc, hay bất kỳ phương pháp khoa học nào.

Bệnh có thể dứt từng cơn một cách dễ dàng bằng tiền: cứ vác tiền đi trả nợ giùm, thì bệnh sẽ êm được một thời gian. Nhưng chắc chắn đó là cách chữa bệnh nguy hiểm nhất, với cả hai bên. Người bệnh sẽ ngày càng nghiện nặng, ngày càng say máu với cuộc chơi đỏ đen, và người thân của họ thì ngày càng suy sụp.

Chính em đã góp phần gây nên thảm cảnh đó của gia đình, khi suốt 20 năm qua, em cắn răng kiếm tiền trả nợ cho người chồng cờ bạc. Em đã tiếp tay cho bệnh của anh ta ngày càng nặng thêm. Em chấp nhận khổ đời em đã đành, mà em còn khiến mẹ em phải khổ, con em phải khổ.

Giờ đây, hãy thử nhìn lại xem em còn có thể thay đổi được chồng hay không? Anh ta không muốn ly hôn thì có nghĩa là anh ta còn yêu thương em, con cái hay không? Hay anh ta chỉ đang coi em là nguồn cung cấp tiền cho anh ta tiếp tục cờ bạc?

Nếu có thể thì thử thêm một lần nữa, xem những lúc tỉnh táo, anh ta có nghĩ được vì sao gia đình này lại khốn khổ đến thế, và anh ta có muốn thay đổi hay không? Còn nếu em thấy con người đó coi như đã bỏ đi, thì hãy cương quyết dứt bỏ một lần, cứu lấy cuộc đời của em, của mẹ, của các con, em nhé!

Lời đe dọa của anh ta đáng sợ thật, nhưng cuộc sống chung này còn đáng sợ hơn nhiều, em hãy cân nhắc cho kỹ. Hãy vận dụng mọi sự giúp đỡ của gia đình, người thân, chính quyền để anh ta biết rằng anh ta không có quyền đe dọa, làm hại đến người khác một cách dễ dàng như vậy được.

Hãy ngừng than khóc, và tỉnh táo nhận ra rằng mình không thể tiếp tục để mẹ và các con mình khổ thế này. Ý chí đó sẽ giúp em tìm ra lối thoát: từ từ đẩy anh ta ra xa, để anh ta thấy không thể bòn rút được vợ nữa, anh ta hết đường rồi... Hoặc thậm chí là chính em phải tìm được cách đưa bản thân và gia đình rời xa anh ta.

Nếu không chữa được bệnh cho chồng hay dứt bỏ anh ta, 20 năm bất hạnh của em sẽ còn kéo dài tới một cái kết còn tệ hại hơn. Can đảm và mạnh mẽ lên, cô gái!

Theo phụ nữ TPHCM