Ảnh minh họa

Với gương mặt hiền lành, có vẻ buồn man mác nhưng chất giọng rất nhẹ và ấm của người phụ nữ dân tộc Mường ấy lại ẩn chứa đầy khí chất mạnh mẽ, chị khẽ cười: "Tôi thấy nhiều chị em thường ngại ngần khi nhắc đến chuyện hôn nhân đổ vỡ của mình. Còn tôi, chẳng bao giờ e dè khi nói mình là một người từng có một đời chồng, đã ly hôn. Cuộc sống của 3 mẹ con tôi bây giờ vui vẻ, bình an và tốt hơn gấp chục lần so với khi tôi sống với chồng".

Mở điện thoại cho tôi xem những dòng tin nhắn của cô giáo khen các con dạo này học hành tiến bộ. Dù vừa trải qua mùa dịch các con phải học online khá vất vả, nhưng những bài tập cô giao, các con chị đều hoàn thành tốt. "Các con tôi lớn rồi, một đứa lớp 8, một đứa lớp 6, nên chúng biết thương mẹ, bảo nhau tự giác học hành. Tôi bận làm thêm kiếm tiền trang trải cho 3 mẹ con trong đợt nghỉ làm vì dịch vừa rồi, nên những lời cô giáo khen cũng cho tôi nguồn động viên, tự hào rất lớn" - chị Thuỷ hồ hởi kể.

Chị Thuỷ khẽ thở dài khi nhắc về chuyện đã qua: "Tôi cưới chồng được 13 năm và chừng ấy năm, tôi có một cuộc hôn nhân bất hạnh. Người ta có chồng thì được nhờ chồng, được nương tựa vào chồng những lúc ốm đau, khó khăn. Còn tôi, có chồng như đeo một cái gông vào cổ, đúng nghĩa. Tôi vốn làm nghề dạy học cấp 2, nên mọi nếp sống và suy nghĩ của tôi cũng mộc mạc, giản dị. Tôi từng mong nếu mình sống tốt thì sẽ có cuộc sống giản đơn, hạnh phúc. Thế nhưng, mọi giấc mơ của tôi đều tan biến từ khi có chồng…".

Sau mỗi ngày đi làm, đi học về, căn nhà trọ nhỏ bé lại vang tiếng cười đùa của mẹ con tôi. (Ảnh minh hoạ)

 

Giọng chị nghẹn lại, đôi mắt rơm rớm nước: "Đồ đạc trong nhà vừa sắm xong đã bị chồng đập hết từ ngày trăng mật. Cả bàn thờ anh ta cũng đập vỡ tung toé. Ngay cả bố mẹ chồng, em chồng đều có thể tác động đến anh ta, bảo anh ta phải dạy dỗ vợ bằng những trận đòn thì mới có uy trong nhà".

Chị Thuỷ cay đắng nhớ lại: "Mỗi lần về quê chồng ăn Tết là một lần tôi phải chịu nhục, vì tôi không có nhà, có đất cho con trai họ. Mẹ tôi bị bệnh nên mất sớm. Bố tôi ở vậy gà trống nuôi con. Ông chỉ làm nông, chăn nuôi nhỏ ở nhà để nuôi 3 đứa con trứng gà, trứng vịt lớn lên và đi học bằng bạn bè. Của nả, vật chất vì thế chẳng bao giờ dư dả. Thương bố vất vả, 3 chị em tôi chỉ biết bảo nhau cố gắng học, có việc làm ổn định sau này để bố được thảnh thơi tuổi già.

Sau 7 năm nhịn nhục làm dâu nhà chồng, tôi đã bày tỏ quan điểm rõ ràng: "Bố tôi nuôi dạy chị em chúng tôi, ông không cho con cái đất đai, nhà cửa không phải lỗi của ông, và chuyện này không liên quan đến vợ chồng tôi, càng không liên quan tới nhà chồng được, mong mọi người hãy tôn trọng bố tôi". Vậy là họ thi nhau nguyền rủa: Sao ông ấy còn sinh ra lắm con làm gì? Không làm được gì ra tiền của cho con cái thì chết sớm đi, sống vô tích sự.

Những chuyện vô lý vẫn liên tiếp xảy ra trong cuộc hôn nhân của chị. Chị Thuỷ kể: Có ngày chồng tôi say rượu, ghen tuông vô cớ, nên về gây sự với vợ. Những lúc chửi bới vợ thì anh ta lôi cả tổ tông họ hàng, người sống, người đã khuất như mẹ tôi… ra chửi rủa. Vì con, vì xấu hổ với gia đình mình, tôi cắn răng chịu nhịn hết, không phản kháng một lời nào để tránh bị chồng lấy cớ đánh đập, tránh để các con sợ hãi thấy cảnh bố bạo hành mẹ.

"Tôi từng tự tử vì uất ức, vì bắt gặp chồng tôi ngang nhiên đi ngoại tình với cô bạn cùng công ty anh ta. Khi tôi hỏi cho rõ ngọn ngành thì anh ta hành hạ, đánh đập và rủa tôi hãy đâm đầu vào ô tô mà chết đi. Sau lần chết hụt ấy, nhìn con khóc xưng mắt, khản đặc tiếng vì sợ mẹ chết, lúc ấy con gái nhỏ của tôi mới 3 tuổi, tôi đã cố lấy lại bình tĩnh để trở về tiếp tục cuộc sống địa ngục, làm chỗ dựa cho các con" - giọng chị Thuỷ nghẹn lại.

Chị Thuỷ tâm sự tiếp: "Cuộc sống trong địa ngục, tủi hờn và nước mắt lại âm thầm trôi đi. Tôi lấy 2 con làm chỗ dựa, làm niềm tin để sống, để bảo vệ con và nuôi con. Thế nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ. Anh ta tiếp tục công khai đi lại với người phụ nữ khác, về nhà lại lấy cớ chửi rủa vợ con, đập phá đồ đạc khi muốn. Mâm cơm nấu xong cũng bị anh ta hết tung hết ra sân, làm các con tôi vô cùng sợ hãi mà không dám khóc mỗi khi thấy bố về nhà. Chính những biểu hiện run  rẩy của các con, tôi quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân này, để cứu chính mình, cứu tinh thần các con thoát khỏi sợ hãi…".

Cuộc sống sau ly hôn với một người đàn bà phải ra đi tay trắng, lại phải nuôi con thật chẳng dễ dàng. (Ảnh minh hoạ)

 

"Khi biết tôi gửi đơn lên tòa, anh ta đã đánh tôi một trận thừa sống thiếu chết và dọa sẽ giết tôi. Tôi chống cự bằng tất cả sức lực yếu ớt của một người đàn bà. Trận bạo hành ấy, anh ta đánh tôi đến mức bị ngất xỉu ở nhà, hàng xóm nghe tiếng kêu cứu của các con đã báo công an xã đến và đưa tôi vào viện cấp cứu. Vậy mà ở Đồn công an, anh ta vẫn lớn tiếng quát mắng vợ, cho rằng tôi lấy quyền gì mà dám bỏ chồng?…" - chị Thuỷ ấm ức kể.

"Ngày tôi ra viện, anh ta cũng vẫn bình yên ở nhà. Công an xã lại động viên tôi đừng làm anh ta kích động, chuyện vợ chồng mâu thuẫn nếu đàn bà biết nhịn thì mọi việc sẽ qua đi".

"Ngày ra tòa, những vết thương trên người, trên mặt tôi vẫn còn tím bầm, đau nhức. Nhưng chỉ sau phiên tòa ly hôn, tôi đã thấy mình được giải thoát. Tôi thấy mình như vừa bước ra khỏi địa ngục, ra khỏi chiếc lồng giam hãm bấy lâu nay…".

"Cuộc sống sau ly hôn với một người đàn bà phải ra đi tay trắng, lại phải nuôi con thật chẳng dễ dàng. Nhưng nghĩ lại thời gian trước đây khi còn có chồng, tôi cũng chưa từng có niềm vui. Nay tôi phải sống khác đi, phải hạnh phúc như mình từng mơ ước. Tôi không có gì trong tay, nhưng tôi có công việc ổn định, cứ tiết kiệm chi tiêu thì mẹ con tôi cũng không sợ đói. Sau ly hôn, mẹ con tôi no đói có nhau trong bình an cũng đã là một niềm hạnh phúc lớn lao của cuộc đời. Tôi phải nỗ lực làm việc gấp nhiều lần người mẹ đơn thân khác để nuôi con, để xoá nhoà những nỗi đau và vết thương lòng cho cả 3 mẹ con tôi".

"Mới 5 tháng sau ly hôn, mẹ con tôi sống ở căn nhà trọ bé nhỏ, xinh xắn, nhưng tôi cũng sớm lấy lại được sự thanh thản. Dẫu rằng, khi nhắc về chồng cũ vẫn khiến tôi buồn, cũng có những đêm thương các con còn nhỏ mà không có bố, tôi đã trằn trọc đến gần sáng, nước mắt vẫn rơi. Nhưng sau mỗi ngày đi làm, đi học về, căn nhà trọ nhỏ bé vẫn vang tiếng cười đùa của 3 mẹ con tôi. Tôi và các con đã quen dần với cuộc sống mới, tự tin hơn, thoải mái hơn. Nhìn các con cười vui, gương mặt chẳng còn chút e dè, sợ hãi như xưa. Các con khoe thành tích học tập, tự tin với bạn bè, tôi biết mình đã đúng khi chia tay với gã chồng vũ phu.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Thiên Cầm (ghi)