Chị Hạnh Dung kính mến,

Vợ chồng tôi cưới nhau hơn 4 năm, có 1 con gái 2 tuổi. Vợ tôi là con út trong nhà, gia đình khá giả. Trước khi cưới, cô ấy đã muốn tôi về ở rể nhưng tôi không đồng ý. Dù phải thuê nhà, khó khăn chật chội nhưng đó vẫn là nhà của mình.

Sống với nhau 2 năm, tôi thấy có nhiều điểm không thể chia sẻ được nhưng lúc đó vợ tôi có bầu nên tôi cố gắng bỏ qua mọi chuyện. Sau khi sinh con, vợ chồng tôi thường xuyên bất đồng ý kiến. Mỗi lần vợ chồng bất hòa, cô ấy lại ôm con về nhà ngoại. Cô ấy nghĩ đương nhiên tôi phải tới nhà ngoại xin lỗi và đưa mẹ con cô ấy về.

Mấy lần trước đúng là như vậy. Có lần tôi quá bực nên mặc kệ, hơn 1 tuần sau mới qua đón. Mẹ vợ mỉa mai, nói tôi không đủ tiền nuôi vợ con thì để 2 mẹ con ở đây, ông bà ngoại nuôi giúp. Lúc đó tôi thất nghiệp, nghe lời bà nói xéo sắc như dao cứa, phải cắn răng nuốt tự ái xuống.

Tôi thương con gái vô cùng. Bé cũng quấn ba. Nhìn thấy con, tôi mềm lòng nghĩ thôi ai nói gì thì nói miễn tôi được đưa con về nhà, chăm sóc con.

Lần này vợ chồng cãi nhau, vợ tôi lại ôm con về nhà ngoại. Cô ấy nhắn “Không bao giờ tha thứ”. Tôi nghĩ mình chẳng làm gì sai mà phải chờ người ta tha thứ; sống được với nhau thì tốt, không thì chia tay. Tôi trả lời: nếu vợ muốn ly hôn thì cứ viết đơn, chồng ký. Cô ấy im lặng.

Mấy ngày sau tôi qua nhà ngoại nhưng cô ấy ở trên lầu, không xuống gặp. Ba vợ tiếp chuyện tôi, hỏi vợ tôi có lỗi gì, tại sao tôi lại muốn bỏ vợ... Hôm đó tôi không nói được gì nhiều, chỉ ngồi im lặng một lát rồi về.

Từ hôm đó tới giờ vợ tôi cũng không về nhà. Vợ tôi tự ý bỏ đi chứ tôi đâu có đuổi. Giờ không sống cùng nhau mà cũng không chịu chia tay, tôi không biết vợ muốn gì. Tôi nên giải quyết thế nào? Mong chị cho tôi lời khuyên.

Văn Phong (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Anh Văn Phong thân mến,

Có vẻ như ông bà nhạc của anh đang bị cuốn vào mâu thuẫn giữa vợ chồng anh, làm mọi chuyện ngày càng trở nên phức tạp. Ba mẹ có thể thương con gái nhưng khi con gái đã lấy chồng, trở thành vợ thành mẹ, người vợ người mẹ ấy phải có trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình.

Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định “vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”.

Có một yếu tố tích cực, đó là ba vợ anh chịu tiếp chuyện anh, chịu hỏi. Chưa biết khi nghe anh, ông có hiểu, có đồng thuận không nhưng việc này là tích cực. Anh nên nắm lấy cơ hội. Anh cần chuẩn bị kỹ câu chuyện, suy nghĩ của mình. Lần tới sang nhà ngoại, anh hãy ngồi nói chuyện với ba vợ, thật bình tĩnh. Mục tiêu của anh không phải là đón vợ về nhà ngay mà là để ba vợ hiểu rằng anh đã cố gắng, rằng việc vợ hễ giận lên ôm con bỏ đi như vậy là không đúng.

Chắc ông cũng thấy con gái mình có lỗi nên mới thay mặt vợ con tiếp chuyện anh. Anh hãy nói chuyện với ông như 2 người đàn ông, thẳng thắn về mọi việc. Nếu tình cảm vẫn còn, anh vẫn muốn gìn giữ cuộc hôn nhân này, hãy coi như đây chỉ là một biểu hiện của tính trẻ con, hơi đành hanh của vợ. Anh bỏ qua nhưng cô ấy không được tiếp tục như vậy nữa.

Còn trong trường hợp cả hai đều đã mệt mỏi vì nhau, đã cạn tình cảm, anh hãy để cô ấy tự quyết định bởi cô ấy là người ra đi, chứ không phải anh.

Vợ anh im lặng trước đề nghị ly hôn có thể vì cô ấy chưa nghĩ đến chuyện đó, có thể vì cô ấy nghĩ rằng anh chỉ dọa. Sau khi anh nói chuyện với ba vợ, cô ấy sẽ phải suy nghĩ, cân nhắc mọi chuyện. Anh nên bình tĩnh, khoảng thời gian này coi như khoảng dừng để cả hai có thể lùi lại một khoảng, nghĩ về nhau, về con, về cuộc sống chung.

Mong sự kiên nhẫn của anh sẽ giúp vợ anh trưởng thành.

Hạnh Dung

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Minh Chiến (TP Thủ Đức, TPHCM): Nếu còn yêu thương, hãy đến đón vợ con về

Nếu còn yêu thương vợ con, cảm thấy cuộc hôn nhân này có thể hàn gắn được thì bạn nên ngồi lại với vợ để nói chuyện, cùng phân tích xem nguyên nhân nào khiến cô ấy cảm thấy không hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân. Có phải do sự khác biệt trong quan điểm sống, bạn thiếu quan tâm đến vợ hay do kinh tế gia đình chưa ổn định?

Nếu do khác nhau về quan điểm sống, thiếu sự quan tâm dành cho nhau, cả hai nên thống nhất cùng thay đổi để cứu vãn cuộc hôn nhân này. Còn nếu do kinh tế chưa ổn định, bạn phải cố gắng hơn để tạo sự an toàn, tin tưởng cho vợ con.

Trong thời gian chờ đợi tìm công việc mới phù hợp với chuyên môn, bạn có thể làm các công việc bán thời gian như giao hàng, chạy xe công nghệ để có thêm thu nhập. Khi bạn có sự cố gắng, tôi tin vợ bạn sẽ nhìn thấy và thay đổi, ba mẹ vợ không còn nhìn bạn với ánh mắt coi thường.

Thu Hiền (Huyện Hóc Môn, TPHCM): Hãy tưởng tượng mình là cô ấy

Vợ bạn là con gái một, từ nhỏ đã được cưng chiều, không tránh khỏi tính tình trẻ con. Nay lấy chồng phải dọn ra ở trọ nên có thể cô ấy chưa thích nghi.

Trước khi cưới, vợ bạn đã muốn bạn về ở rể nên có thể hành động ôm con về nhà ngoại chỉ nhằm tạo áp lực để bạn về ở rể. Là đàn ông, bạn sẽ không tự tin khi phụ thuộc vào gia đình vợ, ảnh hưởng lớn đến lòng tự trọng. Bạn nên trao đổi thẳng thắn về những cảm xúc, suy nghĩ, lý do này để vợ hiểu, đồng cảm thay vì cứ im lặng.

Nhưng anh không nói rõ nguyên do vì sao cãi nhau. Anh cho rằng cô ấy sai, còn cô ấy chắc chắn rằng nghĩ mình đúng nên không xuống nước. Đôi khi cả hai vợ chồng đều có cái tôi quá lớn mà không ai chịu nhún nhường.

Anh cũng cần tưởng tượng mình là cô ấy để hình dung cô ấy cũng có nỗi khổ cần được anh sẻ chia . Khi anh nói thẳng thắn cảm xúc của mình và chia sẻ sự cảm thông với cô ấy, chắc chắn anh chị sẽ tìm thấy điểm chung mà về với nhau.

Theo phụ nữ TPHCM