Cô bạn tuổi U50 vừa tâm sự với tôi trong một chầu cà phê: “Đôi lúc em muốn bỏ hết, nhà cửa, con cái đi đến một nơi thật xa, sống một mình, không vướng bân lo toan, không phải chăm sóc, nhắc nhở con học hành, ăn uống; không chờ đợi chồng đi nhậu qua ngày mới rồi mà chưa về, không nơm nớp lo sợ vì những ý nghĩ lo lắng, chỉ nghe tiếng xe chồng trước cửa mới thở phào... Em mệt mỏi lắm rồi, em cần phải thoát ra. Nhưng mà đi đâu đây? Đi rồi cũng phải trở về!”.
Câu chuyện của bạn khiến tôi nhớ những năm tôi bằng tuổi bạn. Cuộc hôn nhân tôi cũng khá mệt mỏi vì những điều như bạn kể. Tuy nhiên, tôi khác bạn vì tôi có những chuyến công tác, được đi xa một cách “hợp pháp”. Tôi được bước ra khỏi cánh cửa gia đình, được một mình rong ruổi, được thong thả để thấy buổi chiều nơi xa ấy sao mà dài thế... Tóm lại, được rời bỏ (tạm thời) một cách đường đường chính chính.
Lúc đầu tôi chưa quen, nên cái cảm giác có lỗi khi mình được tự do, không phải chăm sóc hay chờ đợi ai là có thật. Dù là đi làm việc, nhưng tôi luôn thấy áy náy mỗi khi nghĩ về nơi đó: ông chồng đón con trai ở trường về, tắm cho nó, giục con gái đi tắm rồi vào ăn cơm, tối còn học bài. Dỗ được con trai ngủ, chắc anh cũng bã người ra. Trong khi nơi này mình không biết làm gì đến hụt hẫng.
Thế nhưng, những chuyến công tác thường xuyên hơn, “mặc cảm tội lỗi” dần hết đi, và tôi thấy mọi việc bình thường khi trở về nhà, con cái chỉn chu, sạch sẽ, nói cười đón mẹ trở về.
Có lần tôi hỏi chồng: "Em đi vậy, mấy cha con ở nhà ổn không?". Chồng tôi trả lời: "Miễn còn sống mạnh khỏe là được".
Câu trả lời tuy có hơi “gàn” một chút, nhưng khiến tôi cảm thấy bớt áy náy vì không có mẹ mọi thứ vẫn ổn. Tôi còn biện minh: Mình đi không bằng ổng đi ráng. Việc nhà một tay mình hết chứ ổng lúc nào cũng thong thả, "chiều chiều lại nhớ chiều chiều, ai kêu tui đó, có tui đây". Con cái học hành chỉ biết mẹ vì ba ngồi vào không kiên nhẫn, hay la rầy chúng chậm chạp, mong mau chóng được gấp sách lại... Vả lại mình đi làm việc, chứ đâu phải đi chơi...
Trong một bộ phim Hàn Quốc có câu chuyện, cô nọ vì quá mệt mỏi cảnh sau giờ làm là bù đầu việc nhà với hai đứa con nhỏ, trong khi đó anh chồng lúc nào cũng thảnh thơi, lại thường viện cớ này cớ kia để thoát ra khỏi nhà, giao phó trách nhiệm con cái cho cô. Một hôm cô quyết định bỏ hết mà đi. Cô nói chuyện với chồng là nếu cô tiếp tục thế này, cô sẽ bị trầm cảm, phần vì áp lực công việc, phần vì việc nhà. Anh hãy tự lo cho con cái, muốn lo cách nào thì lo, cô không quan tâm nữa.
Và cô bỏ đi thật. Thời gian đầu, cô thấy thoải mái khi sau giờ làm được đi uống rượu với đồng nghiệp, hát karaoke, được say, được cảm giác một mình về phòng trọ như hồi sinh viên mà không bị ai quấy rầy, được ngủ đến sát giờ đi làm, không phải chuẩn bị bữa ăn sáng, vội vàng quần áo cho con đến trường... Thế nhưng, cảm giác “sung sướng” này mau chóng qua đi. Dù vậy, cô vẫn cương quyết lắm khi anh chồng đến tìm năn nỉ cô quay về.
Rồi anh chồng đổi chiến thuật đánh vào “lương tri người mẹ” là con trai thèm ăn món này, con gái thèm món kia. Cô vẫn sắt đá, về lại nhà ư? Quên đi. Tuy nhiên, từ đó, vài tối, cô lại lén về nhà mang các hộp thức ăn nấu sẵn cho con trai, con gái. Cô nhận thấy, tuy nhà cửa có bề bộn, không ngăn nắp nhưng chồng cô chăm các con không tệ. Cuối cùng, cô trở về nhà khi biết mình có thai đứa con thứ ba. Cái kết có hậu cho câu chuyện nhỏ này là anh chồng biết trân quý mái ấm gia đình hơn vì anh hiểu vai trò làm mẹ, làm vợ cực nhọc thế nào.
Tuy nhiên, anh cũng lên tiếng “cảnh tỉnh” cô vợ là cô trở về nhà vừa kịp con cái chưa quên cô. Cô vợ cũng giật mình nhận ra, lúc cô mở cửa bước vào nhà, ba cha con đang chơi trò chơi gì đấy, các con cô không chạy ùa ra ôm lấy cô như mọi khi mà chúng chỉ chăm chú vào trò chơi rồi cười nắc nẻ, coi cô như khách vậy!
Câu chuyện phim, thật hay hư cấu không bàn đến, nhưng khiến người xem phải suy nghĩ. Phụ nữ đi xa được bao nhiêu và bao lâu để mọi thứ vừa vặn?
|
'Vừa vặn" giống như canh thời gian lò nướng cho vừa đủ. Quá hay ít đều không giải quyết được vấn đề. (Ảnh minh họa) |
Vừa vặn phải là không quá lâu để các con quên mất sự hiện diện của mẹ (sẽ càng khiến người mẹ tủi thân hơn khi trở về nhà). Vừa vặn là đủ để “răn dạy” chồng. Vừa vặn là phải biết “quay xe” là bến đỗ. Ví von một chút, là giống như bật lò nướng hẹn giờ sao vừa đủ thời gian chín (và ngon) món ăn.
Tôi kết luận với cô bạn tuổi 40 như thế. Nếu thích thì cô hãy bỏ hết mà đi, nhưng nhớ canh giờ về sao cho mọi thứ vừa đủ. Đi để trở về vừa vặn. Quá hay ít đều không giải quyết được vấn đề. Cần thì đi để cảnh tỉnh ông chồng, để làm mới mình, được sống cho mình... còn đi bao lâu là cái tài khéo léo xoay xở của phụ nữ, người làm chủ căn bếp. Còn nữa, nên nhớ, đi để mọi thứ tốt đẹp hơn, trong đó, giữ mình là quan trọng nhất!
Theo phunuonline.com.vn