Tôi gửi bài viết Đàn bà đi xa được bao lâu? cho mẹ đọc. Bà trả lời tôi bằng biểu tượng mặt cười hóm hỉnh. Là bởi bà cũng đang mệt sau một chuyến "đi xa là để trở về".

Bài viết tôi gửi giống như "chọc quê" mẹ, rằng bà nói hay vậy thôi, chứ cái kiểu "nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà" như mẹ thì có xa nhà được bao lâu!

 

Một mình cũng là điều xa xỉ với không ít phụ nữ (ảnh minh hoạ)
Một mình cũng là điều xa xỉ với không ít phụ nữ (Ảnh minh hoạ)

Thời trẻ, mẹ tôi chỉ quanh quẩn với công việc của một bà nội trợ cần mẫn. Lộ trình hàng ngày của mẹ chẳng có gì mới lạ ngoài quãng đường từ nhà tới chỗ làm có ngôi chợ ở khúc giữa. Bạn bè của mẹ đếm chưa hết một bàn tay, cả thân lẫn sơ.

Kể từ khi đứa cháu cuối cùng vô cấp I, mẹ bắt đầu rảnh rang. Ở nhà một mình ra vào cũng buồn, chị em tôi bàn với mẹ, khuyên bà đi đâu đó cho khuây khoả. Chúng tôi hối mẹ nối lại liên lạc với mấy người bạn cũ. Mẹ bảo mấy vụ họp mặt lớp chỉ phù hợp với mấy người trẻ. Tuổi mẹ ai nấy giờ thành ông bà nội ngoại hết rồi, không liên lạc, gặp gỡ mấy chục năm giờ gặp lại biết nói gì?

Chúng tôi sắp xếp đưa mẹ về quê thăm người em út ở quê. Chuyến đi dự định kéo dài một tuần. Nhìn mẹ hăm hở chuẩn bị, sắp xếp quần áo, vật dụng cá nhân cho vào cái vali nhỏ, ai cũng mừng và hy vọng mẹ có một chuyến đi xa vui vẻ.

Hai đêm đầu, mẹ gọi điện khoe được dì út đưa đi thăm viếng họ hàng và mấy người hàng xóm cũ, chỗ này chỗ kia rất vui. Sang ngày thứ ba, mẹ không nói gì nhưng bắt đầu than buồn.

Mẹ hỏi thăm từng người trong nhà: "Thằng Đụt có được ba đón đúng giờ không?", "Bé My có ai hướng dẫn làm bài tập ở nhà không?", "Mấy hôm nay ba ở nhà ăn gì?, "Bà hàng xóm có qua rủ mẹ đi ăn sáng không"...

Nghe chừng như mẹ nhớ nhà lắm rồi nhưng chúng tôi chẳng muốn nhắc "khi nào mẹ về", sợ lại cản trở niềm vui thong dong lúc tuổi già của mẹ, dù đứa nào cũng mong mẹ về.

Sáng ngày thứ tư, mẹ gọi điện nói muốn về. Chiều tối đã thấy xe dượng út đưa mẹ về đỗ xịch trước cửa. Hỏi mẹ muốn đi đâu nữa không, về nghỉ ngơi vài ngày cho khỏe rồi bọn tôi lại đưa đi. Bà bẽn lẽn cười: "Thôi, không đi đâu nữa hết!"

Nhóm bạn cũ của tôi xa nhau mấy năm, người theo gia đình xuất cảnh, người chuyển đi công ty khác, phần dịch giã nên có người ở gần cũng chẳng được gặp nhau. Dịch vừa tạm lắng, cả nhóm quyết định tụ tập một chuyến thật xa, tạm gác công việc qua bên, để chồng con ở nhà vài hôm để cùng nhau bung xoã. 

Hứa hẹn trên mạng, trên các nhóm chát chung rần rần, xôm tụ là vậy, nhưng khi gặp mặt, người thì bận đưa đón con đi học nên không thể xa nhà qua đêm, người đang ở chung mẹ chồng già nên không ai chăm sóc, người thì chưa từng xa chồng con bao giờ nên không tiện thu xếp... Lý do nào cũng rất là... lý do. 

Ai cũng háo hức "thoát ly" một lần. Nhưng việc "quẳng hết gánh lo đi mà vui sống" do chưa đủ hấp lực để cả nhóm đàn bà U50 sống cho bản thân, dù chỉ một lần hay do họ cứ bị rối trong mớ bòng bong vô hình của những định kiến, mãi không thoát ra được.

Đừng đợi già mới được tự do là tư tưởng của những phụ nữ hiện đại, phóng khoáng (ảnh minh hoạ)
Đừng đợi già mới được tự do là tư tưởng của những phụ nữ hiện đại, phóng khoáng (Ảnh minh hoạ)

Ai đó nói phụ nữ ngày nay mạnh mẽ, bình đẳng với đàn ông, tưởng đúng chứ chưa hẳn! Bằng chứng là dù các vị trí chủ chốt trong các lĩnh vực xã hội không thiếu những cái tên đàn bà, dù phụ nữ thành đạt lẫy lừng, đi mây về gió không ít, nhưng trong từng mái nhà, vẫn ẩn khuất đâu đó những nỗi niềm khó nói, những tâm trạng khó tỏ bày.

Vẫn còn đó những người đàn bà không quá khó để nhận diện sau lớp áo của trách nhiệm, của đa mang và cả thành kiến. Họ tự trói mình bằng những thói quen, tự huyễn hoặc mình bằng khái niệm "hy sinh", bị ràng buộc bằng hai chữ "thiên chức". 

Chưa đi thì do dự, chỉ cần dợm bước đi đã chực quay trở về. Thế giới của họ - những phụ nữ có trái tim khao khát tự do nhưng không vượt qua nỗi sự dẫn đưa của lý trí - phải chăng chính là "nhà", chứ chẳng phải khoảng không gian thênh thang ngoài kia? 

Theo phunuonline.com.vn