Trên thực tế, cần xem xét bình đẳng giới từ quan điểm của cả hai giới chứ không phải biến nó thành độc quyền của phụ nữ. Nỗ lực bình đẳng giới sẽ “khập khiễng” nếu chỉ quan tâm đến phái nữ mà bỏ qua phái nam.
Ở một góc độ nào đó, phụ nữ bị gắn liền với suy nghĩ phải hy sinh quyền lợi và hạnh phúc cá nhân của mình cho gia đình, cho chồng, cho con. Những người phụ nữ muốn rời xa căn bếp gia đình và ra ngoài làm việc, phấn đấu vì sự nghiệp, hạnh phúc riêng thường bị gắn mác không “an phận thủ thường” theo quan niệm phong kiến lạc hậu. Còn vô số các quy định về cách ăn mặc, đi đứng, nói chuyện,... ràng buộc người phụ nữ suốt mấy thế kỷ qua.
|
|
Ảnh minh họa/ Nguồn: sheilavantol |
Song, phụ nữ không phải nạn nhân duy nhất của định kiến giới. Những tiêu chí truyền thống về người đàn ông chuẩn mực cũng khiến phái nam phải chịu không ít ràng buộc, áp lực, thậm chí chấp nhận bất bình đẳng giới như một lẽ “đương nhiên”.
Đàn ông cũng cần được khóc
Tác giả Cole Swanson chia sẻ trên trang Nami rằng: “Mạnh mẽ, không sợ hãi, dũng cảm là những tính từ mọi người nghĩ về phiên bản đàn ông của xã hội. Chúng tôi được miêu tả như những nhân vật khổng lồ đáng sợ và không bao giờ bị cản trở bởi bất cứ điều gì. Tuy nhiên có quá nhiều sự kỳ thị xung quanh sức khỏe tâm thần. Người ta coi đó là yếu đuối, tình cảm, đặc điểm nữ tính. Những từ này tác động mạnh đến tôi vì chúng khiến tôi cảm thấy như mình phải phớt lờ cảm xúc.
Thật đáng sợ khi cảm thấy mình không kiểm soát được bản thân hoặc cảm xúc của mình. Nhưng cũng thật đáng sợ khi đẩy những cảm xúc tiêu cực ra xa vì chúng sẽ luôn quay trở lại. Đối với tôi, chúng thường quay trở lại trong cơn tức giận hoặc buồn bã”.
Tiến sĩ Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho biết, cách nói đầy đủ của bất bình đẳng giới chính là bất bình đẳng trên cơ sở giới tức là việc một cá nhân hay nhóm bị bất bình đẳng trong nhóm khác do họ giới của họ.
Chính vì thế, nếu nói bình đẳng giới chỉ tập trung vào phụ nữ thì là chưa đầy đủ. Nam giới cũng chịu nhiều định kiến gây ảnh hưởng tới sự phát triển và cuộc sống của nam giới.
“Ví dụ nam giới bị hạn chế trong thể hiện tình cảm (con trai không được khóc), nam giới bị bạo lực, bị quấy rối hay xâm hại tình dục rất khó báo cáo. Nam giới muốn chia sẻ việc nhà với vợ hay chăm con cũng thường bị dị nghị là “sợ vợ”, “không đàn ông” – Tiến sĩ Hoàng Tú Anh nói.
|
|
Tiến sĩ Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) |
Đặc biệt nhiều nam giới bị áp lực trong việc kiếm tiền, đảm bảo kinh tế gia đình. Trong khi các gia đình thường cho con gái đi học các lớp nữ công gia chánh, làm bánh, nấu ăn,… như là một bước chuẩn bị cho lập gia đình, rất ít trẻ em trai được học các lớp này. Chính vì thế nhiều nam giới gặp lúng túng khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình và khi có con.
Chuẩn mực xã hội gia trưởng gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của nam giới. Chúng khiến nam giới và trẻ em trai cư xử theo cách mà họ thấy không thoải mái hoặc không chân thực với cảm xúc thực sự của mình. Những áp lực này thậm chí còn làm giảm tuổi thọ của nam giới. Nam giới cũng có khả năng tử vong do tự tử cao hơn đáng kể so với phụ nữ.
Tiến sĩ Hoàng Tú Anh kể, trong nghiên cứu của chị làm về bạo lực gia đình, nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế nào và giải tỏa cảm xúc nóng giận một cách hiệu quả ra sao. Nam giới không xử lý được tốt các cảm xúc tiêu cực của mình có thể gây ra hành vi bạo lực.
Theo Tiến sĩ Hoàng Tú Anh, đấu tranh bình đẳng giới cũng rất cần thiết cho nam giới và chắc chắn nam giới được hưởng lợi khi đạt được bình đẳng giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, do các định kiến giới truyền thống thường gây ảnh hưởng tới cuộc sống và lợi ich của phụ nữ và trẻ em gái nhiều hơn, chính vì thế các chương trình về bình đẳng giới thường tập trung vào phụ nữ như là một chiến lược ưu tiên sử dụng nguồn lực hiệu quả.
Đàn ông và trẻ em trai có thể đạt được nhiều lợi ích từ một thế giới có sự bình đẳng giới cao hơn. Một thế giới bình đẳng hơn là nơi mọi người thuộc mọi giới tính đều có thể sống cuộc sống tự do và phát huy hết tiềm năng của con người.
Đàn ông có thể thúc đẩy những ý tưởng lành mạnh về nam tính bằng cách chấp nhận sự yếu đuối trong đời sống tình cảm của họ và đảm nhận vai trò tích cực trong công việc gia đình và chăm sóc.
Ở nơi làm việc, đời sống công cộng và ở nhà, đàn ông có thể đặt câu hỏi về quyền lực của mình, thách thức những câu chuyện có hại thúc đẩy sự thống trị và kiểm soát phụ nữ, chấp nhận những mô hình lành mạnh hơn dựa trên sự bình đẳng, chăm sóc và đồng cảm.
Theo giadinhonline.vn